Dọc đường

Làng ngư dân bé cứu tàu to

Làng ngư dân Bãi Xép chỉ với những chiếc ghe nhỏ với đoàn ngư dân tay không nhưng suốt 10 năm qua đã cứu sống gần 50 thủy thủ trên 5 con tàu hàng khổng lồ sắp bị sóng nuốt chửng. Giằng co với tử thần, họ trao lại cho bằng ấy con người cơ hội sống thứ hai.

Chú Năm tên thật là Nguyễn Hữu Kính, 54 tuổi, ở tổ 2 khu vực 1, Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng, tỉnh Bình Định) tỷ mẩn gỡ mấy con cá dìa dính trên tấm thẻo mới thả lúc sáng. “Bình thường thôi mà. Nó như phản xạ ở làng. Thấy là bằng mọi giá phải cứu cho được” – người đàn ông nhỏ thó với bộ râu chụp, cười khà khà khi nhắc nhớ về những “chiến công” cứu tàu ở làng ngư dân của mình. Đôi tay sần dày trục không ngừng cuốn mấy vạt lưới.

Đường vào làng.

Làng Bãi Xép.

Làng ngư dân cứu người như trong phim

Tầm cuối tháng 12/2009, bão ngoài biển lấp ló phía khơi tưởng chỉ dọa, bất ngờ đổ dập bờ. Thanh niên làng ngư dân Bãi Xép, trong đó có cả ba cha con chú Năm hối hả kéo tàu ghe vào, neo sát triền cát. Đang lúi húi, chú Năm trông thấy cách bờ gần 100m, một con tàu mang biển hiệu Nhật Bản đang chới với. Gió rít, sóng đánh từng hồi hung dữ lên mạn. Kinh nghiệm hơn 30 năm đi biển cho chú Năm biết nó sắp “chết”.

“Gió sóng gió to vậy mà tàu còn ở ngoài đó. Thôi ra cứu, chứ không họ chết tội”, chú Năm nói anh con trai là Nguyễn Hữu Trọng (28 tuổi) và Nguyễn Khắc Minh (24 tuổi), cùng tốp thanh niên nhanh như chớp hiểu ý. Một người mau mắn nhặt vội mấy thắt lưng cứu hộ. Thả chiếc ghe xuống, họ chèo ra phía gần con tàu gặp nạn. Gió hung hãn chực lật nhào nhóm người xuống con sóng dữ.

“Sắp tới gần tàu rồi. Ráng chút nữa”, một thanh niên trong nhóm hét to. Chiếc ghe ngả nghiêng, mưa tát vào mặt nhóm cứu nạn. Tiếp cận được con tàu. Sóng biển đang tấn công con tàu, mấy tấm màng sắt bọc ngoài long tróc. “Thêm một ngày nữa thôi mà không được cứu, tàu vỡ mũi là chết hết”.

Chú Năm Nguyễn Hữu Kính.

Chú Năm Nguyễn Hữu Kính.

Thuyền viên trên tàu nói tiếng gì không ai hiểu, chỉ thấy rợp trắng khăn tang – một thủ tục của người đi biển Nhật Bản, khi biết đã cầm chắc cái chết. Nhìn thấy ghe của làng ngư dân Bãi Xép, họ mừng rỡ.

Chiếc ghe vẫn chao đảo dữ dội. Chú Năm ra hiệu cho các thủy thủ trên tàu ném dây xuống, mỏ neo của tàu to, chắc nên sẽ làm thành một cái trục vững. Rồi chú cột đá vào dây neo cuốn trong cái ròng rọc của ghe mình, ném lên tàu, ra hiệu cho các thủy thủ mang thắt lưng an toàn vào rồi cột dây lên bụng. Thắt lưng tròng vào cái trục trước đó, tạo thành một cần trượt. Trên ghe, nhóm thanh niên của làng ngư dân Bãi Xép thay nhau tóm dây, ba người một lần lượt được kéo về. Vất vả gần 10 giờ, 12 thuyền viên trên tàu được cứu sống.

