Dọc đường

Lặng lẽ Nà Lay

Gặp Tuấn, người thanh niên trông coi trạm viba trên đỉnh Nà Lay (Bắc Sơn, Lạng Sơn), tôi bỗng có cảm giác nhớ đến anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sapa của Nguyễn Thành Long…

Đất phượt

Dân phượt có lẽ không ai là không biết đến và mong muốn một lần in dấu chân trên đỉnh Nà Lay không chỉ vì cảm giác thú vị khi chinh phục những bậc đá hiểm trở, mà bởi cảm xúc vỡ òa, choáng ngợp khi lên được tới đỉnh núi. Xung quanh là bạt ngạt mây, bạt ngàn gió; nhìn xuống phía dưới là những góc nhìn trải rộng các hướng, để thấy toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn tuyệt đẹp từ trên cao.

Thung lũng Bắc Sơn nằm lọt giữa những bốn bề núi non trùng điệp,điểm tô những dòng sông uốn lượn qua các đồng lúa trải rộng bạt ngàn… tạo nên bức tranh hữu tình, quyến rũ. Điều đặc biệt ở cánh đồng Bắc Sơn là, các thửa ruộng nơi đây không hoàn toàn được gieo trồng cùng một thời điểm, tạo nên một bức tranh khổng lồ với nhiều màu đặc sắc, đan xen giữa ruộng lúa chín, lúa xanh, vừa mới cấy hay còn xâm xấp nước…

Đường lên đỉnh núi Nà Lay với khoảng 1.200 bậc đá cheo leo, ai quen leo núi sẽ mất chừng 30 – 40 phút, còn nếu không thì có thể cứ loay hoay tầm hơn 1 giờ cũng lên đến đỉnh. Càng lên cao, cảnh sắc của núi rừng và mây trời, và những quang cảnh nhìn từ trên núi xuống sẽ càng hấp dẫn, cuốn hút, khiến bạn dù mệt đến mấy cũng không thể dừng bước.

Thung lũng Bắc Sơn nhìn từ đỉnh Nà Lay.

Lên tới nơi, cảnh sắc từ trên đỉnh Nà Lay sẽ là món quà quý giá, xóa đi mọi vất vả, mệt nhọc, lau khô mọi giọt mồ hôi đang ướt nhòa trên khuôn mặt, thấm đẫm trên lưng áo bạn. Và sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu bạn ở lại qua đêm trên đỉnh núi để được ngắm cả hoàng hôn và bình minh đầy mê hoặc ở thung lũng Bắc Sơn.

Khi hoàng hôn dần buông, dòng sông uốn khúc lững lờ dưới chân núi ánh lên gam màu huyễn hoặc, tím mờ ảo. Những tia nắng cuối ngày len lỏi qua khe núi, rắc những giọt vàng óng xuống khắp thung lũng Bắc Sơn như quyến luyến không muốn rời xa.

Và không gian màu lam tím chuyển dần sắc tối, từng mái nhà dưới thị trấn bắt đầu lên đèn, trông hệt như đàn đom đóm nhỏ lập lờ ôm lấy chân những ngọn núi đá to lớn im lìm. Nhiều bạn trẻ chọn cắm trại qua đêm trên đỉnh Nà Lay để được ngắm bầu trời đầy sao lãng mạn trên đỉnh núi, và có thêm những trải nghiệm thi vị.

