Dọc đường

Làng rèn sắt lâu đời nhất Việt Nam

Những cứ liệu lịch sử và vật chứng phần nào chứng minh làng Nho Lâm là nơi phát tích nghề rèn sắt đầu tiên của nước ta.

Tổ nghề Cao Lỗ

Làng Nho Lâm thuộc xã Diễn Thọ (Diễn Châu, Nghệ An) nằm sát bên dòng sông Sắt êm đềm chảy qua xã Diễn Thọ – nơi có nghề rèn sắt lâu đời nổi tiếng ở nước ta.

Làng Nho Lâm – nơi có nghề rèn sắt lâu đời nhất.

Làng có đền thờ tướng Cao Lỗ được công nhận là di tích lịch sử. Vì có rất ít tư liệu ghi chép về ngôi làng này nên cho đến nay, các nhà khoa học không khỏi nghi ngờ sự thật về việc tướng Cao Lỗ là ông tổ của nghề rèn sắt.

Làng Nho Lâm hiện nay số nhiều là người họ Cao, lại có đền thờ của tướng quân Cao Lỗ nên người làng chọn Cao Lỗ là ông tổ nghề rèn sắt.

Theo TS Lại Văn Tới thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành, truyền thuyết nói về cuối đời của tướng quân Cao Lỗ khá trùng khớp: Cao Lỗ đã nhìn rõ quỷ kế của Triệu Đà khi cho Trọng Thủy sang kết giao và ở rể. Ông đã dũng cảm can ngăn An Dương Vương nhưng nhà vua không những không nghe mà còn bạc đãi Cao Lỗ.

Ông đành phải rời bỏ triều đình. Trước khi đi, Cao Lỗ nói với An Dương Vương: “Giữ được nỏ thần thì giữ được nước, mất nỏ thần thì mất nước”. Nhưng sau đó Cao Lỗ đi đâu, làm gì thì lại có nhiều truyền thuyết khác nhau.

Có tích kể Cao Lỗ đi chu du thiên hạ, về đến vùng Diễn Châu, Nghệ An thấy có mỏ sắt nên dừng chân tại đây và dạy dân khai thác quặng sắt, lập lò rèn mở rộng canh tác ở vùng ven biển này.

Một truyện khác lại nói, Cao Lỗ hay tin Triệu Đà tấn công Cổ Loa, đã quay về để bảo vệ vua, bảo vệ thành. Sức yếu, thân cô, cố sức xông pha trận mạc để mở đường thoát cho An Dương Vương, Cao Lỗ đã hy sinh ngay trên mảnh đất Cổ Loa.

Nghề rèn ở Nho Lâm hiện đã mai một.

Lại có tích khác cho rằng, khi An Dương Vương chạy về phía Nam tới vùng Diễn Châu, Cao Lỗ đi theo để bảo vệ vua. An Dương Vương chém Mỵ Châu rồi nhảy xuống biển ở Mộ Dạ. Cao Lỗ ở lại vùng này, thấy có quặng sắt nên lập lò rèn ở đây.

Sau đó vùng này phát triển thành tổng Cao Xá, gồm nhiều làng. Trung tâm vùng là làng Nho Lâm ngày nay. Cao Lỗ được nhân dân lập đền, tôn thờ làm Thành hoàng, với tên hiệu là Lư Cao Sơn. Ông được coi là thánh tổ của nghề rèn. Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng giêng, dân làng Nho Lâm lại tổ chức lễ tế Lư Cao Sơn.

TS Lại Văn Tới khẳng định, nghề rèn sắt đã có ở Nho Lâm từ khi Cao Lỗ về lập làng. Và đây cũng là nơi phát tích nghề rèn sắt đầu tiên ở nước ta.

Nhiều chứng tích sót lại

Trái ngược với nhận định của TS Lại Văn Tới, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Quang Liễn cho biết: “Tôi không nghĩ Cao Lỗ về Nho Lâm để truyền nghề rèn sắt. Không có tư liệu nào nói đến việc Cao Lỗ thạo về đồ kim khí cả. Tuy nhiên, việc khẳng định Nho Lâm là nơi có nghề rèn sắt lâu đời nhất Việt Nam là có cơ sở”.