Ngày 4/11/2017, cơn bão Damrey (bão số 12) sầm sập kéo về vùng biển Quy Nhơn. Dân làng Bãi Xép hì hục thu dọn từng tấm lưới cá, dụng cụ đi biển, vác đá che chắn nhà cửa. 5 giờ sáng, giữa hỗn loạn, anh Thái Công Toàn – Khu vực trưởng cùng vài người bạn nom thấy cách chừng 10m là con tàu mang tên Fei Yue 9 có vẻ đang bị phá nước. “Bão tới rồi. Thế nào cũng bị nạn thôi”. Đoán trước “cái chết” của con tàu, dân làng Bãi Xép hò hét lao đi. Chú Năm Kính nhặt vội mấy cái thắt lưng của công nhân xây dựng để lại rồi chạy thục mạng ra biển.

Lần này, cơn bão Damrey tai quái đẩy con tàu có quốc tịch Mông Cổ này vào sát ghềnh đá. Tình thế rất nguy hiểm. 15 thuyền viên trên tàu, trong đó có 9 người Trung Quốc đã hoàn toàn bất lực, chuẩn bị nhảy xuống phó thác sinh mạng cho sóng gió và đá nhọn. Núp lùm dưới con sóng hung tợn là ghềnh đá với các mỏm sắc như dao. Ghềnh đá đối với dân biển như một con quái vật thầm lặng.

Sóng khơi to cỡ nào cũng ít nguy hiểm. Còn rơi xuống ghềnh, chỉ một cơn sóng phủ đầu tạt qua, cuốn người tấp lên, đá, hàu bám trên ghềnh cuốn lấy nhai nát là “chết liền”! Vẫn những kinh nghiệm đã được truyền bao năm, dân làng Bãi Xép bình tĩnh chèo ghe ra cứu người. Chị Năm Báu (Phan Thị Báu) tất tả chạy về làng, cắp ra gần chục cái áo mưa. “Mặc vô không lạnh!”. Chị hét với theo: “Thằng Út, thằng Trường, thằng Xỉn cẩn thận đó nhen!”.

Lúc này lực lượng cứu hộ của tỉnh cũng đã tới. Trên bờ ước chừng sóng gió khoảng cấp 4 – 5, nhưng ai ngờ đó là một cú lừa hoàn hảo. Khi ra tầm vài mét, mới thấy sóng to dữ dội. “Lúc đấy phải gọi là thập tử nhất sinh. Bởi sảy chân một phát, là toi”. Damrey ma mãnh, không buông tha cho kể cả đám thủy thủ dày dạn. Ba người dân đầu tiên trượt qua sợi dây cần cứu an toàn thì tốp sau trắc trở.

Khi tụt xuống vài nấc, gió bão luồn xuống nước, rung lắc chiếc ghe dữ dằn. Đám thanh niên của làng ngư dân Bãi Xép chia làm 2, mỗi bên 3 người, chặn hai bên bờ ghè, giữ ghe thăng bằng. Ba người trên dây chao đảo khi chiếc ghe đã mớm sát miệng sóng. Lập tức, anh Trường nhanh trí, cho kéo ngược trở về. Vật lộn mãi sau, cuộc đánh đu mới thành công.

Nhờ sự dũng cảm giải cứu của hàng trăm dân làng Bãi Xép cùng  lực lượng cứu hộ, 15 thuyền viên thoát chết ngoạn mục. Chị Năm Báu cùng các chị em hò nhau mang mấy tấm chăn để thuyền viên quấn cho ấm kèm vài bao thuốc lá. “Chị đưa thuốc mà họ không hút. Họ sợ lấy tiền. Mãi sau chị bảo “No no”, mấy ổng mới chịu”- chị Năm Báu cười nheo mắt.

Những cuộc đời mộc mạc

Bây giờ, sau 2 tháng, xác tàu Fei Yue vẫn còn đang nằm ngoài ghềnh, cách không xa xác con tàu Jupiter (Hải Phòng). Chú Hai Thọ người dân Bãi Xép nằm trong đội biên phòng được tỉnh cử xuống cùng 4 người nữa chống lán thay nhau giữ xác tàu.