Sáng sớm, bình minh bắt đầu ló dạng, thung lũng Bắc Sơn dần hiện lên mờ ảo qua màn sương bảng lảng và những thảm mây trắng bồng bềnh. Khi mặt trời nhô dần sau dãy núi đá vôi trùng điệp, những tia nắng đầu ngày dần tô sáng không gian, lộ ra cảnh tượng mây trắng bồng bềnh len lỏi, luồn khắp các đỉnh núi. Và rồi mặt trời lên cao, đỏ lựng hào quang ngày mới, làm mê mẩn bất cứ ai được một lần chiêm ngưỡng…

Núi Nà Lay khi xưa không có đường lên, ngay cả dân địa phương cùng lắm cũng chỉ loanh quanh lưng chừng núi, chứ ít ai từng chinh phục ngọn núi hoang sơ này. Từ khoảng năm 2008 – 2009 trên đỉnh núi Nà Lay có đặt trạm viba tiếp sóng, mới có đường lên. Đặt từng bước chân khó nhọc trên những bậc đá cheo leo này mới thấy hết những vất vả, khó khăn của những người từng đi trước mở đường.

Một mình…

Chinh phục đỉnh núi cao vời vợi này, nếu có duyên bạn cũng sẽ gặp một điều thú vị khác, đó là những người trực trạm phát sóng viba. Chúng tôi đặt chân lên đỉnh Nà Lay khi hoàng hôn buông xuống, đỉnh núi buồn vắng lặng, đìu hiu trong bóng chiều tím ngắt.

Khi bắt đầu có cảm giác hơi chờn chợn trước sự hoang vu này, thì may mắn “bắt” được Dương Doãn Tuấn, cậu thanh niên trực trạm viba. Những câu thăm hỏi, những cuộc trò chuyện làm cho không gian của núi rừng khi chiều tà trở nên ấm áp hơn.

Khi được hỏi về những ngày đầu ở đây, Tuấn bảo: “Ối giời ơi, chán lắm”. Tuấn lên đây khi trạm bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2009. Ban đầu có cán bộ kỹ thuật trực cùng, họ hướng dẫn các vấn đề kỹ thuật, trông coi, vệ sinh thiết bị, cách xử lý các sự cố đơn giản, sau họ rút dần đi, để lại Tuấn cùng với một người nữa đảm nhận công việc trông coi trạm.

Cột thu phát sóng viba trên đỉnh Nà Lay.

Tuấn kể: “Lúc đầu nghĩ “ngon ăn” nên chia nhau mỗi người trực nửa tháng, nhưng thật sự nửa tháng dài kinh khủng khi xung quanh không một bóng người. Hồi ấy nào đã có ai biết đến Nà Lay, nên mỗi ngày, ngoài việc lau chùi, vệ sinh thiết bị thì chả biết làm gì, hết ra lại vào, lại chơi điện tử. Lúc đầu còn xem đồng hồ, chứ sau chán chả xem nữa thì còn chẳng biết đến thời gian, cứ nhìn giời xem sáng hay tối thì biết lúc nào ăn lúc nào ngủ. Lắm lúc nghĩ dại chỉ mong thiết bị trục trặc mà còn có việc để làm, hoặc nặng hơn thì có kỹ thuật viên lên hỗ trợ”.

Sau leo núi cũng quen chân, không ngại lên xuống nữa thì hai người chia nhau trực theo tuần, rồi dần dần chuyển thành ca trực 3 ngày. “Cứ 3 ngày một lần xuống núi như vậy không chỉ đỡ buồn chán hơn mà còn đỡ phải mang nhiều lương thực lên, không như trước mỗi lần đi 15 ngày là bao nhiêu đồ dùng lương thực phải tha lên theo, dù là cuộc sống tối giản nhất, gần như chỉ tạm qua ngày”.

Ngoài đồ dùng cá nhân ra, Tuấn còn nhận vận chuyển dầu chạy máy phát cho trạm để có thêm chút thu nhập. Dầu chạy máy phát để phòng khi mưa bão phải ngắt điện lưới hay khi mất điện, nên lúc nào cũng cần dự trữ. Mỗi lần xuống núi, Tuấn lại khuân lên vài ba chục lít dầu. Trọng lượng nặng nhất mà cậu thanh niên này có thể khuân theo khi lên núi là 50kg. “Đi người không thì đi như chạy được, chỉ khoảng 15 phút là lên tới đỉnh, nhưng khuân theo đồ thì leo như các chị thôi”, Tuấn vui vẻ kể.