Quặng sắt tìm thấy trong làng Nho Lâm.

Theo ông Liễn, những năm về trước ông đã cùng PGS.TS Hoàng Văn Khoán khai quật sơ lược và phát hiện rất nhiều xỉ sắt. Thậm chí, lớp xỉ sắt dưới lòng đất ở làng Nho Lâm dày tới hàng mét. Những năm sau thời kỳ bao cấp, nhiều lúc nông dân làng Nho Lâm phải đào xỉ sắt đổ trộm sang các làng khác.

Không chỉ phát hiện khối lượng lớn xỉ sắt, nhóm khảo cổ còn phát hiện ra một số chứng tích về “lò hông” còn sót lại. “Lò hông là lò luyện sắt, đây là phương pháp luyện thép hoàn nguyên. Khi nóng chảy, sắt thép sẽ cô đặc lại, tạp chất sẽ chảy ra ngoài”, ông Liễn cho hay.

Ông Liễn cũng tiết lộ: “Lúc thịnh vượng, Nho Lâm có tới trên 400 lò luyện sắt. Năm 1945, khi nạn đói xảy ra thì nghề sắt ở Nho Lâm cũng chấm dứt. Hiện nay, làng Nho Lâm chỉ còn khoảng hơn chục nhà còn giữ được nghề rèn sắt mà thôi”.

Ở xã Diễn Thọ, có một chợ nông cụ lâu đời chuyên buôn bán trao đổi sản phẩm dành cho nông nghiệp. Từ lưỡi cày, cuốc, xẻng đến liềm, dao, búa được bày bán la liệt. Tương truyền, chợ nông cụ này cũng được hình thành từ thời tướng Cao Lỗ về truyền nghề rèn sắt cho dân làng.

Dòng sông sét đánh

Làng Nho Lâm có con sông Sắt nổi tiếng chảy qua, đây cũng là con sông hay bị sét đánh nhất vùng. Nhiều người cho rằng, vì dưới lòng sông chứa rất nhiều quặng sắt nên hút sét. Tuy nhiên, khi các nhà khoa học cho máy dò thì lại không phát hiện dấu hiệu mỏ quặng dưới đáy sông.

Tượng tướng quân Cao Lỗ tại Nho Lâm.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Quang Liễn: “Sông Sắt có tên gốc là Thiết Cảng, là một trong “bát cảnh Đông Thành” nổi tiếng nhất Nghệ An”. Tuy nhiên, vì sét hay đánh xuống dòng sông nên người đời sau đổi là sông Sắt hoặc sông Sét”.

Ông Cao Văn Sơn, người làng Nho Lâm cho biết: “Gần như trận mưa nào có sấm sét thì dòng sông cũng bị sét đánh trúng. Thế nên từ xưa tới giờ dân làng đều không dám làm nhà cạnh dòng sông”.

Hiện nay, ở Nho Lâm, thỉnh thoảng người ta lại phát hiện ra một vài mỏ sắt nhưng số lượng không đáng kể. Muốn có khối lượng lớn sắt để rèn, người làng phải đi bộ gần 20 cây số lên động Ngút và đồng Hồi thuộc dãy Thiết Sơn để khai thác.

“Trong số các di chỉ khảo cổ học thuộc thời đại Đông Sơn, nổi tiếng hơn cả là di chỉ Đồng Mỏm ở làng Nho Lâm. Dấu vết của lò luyện sắt còn hiện rõ ở đây là những nền cát bị nung đỏ, hình tròn, đường kính chừng 30cm, chiều cao 20 – 25cm, tường lò được đắp bằng đất sét trộn với trấu hoặt bã thực vật băm, nghiền nhỏ, đáy lò được kê bằng những viên đá to. Lò có hai cửa, một cửa để đưa gió vào, cửa kia để thải xỉ. Xung quanh lò, phát hiện nhiều cục quặng hoặc giọt xỉ sắt, than. Trong diện tích không lớn, đã phát hiện dấu tích 6 lò luyện sắt”.

TS Lại Văn Tới (Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành)

Trần Hòa

BẢN DESKTOP