Khoa học & Công nghệ

Làng nghề gỗ lao đao vì dịch Covid-19

  • Tác giả : H.N
(khoahocdoisong.vn) - Bình quân thu nhập của hộ tại các làng nghề gỗ được khảo sát giảm gần 90% so với trước giãn cách.

Khảo sát của Nhóm nghiên cứu giữa Forest Trends và các hiệp hội gỗ tại 6 làng nghề gỗ vùng đồng bằng sông Hồng (Đồng Kỵ, Hữu Bằng, La Xuyên, Liên Hà, Thụy Lân và Vạn Điểm) cho thấy, đầu ra sản phẩm của các hộ giảm 76%.

Trong đó, đặc biệt là làng nghề gỗ Đồng Kỵ giảm tới 90% do sản phẩm của Đồng Kỵ có giá cao hơn rất nhiều. Hiện 30% lượng sản phẩm của làng nghề được làm từ các loại gỗ quý có nguồn gốc từ Lào và Campuchia,70% còn lại sản phẩm làm từ châu Phi nhập khẩu.

Không tiêu thụ được sản phẩm dẫn tới việc thu hẹp quy mô sản xuất, thu nhập của hộ giảm. Bình quân thu nhập của hộ tại các làng nghề gỗ được khảo sát giảm gần 90% so với trước giãn cách. Liên Hà và Vạn Điểm là nơi thu nhập của hộ giảm mạnh nhất, lần lượt là 90% và 80%. Các hộ tại La Xuyên có tỷ lệ thu nhập giảm thấp nhất (45%).

Thu hẹp quy mô sản xuất cũng đồng nghĩa với việc giảm nguồn gỗ tiêu thụ đầu vào. Tính bình quân lượng gỗ đầu vào của các hộ giảm 68%. Đồng Kỵ là nơi các lượng gỗ đầu vào giảm mạnh nhất (90%), tiếp đến Liên Hà (85%), trong khi La Xuyên là nơi có lượng nguyên liệu đầu vào giảm ít nhất (40%).

Khảo sát cũng cho thấy, hoạt động sản xuất đình trệ, nguồn thu bị mất hoặc sụt giảm tạo ra sức ép về các khoản vay rất lớn cho các hộ. Trong khi đó, trên 70% số hộ vay vốn để sản xuất kinh doanh nên sức ép trả lãi suất ngân hàng lớn và dễ rơi vào danh sách hộ nợ xấu. Một số hộ đã tìm đến “tín dụng đen” để có nguồn tiền duy trì hoạt động  trước khi có được các khoản vay mới từ ngân hàng.

Khoảng 46% số hộ tại các làng đã quay trở lại sản xuất, tuy nhiên các hoạt động này chỉ mang tính chất “cầm chừng” với mục đích “làm để giữ thợ” và “lấy công làm lãi” mà không có lợi nhuận. Làng có số hộ quay lại sản xuất cao nhất đạt 80% (La Xuyên) và làng thấp nhất chỉ đạt 30% (Đồng Kỵ).

Báo cáo cũng cho biết thực trạng hộ kinh doanh tại các làng nghề này không tiếp cận được với nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 105 của Chính phủ. Nguyên nhân chính là bởi các hộ không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế do vậy các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ không được các cơ quan quản lý công nhận một cách chính thức. Kết quả là hộ nằm ngoài tiêu chí được hỗ trợ được quy định trong các nghị quyết nêu trên.

H.N

BẢN DESKTOP