Tuấn kể, trên này sợ nhất là những ngày mưa bão, sấm sét liên miên. Khi đó phải ngắt điện lưới, chứ không sét đánh hỏng hết thiết bị. Hồi mới làm chưa nắm được điều đó, có lần đang ngồi ăn cơm trong nhà mà nghe sét đánh như bom, đánh thẳng vào trạm thiết bị, làm hỏng một số máy móc, phải thay. “Trong đời, chưa bao giờ nghe tiếng sét lớn đến thế, choáng váng luôn. Chứ về sau này cũng thấy bình thường, ở đây mùa mưa bão nghe tiếng sét ì ùng suốt thành quen”.

Một cái sợ nữa mà Tuấn phải trải qua đó là cái rét. Cheo leo trên đỉnh núi, giữa lưng chừng trời là tiếng gió rú rít, là sương mù mịt, lạnh tê tái, cắt da cắt thịt. Năm 2015 trên đây còn có tuyết, chứ băng giá thì nhiều mùa đông Tuấn đã được nếm trải. “Chả hiểu sao người dưới xuôi cứ bảo tuyết đẹp, háo hức đi ngắm tuyết. Ừ thì cũng có đẹp thật đấy, nhưng kinh khủng lắm”, Tuấn nhớ lại.

Và say mê

Bù lại những khó khăn, bù lại cảm giác cô đơn của người trực trạm một mình, Tuấn lại tìm thấy niềm vui trong nhiếp ảnh. “Thật sự nếu không ở trên này, em không nghĩ là quê hương em lại đẹp đến thế. Cảnh vật nơi đây mỗi mùa, mỗi ngày, mỗi thời khắc lại mang vẻ đẹp khác nhau. Có chụp hàng nghìn bức ảnh cũng không hết được vẻ đẹp Nà Lay ”, Tuấn chia sẻ.

Ban đầu cậu thanh niên này cũng không biết gì về nhiếp ảnh, chỉ là thấy cảnh đẹp thì lấy điện thoại chụp. Càng ở lâu càng cảm, càng ngấm cái đẹp của thiên nhiên, rừng núi, của mây và nắng quê hương, Tuấn say mê chụp ảnh từ lúc nào không hay. Chỉ biết khi có những tay máy chuyên nghiệp lên đây săn ảnh, Tuấn lân la học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chụp. Chưa có tiền mua máy thì chỉ mua thẻ nhớ, rồi xin họ cho cắm nhờ thẻ vào máy để chụp.

Tuấn vẫn thường say sưa ghi lại những hình ảnh đẹp của quê hương.

Chính nhờ những tấm ảnh của những tay máy chuyên nghiệp này, và cả những tấm ảnh ban sơ còn non nớt nhưng đầy tình yêu quê hương của Tuấn, khi đăng trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội đã khiến cho du khách biết đến nơi đây nhiều hơn.

Tuấn không còn một mình lặng lẽ trên đỉnh Nà Lay nữa. Tuấn có thêm niềm vui, có thêm niềm say mê, và có thêm bạn bè; Nà Lay quê hương Tuấn có thêm nhiều dấu chân người yêu cảnh đẹp…

Hiện nay, trạm viba không cần phải trực 24/24 như trước vì không chỉ kết hợp thêm cả các thiết bị BTS và có hệ thống cáp quang chạy ổn định hơn, nhanh hơn. Tuy nhiên vẫn phải duy trì song song với cáp đồng trục để phòng khi có sự cố từ cáp quang. Tuấn không cần phải ở hẳn trên đỉnh Nà Lay nữa, nhưng nếu bạn đến với Nà Lay, muốn được nghe chuyện kể về Nà Lay, bạn hãy hy vọng có duyên gặp được cậu thanh niên này trên đỉnh núi.

Lê Na

BẢN DESKTOP