Dọc đường

Làng nghề thuyền nan truyền thống ở Hưng Yên: Vượt vũ môn vào vũ bão

Cơ chế thị trường và những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã “ép” làng nghề truyền thống đan thuyền nan nức tiếng như Nội Lễ, xã An Viên (Tiên Lữ – Hưng Yên) phải từ bỏ thứ nghề cha ông truyền lại để “vượt vũ môn” thành một làng… tỉ phú. Tiếc rằng, việc “vượt vũ môn” kiểu bỏ gốc lấy ngọn, đang đưa Nội Lễ vào “cơn bão ngầm”.

Thời của thuyền nan

Ông Đỗ Ngọc Thanh – Chủ tịch UBND xã An Viên rất tự hào khoe với chúng tôi: “Ở địa phương có làng nghề đan thuyền nan nổi tiếng lắm, có được một làng nghề cổ kính gắn với sông nước như vậy không phải đơn giản”.

Để minh chứng điều ấy, ông Thanh dẫn chứng: Ngay cả những cụ cao niên làng Nội Lễ cũng không biết nghề đan thuyền nan có từ bao giờ, chỉ biết khi sinh ra thì tổ tiên đã làm nghề này rồi. Nhưng theo một số người dân, Nội Lễ vốn là rốn nước ven dòng sông Luộc, đồng ruộng quanh năm ngập nước, chỉ cấy được vụ chiêm, còn vụ mùa để trắng cho cua, cá, rong rêu phát triển.

Rất hiếm để thấy hình bóng chiếc thuyền nan

Với đặc trưng ấy, người Nội Lễ buộc phải nghĩ cách vận chuyển lúa khi thu hoạch. Và thuyền nan ra đời là phương tiện không thể thiếu trong nông nghiệp. Thu hoạch xong vụ lúa, thuyền nan giúp họ ra đồng, xuống sông chài lưới, bắt cua, cá.

Ông Thanh cho biết: “Nghề đan thuyền nan thịnh vượng nhất vào những năm 1986 đến 1998 do nhu cầu của nhân dân địa phương, đồng thời các nơi cũng đổ về mua thuyền rất nhộn nhịp. Gần như 100% người Nội Lễ đều tham gia làm nghề”.

Và để kiếm thêm thu nhập, làng đan thuyền còn phân công nhau làm thêm các loại: Thúng mủng, dần sàng, nong, nia, rổ, rá, rế, xảo, đăng, đó… có chất lượng tốt bán ra ngoài thị trường. Một thời, nhiều chợ quê đều bày bán các sản phẩm đan nát của Nội Lễ với giá cả phải chăng.

Ông Phạm Văn Mý – Trưởng thôn Nội Lễ bảo: “Thời của thuyền nan là một kỷ niệm đẹp đối với người địa phương. Thuở ấy, nhà ai cũng đan thuyền, công việc làm cả ngày không hết, đan thuyền nan tuy không giàu nhưng cũng không để người ta phải thiếu thốn”.

Còn ông Đỗ Ngọc Thanh – Chủ tịch UBND xã An Viên sau những tự hào về làng nghề đan thuyền nan “độc nhất vô nhị” của địa phương mình, cũng tỏ ra băn khoăn khi làng nghề “vượt vũ môn” sang một thứ nghề khác. Nhưng rồi, ông Thanh đành chậc lưỡi bảo: “Đó âu cũng là thuận theo cơ chế thị trường”.

Vượt “vũ môn” sang thuyền… sắt

Lời của ông Chủ tịch UBND xã An Viên – Đỗ Ngọc Thanh quả không sai, nhất là khi thuyền nan dường như không còn ý nghĩa gì đối với việc sản xuất nông nghiệp tại địa phương, vả lại, dân tứ xứ cũng không còn đổ về rầm rộ như trước đặt mua thuyền nan. Và cứ thế, người dân Nội Lễ không mặn mà gì với nghề cha ông để lại.

Họ đổi đời sang ngành vận tải thủy. Bắt đầu chỉ là vài ba hộ gia đình có chút vốn liếng gom tiền mua thuyền trọng tải 300 – 400 tấn, dần dà Nội Lễ xuất hiện cả những con tàu cỡ bự hàng nghìn tấn. Các tàu thuyền lớn nhỏ này chọn chân cầu Triều Dương là bến đỗ sau mỗi chuyến đi xa.

