Đời sống

Lạng Sơn: Cơ chế mở giúp tăng tốc thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp

  • Tác giả : Thùy Linh
(khoahocdoisong.vn) - Nhằm phát huy tối đa tiềm năng của nông nghiệp, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Các chính sách ưu đãi đã được áp dụng nhằm phát triển nông nghiệp và thu hút các đối tác nước ngoài đến hợp tác về kỹ thuật, thương mại, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tiềm năng phát triển nông nghiệp

Lạng Sơn có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp với diện tích đất tự nhiên 8.33,24km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 80%, diện tích đất tự nhiên, cùng khí hậu thuận lợi để phát triển đa dạng các loại cây trồng ôn đới và nhiệt đới. Về thổ nhưỡng chủ yếu là đất feralit nâu đỏ hoặc màu vàng phát triển trên đá vôi hoặc bồn địa phù xa. Đây là tiềm năng và cũng là thế mạnh để phát triển lâm nghiệp, phát triển các loại nông sản xứ lạnh mang lại giá trị kinh tế cáo như: hoa, quả, thảo dược…

Về tài nguyên nước, Lạng Sơn có hệ thống sông suối đa dạng trong đó có 7 hệ thống sông chính chi phối nguồn nước mặt của tỉnh, đó là: sông kỳ Cùng, sông Thương; sông Trung; sông Hóa; sông Bắc Giang; sông Bắc Khê; sông Lục Nam, hệ thống các hồ trên địa bàn tỉnh có khoảng 271 hồ nước được phân bố đồng đều và là nguồn nước dự trữ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phục vụ đời sống người dân.

Với đặc điểm này, Lạng Sơn đã xây dựng nền nông nghiệp chú trọng vào phát triển các sản phẩm giá trị kinh tế cao. Như vùng trồng thông tại Đình Lập, Lộc  Bình, vùng keo lai, Bạch đàn tại các huyện Hữu Lũng,vùng Hồi Bình Gia, vùng hồng không hạt Bảo Lâm, vùng na Chi Lăng, Quýt Bắc Sơn… Hiện, sản phẩm nông nghiệp của Lạng Sơn đã xuất khẩu thành công sang nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc, Trung Đông và châu Âu.

Phát triển tiếp định hướng này, Lạng Sơn Lạng Sơn xác định phát triển toàn diện lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm gắn với hoạt động du lịch  cộng đồng. Đặc biệt là đổi mới hình thức sản xuất theo chuỗi giá trị, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đó là định hướng giúp tỉnh hình thành được những chính sách thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh thăm mô hình rau sạch theo hướng công nghệ cao ở Cao Lộc.

Lãnh đạo tỉnh thăm mô hình rau sạch theo hướng công nghệ cao ở Cao Lộc.

Trong những năm qua, Lạng Sơn đã xây dựng và áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trải đều trong các lĩnh vực của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong đó chú trọng vào giúp hình thành năng lực bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Với các ưu đãi về đất đai như miễn giảm tiền sử dụng đất, giảm tiền thuê đất, thuê mặt bằng của nhà nước, hỗ trợ thuê đất, cùng với đó là chính sách hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, hỗ trợ đầu tư nhà máy chế biến tre, gỗ rừng trồng… Hỗ trợ lãi suất vay vốn từ các ngân hàng.

Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo rà soát điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, tỉnh xây dựng Đề án đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống dịch vụ nông nghiệp; Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 - 2030.

Cơ chế mở thu hút đầu tư cho nông nghiệp.

Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh, Lạng Sơn đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thiểu thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính đảm bảo tính công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, nâng cao chất lượng thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời có các chế tài kịp thời, xử lý theo quy định đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gây lãng phí nhân lực của tỉnh.

Qua rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, tỉnh đã có phương an để giúp tạo mặt bằng sạch có lợi thế phát triển nông nghiệp trong thời gian ngắn nhất, qua đó hỗ trợ nhà đầu tư. Hiện, tỉnh đã hoàn thành cập nhật, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển nông nghiệp và công khai để các nhà đầu tư, tổ chức cá nhân tiếp cận đầu tư, kinh doanh.

Cùng với đó, tỉnh tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng thường xuyên đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua đó cập nhật các thông tin, ý kiến phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, góp tập hợp ý kiến từ nhà đầu tư và cộng đồng dân cư để làm cơ sở, căn cứ xây dựng và công bố bộ chỉ số DDCI. Và góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo lực hút đầu tư và phát triển kinh tế.

Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 - 2025. Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hội nghị hướng dẫn nghị quyết  tới các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố để nắm bắt, triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn, năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, giá trị cao đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phát triển kinh tế. Mục đích của nghị quyết là để tạo tiền đề thu hút đầu tư phát triển, thu hút đầu tư và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, trong năm 2020, mỗi huyện chọn ra ít nhất từ 5 - 7 cá nhân, tổ chức được thụ hưởng chính sách này.

Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp giúp nâng cao lợi ích các bên đặc biệt là đối với nông dân góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất theo hợp đồng đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm.

Từ chủ trương đã được ban hành, phê duyệt, tỉnh sẽ cụ thể hóa các chính sách, thủ tục đầu tư của Trung ương, địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp hiểu rõ và tuân thủ. Đồng thời, liên tục rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi đặc thù về nông nghiệp, nông thôn để phổ biến đến đông đảo cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Với những cơ chế chính sách ưu đãi. Lạng Sơn trong những năm tới sẽ đón những làn sóng mới từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy phát triển tăng tốc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thùy Linh

BẢN DESKTOP