Tàu Fei Yue 9 hiện tại.

Tàu Fei Yue 9 hiện tại.

Tôi leo lên mõm đá chiều hôm đó, ngay dưới chân là Fei Yue 9 nằm lạnh lẽo. Gió mùa này vẫn khô khốc, rít qua boong tàu, chẳng một chiếc lá hay một con chim nỡ lòng đậu xuống. Lờ nhờ trong sương mù, giữa “nghĩa địa tàu” âm u, sóng đập lên mạn thuyền những âm thanh nhớ lại còn rợn.

Chẳng phải chỉ thủy thủ đoàn của 2 con tàu lớn được cứu. Làng ngư dân Bãi Xép đã từng cứu 3 chiếc sà lan chở hàng bị cắt đuôi chìm mất dạng giữa biển. Những lúc ấy, để cứu, bắt buộc dân làng Xép phải lặn.

“Biết tàu nằm ở đâu. Mọi người mới lặn ra chớ. Chẳng phải vậy mà lặn đâu nghen. Chết đó. Sóng to thì dứt khoát phải bơi ngầm. Nếu không, trồi lên, sóng đánh vào bờ, gặp đá ghềnh là xong luôn”, các lão ngư lành nghề chẳng phải chần chừ quá lâu, bởi biển như máu thịt và mọi hiểm nguy đều có cách để lách. Sau khi đã lặn ra, họ cột mỏ neo lên sà lan, những người trên bờ gọi người đến trục vớt. “Tàu có người hay không có người không cần biết. Cứ thấy có nạn là phải cứu cái đã”, đó là quan điểm dứt khoát của “làng cứu hô”.

54 tuổi, chú Năm Kính được trẻ trong làng thương mến gọi là ba. Nhà chú nằm gần sát cái giếng. Cái giếng xiêu vẹo giữa làng, chằng chịt máy bơm, dây điện dẫn nước đến các hộ dân. Mọi người sắm bình nước, cắm thêm vòi, hút nước từ giếng lên, khỏi tốn điện. Cái giếng bỗng trông như trụ điện cao thế.

Cả khu chợ ồn ã, thơm nức vì lò bánh xèo của vợ chồng chú Tư. Hai vợ chồng trong đội quân cứu người năm nay cũng đã xấp xỉ lục tuần. Chú Tư xắn quần lên tận đầu gối, đổ bánh xèo, rưới chút mứt (rong biển) lên trên, thơm nức mũi. Cô Tư nhanh tay xúc ra đĩa, dọn cho khách. “Hai vợ chồng ông bả tình cảm lắm. Anh Út, anh Trường, lớp thanh niên làng đã đi cho tôm ăn ngoài Hòn Đất. Căn nhà nào cũng xô lệch, chẳng thèm đóng cửa nả gì. Cô Năm Báu rộn ràng với mấy bà bạn, váy xanh váy đỏ chuẩn bị lên An Nhơn ăn cưới. Niềm vui ở nơi đẩu nơi đâu mà cũng làm cả làng rộn ràng, xúm xít.

Làng ngư dân Bãi Xép đậm đà nghĩa tình hơn những gì người ta biết về Bình Định. Cứu tàu bị nạn không là thắng lợi của họ. Đó chỉ là chứng minh cho dòng chảy của lòng yêu giữa đâu đó cuộc đời.

Chú Năm vốn dân Phù Cát, đi bộ đội năm 1974. Sau giải phóng, được đưa về làng ngư dân Bãi Xép, làm công tác vận động quần chúng. “Gió biển đẩy xô vào bà xã rồi mới quen bả đó chớ”- chú Năm vuốt bàn tay gân guốc của vợ. Ngày chú ra khơi cứu tàu, cô Năm như nhiều chị mẹ khác trong làng đã quen, bình thản đến lạ. “Giữa cô chú có sự đồng thuận. Thấy tàu bị nạn là lao đi thôi”. Chỉ dặn với theo “Anh nhớ nói với các con cẩn thận chút nghen”.

Hoàng Bách (tổng hợp)

BẢN DESKTOP