Nghề đan lát từng một thời thịnh vượng

Ông Thanh nhẩm tính: “Thôn Nội Lễ bây giờ có 700 hộ với 2666 nhân khẩu mà đã có tới 200 tàu thuyền, tàu nhỏ thì đi trong nước, tàu lớn thì nhận chuyên chở xi măng, sắt thép các loại đi xuyên quốc gia”.

200 tàu này cần đến trên 800 lao động, ngoài những thanh niên khỏe mạnh của làng tham gia làm nghề, các chủ tàu ở Nội Lễ còn thuê các lao động bên ngoài với mức lương hấp dẫn. Nội Lễ trở thành làng tỉ phú nổi tiếng ở Hưng Yên. “Mỗi chủ tàu là một tỉ phú, suy ra làng Nội Lễ có gần 200 đại gia”, ông Thanh nhẩm tính như vậy.

200 con tàu mà người Nội Lễ bỏ tiền ra mua cũng ở mức con số khủng. Theo thống kê của UBND xã An Viên, tổng số tiền mà người dân “đổ” ra khoảng tầm 500 tỉ đồng. Một chiếc tàu nhỏ có giá khoảng trên 1 tỉ, tàu lớn hàng chục tỉ đồng.

Tuy nhiên, một chủ tàu làng Nội Lễ bảo chúng tôi: “Đầu tư lắm thì chết nhiều. Năm nay, coi như hỏng chú ạ! Hàng hóa chẳng ai thuê, được chuyến hợp đồng thì giá bèo bọt, tiền dầu máy công cán tăng vùn vụt, lãi ngân hàng đã đủ “bóp” chết người vay rồi”.

Người cũ sót lại

Tuy Nội Lễ đã trở thành làng tỉ phú, chuyển sang làm nghề vận tải thủy nhưng vẫn còn sót lại một người tâm huyết với thuyền nan. Đó là ông Phạm Văn Miền, trong ngôi nhà cấp bốn đầy ắp những tre nứa, ông Miền bảo: “Cái nghề đan thuyền nan không còn ai theo nữa rồi, làng giờ buồn tênh”.

Ông Phạm Văn Miền – người cuối cùng còn sót lại với nghề

Ở khoảnh sân nhỏ của nhà ông Miền, còn sót lại 2, 3 cái thuyền nan bị mạng nhện giăng kín. Ông Miền bảo: “Thì có ai mua đâu mà bán, mình cứ giữ nghề vì không muốn nghề truyền thống bị mất hẳn mà thôi”

Ông Miền cho hay, trước làng Nội Lễ có cụ Sỏi là người rành nghề nhất. Cụ được phong nghệ nhân, sản phẩm thuyền nan của cụ đem đi trưng bày khắp nơi đều được giải cao. Tiếc là cụ mới qua đời mà không ai học được bí quyết gì.

Ông Miền than thở: “Sống chết với nghề đan thuyền nan bao nhiêu năm nay, giờ tôi nản rồi. Mua tre nứa ở vùng cao về đan nát thì kiểm lâm bảo phá rừng, đan xong thì chẳng ai mua. Cứ theo nghề thì người khác cho rằng mình cổ hủ, không thức thời, nói chung để can đảm theo nghề cho đến bây giờ đã biến tôi thành… người cũ mất rồi”.

Vượt vũ môn vào vũ bão: “Năm nay, kinh tế suy thoái, tàu vận tải ít hoặc không có việc nên… đói. Hơn nữa, nhiều hộ gia đình phải vay ngân hàng mua tàu thì tiền lãi hàng tháng đã đủ ở mức báo động. Thực tình, không ai ngờ được rằng, khi bỏ nghề truyền thống thuyền nan sang làm vận tải tàu thuyền sắt thì lại mạo hiểm thế, không khác nào “vượt vũ môn lại lao vào vũ bão”. Còn điều nữa tôi lo lắng, đó là tệ nạn cờ bạc đối với anh em làm nghề vận tải thủy, và việc chăm lo dạy dỗ con cái khi cha mẹ bận bịu với công việc… Đấy thực sự là những “cơn bão ngầm” ở Nội Lễ mà ai cũng có thể nhận ra”, ông Đỗ Ngọc Thanh – Chủ thịch UBND xã An Viên.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP