Làng Anafiotika bình yên và đẹp như trong cổ tích.
Đưa đẩy theo chiều gió
Đa phần khách du lịch – không hiểu sao – lại bỏ qua ngôi làng này, dù nó nằm ngay vị trí gần nhất để đi tới. Có thể chăng họ chú ý hơn tới khu đô thị cổ Plaka tấp nập vui vẻ, hoặc giả Anafiotika như được ngụy trang dưới những con đường quanh co chạy ven đồi. Chúng tôi cũng phải tìm mãi mới thấy lối vào.
Nhờ chỉ dẫn của những người đi trước trên mạng, họ nói rằng Anafiotika được coi như một “làng mèo” vì người làng nuôi quá nhiều mèo, tôi tìm được ra nơi đặc biệt này nhờ mùi đặc trưng của… nước tiểu mèo đẩy đưa theo chiều gió.
Có vài bậc thang dẫn xuống Anafiotika từ lưng đồi và tôi đã có thể xuyên vào trong làng. Ngôi làng tí hon là một tập hợp của những ngôi nhà nằm lô xô cao thấp theo địa hình không bằng phẳng của đất đồi.
Hơn nữa kiến trúc đặc trưng của cư dân đảo Cyclades hiển thị qua những sắc màu sặc sỡ và các ngôi nhà hình thù méo mó không tuân theo bất cứ quy luật nào, cả những bậc thang không vuông vức sơn trắng và những lối đi hẹp (hai người tránh nhau còn khó) ngoắt ngoéo trong làng.
Tất cả những ngôi làng trên đất nước Hy Lạp đều mang một vẻ kỳ bí trái ngược với văn hóa nông thôn ở hầu hết các vùng miền khác.
Những cánh cửa luôn đóng kín, không một tiếng động nào lọt nổi qua khe và tôi không chắc ở bên trong họ có thực hiện những hoạt động thông thường của con người như nghe nhạc, nấu bếp, xem tivi hay trò chuyện không nữa.
Tôi không bắt gặp một ai cả, trong làng. Và nếu như trước mỗi hiên nhà không có vô số những bồn hoa tươi tắn đua sắc trong nắng trưa đầu hạ thì tôi không thể tin rằng ngôi làng này đang tồn tại sự sống.
Đường làng chằng chịt, chênh vênh, cao thấp và nhì nhằng chẳng ra hàng lối khiến ta cảm thấy mình đang đóng một bộ phim cổ tích và đây là một góc trường quay.
Khắp từ đầu làng tới cuối làng, mùi chất thải của mèo nồng nặc đến độ tôi nghi hoặc hay là người làng… nghiện thứ mùi này, chứ đâu dễ ai chịu đựng được thứ mùi kinh dị nhất trên đời ấy.
Mèo có mặt ở khắp mọi nơi, đủ màu sắc chủng loại. Thi thoảng một con mèo đen nhảy vọt từ đâu đó trên mái nhà để chặn ngang đường khách bằng chiếc đuôi dài dựng đứng và đôi con mắt tròn xoe khó chịu.
Mèo tam thể nằm lim dim trên những ô cửa sổ hoặc trốn nắng dưới một hốc tường. Mèo trắng lang thang tìm bạn tình (chứ không phải tìm đồ ăn vì con nào cũng béo núc đi rồi). Giống như thể ngôi làng bị thống trị bởi loài mèo và đây chính là vương quốc của chúng, mèo là chủ nhà, chủ làng và có quyền bĩnh ra chỗ nào tùy ý.
Một ngôi làng cổ tích
Cư dân đầu tiên của ngôi làng này là những thợ nề, thợ mộc và thợ chạm đá đến từ đảo Anafi thuộc cụm đảo Cyclades. Lịch sử ngôi làng này cũng độc đáo không kém không khí thi vị của nó.
Năm 1841, Vua Otto I muốn tân trang lại cung điện nên cho mời những người thợ lành nghề từ Anafi đến làm việc và hứa sẽ cung cấp nhà ở cho họ với một điều kiện họ phải tự xây ngôi nhà của mình trong thời gian tối đa là 24 tiếng.
Những thợ nề nào thực hiện được điều đó sẽ có quyền sở hữu đất đai vĩnh viễn. Điều luật lạ kỳ này là nhằm tìm ra những thợ nề lành nghề và cừ khôi nhất. Từ đó các công dân đảo đã định cư luôn ở đây, tận dụng lợi thế từ kỹ năng xây dựng trên những vỉa đá để hình thành ngôi làng. Tên Anafiotika ra đời từ đó.
Năm 1950, một phần ngôi làng đã bị phá hủy để phục vụ cho những cuộc kiếm tìm khảo cổ. Vì thế ngôi làng giờ chỉ còn lại 45 ngôi nhà và rất nhiều người có trách nhiệm lo lắng về sự lãng quên của Chính phủ Hy Lạp khi mà những ngôi nhà cổ đã bị hư hại vì thiếu sự bảo tồn.
Anafiotika tuy thế rất khó tìm vì đường sá ở khu vực đô thị cổ không thẳng hàng, không bằng phẳng nên thậm chí dù có bản đồ trong tay bạn cũng sẽ bị rối tung lên.
Anafiotika thành ra càng giống một ngôi làng cổ tích, nó biến mất ngay trước mắt du khách dù ở giữa nơi đông đúc nhất Hy Lạp. Nó là một thế giới nhỏ xíu cô lập với phần còn lại của thành phố và vô hình ngay cả khi có mặt trong bản đồ với cái tên in đậm Anafiotika.
Thậm chí trên bản đồ cũng xảy ra chuyện kỳ lạ không kém, nhà in này điền tên Anafiotika ngay cạnh tường thành Acropolis nhưng hãng khác lại nhấc nó ra khỏi bản đồ.
Và không phải với chiếc bản đồ nào được mua trên phố, bạn cũng có thể tìm thấy tên ngôi làng. Trong các sách chỉ dẫn du lịch đều không thể tìm thấy nó.
Giống hệt câu chuyện phiêu lưu của Ullysses Moore, ngôi làng Kilmore Cove huyền thoại đã được một số người nỗ lực xóa tên nó ra khỏi bản đồ, ra khỏi sách chỉ dẫn du lịch và các đường link trên mạng để giữ nguyên sự yên bình và hoang sơ cho một vùng đất thần bí cô lập.
Chúng tôi len lỏi trong các ngõ ngách để chụp ảnh, không rõ những người làng có thấy phiền vì những tiếng gọi í ới của khách vãng lai đang phát ra từ ngay bên ngoài cửa sổ nhà mình.
Tôi bật cười khi hình dung mình cũng sống trong những ngôi nhà nhỏ xíu sơn trắng này, và sẽ ngày đêm ngồi yên lặng sau những cánh cửa sổ màu tím và xanh da trời luôn đóng kín, bỏ mặc cả thị thành đang nhộn nhịp chỉ cách vài bước chân, và tất nhiên, sẽ ngày đêm hít thở mùi chất thải mèo quý hóa kia. Mà không hiểu trong những ngôi nhà cổ kính này có điện thoại và tivi không nữa.
Tôi không bắt gặp một ai cả, trong làng. Và nếu như trước mỗi hiên nhà không có vô số những bồn hoa tươi tắn đua sắc trong nắng trưa đầu hạ thì tôi không thể tin rằng ngôi làng này đang tồn tại sự sống. Đường làng chằng chịt, chênh vênh, cao thấp và nhì nhằng chẳng ra hàng lối khiến ta cảm thấy mình đang đóng một bộ phim cổ tích và đây là một góc trường quay.
Hoàng Bách (tổng hợp)