Khám phá

Lăng mộ Võ Tắc Thiên bất khả xâm phạm

  • Tác giả : Tâm Anh (T/H)
Sau khi qua đời năm 705, Võ Tắc Thiên được hợp táng với Đường Cao Tông trong Càn Lăng. Trải qua hơn 1.300 năm, lăng mộ chưa từng được mở ra trong khi lăng mộ của nhiều vị vua bị mộ tặc xâm phạm. Vì sao lại vậy?

Trong số lăng mộ của các vị vua trong lịch sử Trung Quốc, Càn Lăng là một trong ít lăng mộ vẹn nguyên đến ngày nay. Trong hơn 1.300 năm qua, nơi an nghỉ ngàn thu của Võ Tắc Thiên và Đường Cao Tông chưa từng bị trộm mộ. Ngay cả các nhà khoa học cũng chưa thể mở Càn Lăng.

Lăng mộ bất khả xâm phạm

Nằm trên đỉnh núi Lương Sơn, huyện Càn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Càn Lăng được xây dựng từ năm 684 và hoàn thành sau 23 năm. Hoàng đế Đường Cao Tông được an táng tại Càn Lăng cùng với vô số ngọc ngà châu báu. Một số ghi chép mô tả khoảng 1/3 quốc khố được tùy táng cùng ông hoàng nhà Đường này.

Sau khi qua đời năm 705, Võ Tắc Thiên được hợp táng với Đường Cao Tông trong Càn Lăng. Khi ấy, vô số ngọc ngà châu báu, kỳ trân dị bảo được tùy táng cùng nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Theo đó, nơi an nghỉ ngàn thu của Võ Tắc Thiên và Đường Cao Tông chứa kho báu "khủng" cực giá trị. Vậy nên, không ít trộm mộ nhòm ngó và tìm cách đột nhập vào bên trong để đánh cắp bảo vật.

Các nhà nghiên cứu cho hay, trong hơn 1.300 năm qua, hàng chục kẻ trộm mộ đã cố gắng lẻn vào Càn Lăng để trộm kho báu tùy táng nhưng đều thất bại. Chúng dùng đủ mọi cách nhưng vẫn không thể tìm được cách vào bên trong lăng mộ.

Việc Càn Lăng bất khả xâm phạm suốt hàng ngàn năm trở thành bí ẩn lớn thôi thúc giới chuyên gia đi tìm lời giải.

Vật liệu đặc biệt

Theo kết quả khảo sát khảo cổ, lăng mộ này có tổng diện tích khoảng 2,3 triệu m2. Càn Lăng có kết cấu gồm: Hoàng thành, cung thành và ngoại quách. Đường trục chính Nam - Bắc của lăng mộ dài tới 4,9 km.

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cũng chỉ ra các lý do khiến Càn Lăng trở thành công trình bất khả xâm phạm. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là công trình này được xây dựng bằng gạch đá vôi lớn cực rắn chắc. Đặc biệt, các phiến đá lớn được ghép lại với nhau và dùng thiếc để lấp kín khe hở. Nhờ chất kết dính này, các phiến đá càng gắn chặt vào với nhau, khó phá vỡ.

Tiếp đến, Càn Lăng được xây dựng tại sườn núi Lương Sơn. Ngọn núi này giống như một chiếc áo giáp kiên cố giúp bảo vệ lăng mộ bất khả xâm phạm.

Cuối cùng, những người thợ phụ trách công việc xây Càn Lăng vô cùng thông minh, khéo léo khi thiết kế nhiều tầng bảo vệ lối vào lăng mộ khiến giới chuyên gia ngày nay vẫn chưa thể tìm ra. Vậy nên, không ai biết bên trong Càn Lăng cất giấu những bí mật nào.

Tâm Anh (T/H)

BẢN DESKTOP