Dọc đường

Làng gốm cuối cùng của tộc người ‘xâm đất’

Trong khi hầu hết các buôn làng Tây Nguyên đều có những năm tháng sống du canh du cư rày đây mai đó thì người Chu Ru ở buôn Krăng Gọ (xã Pró, huyện Ðơn Dương, Lâm Ðồng) bao đời nay luôn bám trụ bên dòng suối Ðạ Yòng dưới chân núi K’Lơl. Bởi vì ngọn núi này là nơi duy nhất dân làng có thể tìm thấy loại đất phù hợp để làm gốm.

Bà Ma Kia đã ngoài 80 nhưng tay chân còn linh hoạt, nói năng khá mạch lạc. Bà đang nấu ăn bằng bộ nồi bằng gốm. Đặt nồi cá lên bếp, cho thêm hành khô thái miếng và vài quả ớt xanh vào rồi đun lửa liu riu, thỉnh thoảng trở cá cho thấm đều gia vị. Mùi thơm lan ra tận ngõ.

Nghệ nhân Chu Ru phô diễn kỹ năng làm gốm.

Bữa cơm dân dã với cá kho và rau tàu bay, dớn rừng, khổ qua rừng luộc mà đưa cơm vô cùng. Ai nấy đều tấm tắc khen cơm mềm và thơm hơn, cá đậm đà và chắc ngọt hơn khi nấu bằng nồi gang, inox… Ngoài ra, nồi đất còn giúp giữ nhiệt lâu và giữ được hương vị vốn có của thực phẩm.

Trước kia làng gốm sung túc lắm!

Cũng như nhiều bậc cao niên khác trong làng, bà Ma Kia chẳng rõ nghề gốm ở Krăng Gọ có tự bao giờ và thủy tổ của nghề là ai: “Mình chỉ biết nghề này có từ khi mới lập làng bởi trong tiếng Chu Ru, “gọ” có nghĩa là nồi đất”.“Đồ gốm này đẹp quá! Cụ mua hay tự làm?”. Thấy khách tấm tắc khen, bà Ma Kia phấn khởi khoe: “Toàn bộ đồ gốm trong nhà từ cái cái bếp này đến nồi nấu cơm, bình đựng nước, những cái bát để ăn cơm và uống rượu… đều do già tự làm cả đó!”.

Sau khi nhấp ngụm nước vối nóng hổi đựng trong cái bát làm bằng gốm, cụ kể: Từ khi còn nhỏ đã thấy bà và mẹ dùng đôi tay trần nhào nặn đất thành các vật dụng trong nhà, nhìn thích lắm. Mới mười mấy tuổi đã học người lớn nặn cái bình bằng gốm để cắm hoa và mang đi khoe với bạn bè. Thấy mình có khiếu nên mẹ truyền nghề cho. Gốm của gia đình mình nổi tiếng khắp vùng. Người K’Ho ở các buôn làng xung quanh cũng mang lúa, bắp, rìu, xà bách, xà gạt đến đổi đồ gốm.

Phương thức làm gốm độc đáo.

“Làng này có nhiều người làm gốm không cụ ?”. “Nhiều chớ! Xưa kia vào mùa khô, cả làng nổi lửa làm gốm để trao đổi chiêng chóe, thổ cẩm… với người Mạ và K’ho vì gốm Chu Ru nổi tiếng khắp vùng. Cuối mùa khô, các buôn làng gần nhau thường mang tất cả sản phẩm ra chân núi để trao đổi. Làng nào ít gốm nhất thì bị thua, phải mang rượu cần ra mời các buôn thắng cuộc”, già Ma Kia đáp ngay. Cái ngày xưa mà cụ muốn nói chắc cũng ngót nghét trăm năm.

Vừa hơ tay lên bếp lửa đặt giữa nhà cho ấm, cụ vừa kể: Nhiều đoàn người từ Lào và Cam-pu-chia dùng voi chở lúa bắp, vòng cườm, chiêng chóe, váy khố vượt rừng sâu núi thẳm sang Krăng Gọ để đổi gốm. Cách thức trao đổi chỉ mang tính ước lượng tương đối chứ không “cân đo”, đong đếm chi nhiều. Một nồi đất nhỏ đổi lấy gùi lúa nhỏ, nồi lớn đổi lấy gùi lúa lớn hoặc là đổi một cái nồi lấy con gà; hai cái nồi lấy con dê, con heo…

“Thuở đó người dân Krăng Gọ sống sung túc lắm! Nhiều người trở nên giàu có, chiêng chóe chất đầy nhà sàn”, nhắc đến thời kỳ hoàng kim ấy, cụ nheo mắt cười thật tươi.

“Nặn bằng tay, xoay bằng mông”

Bởi người Chu Ru theo chế độ mẫu hệ nên phụ nữ luôn đảm nhận khâu quan trọng nhất là chọn loại đất sét thích hợp để nặn gốm. Khi bước vào mùa khô (khoảng tháng l âm lịch), các bà, các mẹ từ làng trên đến xóm dưới í ới rủ nhau lên núi K’Lơl, cách làng chừng 1,5 km tìm đất tốt để nặn gốm. Chỉ những người “có nghề” mới biết cách tìm loại đất này và việc lấy đất chỉ được thực hiện khi cảm thấy người sạch sẽ, tâm hồn thanh thản.

“Trước khi gùi đất về làng, phải thực hiện nghi lễ cúng bái để xin phép thần linh. Lễ vật gồm gà, heo, ché rượu cần và khăn thổ cẩm. Người Chu Ru cho rằng nếu không làm như thế, các sản phẩm gốm sẽ xấu, nứt vỡ nhiều khi nung hoặc khi thì gốm quá già lúc lại quá non do thần đất quở phạt”, bà Ma Kia quả quyết.

Những sản phẩm gốm độc đáo

Bà bảo sau khi “xin” được loại đất sét màu nâu vàng thì phơi cho khô, giã nhỏ rồi dùng rổ tre sàng kỹ nhằm loại bỏ tạp chất, chỉ giữ lại phần bột đất mịn. Việc này đòi hỏi phải kỹ càng bởi nếu để lẫn hạt sỏi hay sợi tóc vào đất sét thì khi nung, gốm sẽ bị vỡ, nổ, không lành lặn. Mang bột đất này nhào trộn với nước thật kỹ cho dẻo, mịn, ủ thêm vài ngày cho đất chín, rồi vê thành từng khối dài, to cỡ cổ tay hoặc bắp ngô.

Gốm Chu Ru rất độc đáo.

Ngược hẳn với các nghi thức cầu kỳ khi đi “xin” đất, kỹ thuật làm gốm của người Chu Ru vô cùng thô giản với những dụng cụ đơn sơ như cật tre, thanh gỗ nhỏ, quả trám rừng… Không dùng bàn xoay để nặn gốm như thường thấy ở các làng khác, người làng Krăng Gọ nặn gốm hoàn toàn bằng tay.

Bà Ma Phương (ngoài 50 tuổi) đặt khối đất vừa nhào kỹ lên chiếc ghế gỗ cao ngang hông; dùng hai tay vê dần cho đất cao lên và mỏng ra. Tay trái đỡ bên trong, tay phải cầm thanh gỗ đập đập bên ngoài sao cho thật cân xứng; đồng thời dùng cật tre cắt gọt để tạo độ dày theo ý muốn. Vì không dùng bàn xoay nên bà đi vòng quanh cục đất để nặn và chỉnh cho sản phẩm tròn đều. Có lẽ vì thế người ta ví von kỹ thuật làm gốm ở Krăng Gọ là “nặn bằng tay, xoay bằng mông” chăng?

Để có chiếc lu đất lớn, bà nặn làm hai đoạn (phần đáy và phần miệng), sau đó chỉnh sửa, khớp nối lại với nhau một cách điêu luyện. “Nếu là nồi, ấm đun nước thì véo đất nặn thêm nắp, vòi và tay cầm, còn với lọ hoa, bình rượu thì khắc hoa văn cho đẹp”, nữ nghệ nhân cho biết.

Xem qua những sản phẩm gốm hiện có trong làng có thể thấy mô típ hoa văn thường là các đường vạch chạy song song, được các nghệ nhân dùng đầu thanh tre ấn liên tiếp vào thân gốm, tạo nên những nét chìm đều đặn. Chính sự mộc mạc, dân dã này và việc giữ nguyên màu nâu vàng của đất sét sau khi nung đã làm nên cái hồn cho sản phẩm gốm Krăng Gọ. Người Chu Ru còn dùng những thứ có sẵn trong thiên nhiên như quả trám rừng để đánh bóng làm đẹp bề mặt gốm.

Cách nung gốm của tộc người này cũng chẳng giống ai. Họ không xây lò mà nung lộ thiên trên bãi đất trống. Xếp gốm chồng lên thành cụm, những cái to đặt ở giữa, còn các sản phẩm nhỏ chèn xung quanh. Kế đến lấy củi và rơm rạ chèn và dựng vòng quanh thành hình chóp nón rồi châm lửa đốt trong vòng vài tiếng đồng hồ, sau đó ủ tro vài giờ nữa là mẻ gốm hoàn tất. “Cho một ít lá bạch đàn và phi lao vào đống lửa để tránh việc đồ nung bị nổ đột ngột”, nữ nghệ nhân tiết lộ.

Nguy cơ thất truyền

Lửa bập bùng soi rõ gương mặt nhăn nheo nhưng ánh mắt lấp lánh niềm vui của già Ma Kia bởi lâu lắm rồi trong làng mới có người đốt gốm. Già kể ngày xưa, Krăng Gọ là làng nghề duy nhất cung cấp gốm cho cả khu vực Nam Tây Nguyên rộng lớn. Ngày ngày từ đầu buôn đến cuối làng rộn rã âm thanh quen thuộc của tiếng bửa củi, phơi, sàng, ủ đất rồi nặn gốm. Ðêm đêm, nhà nhà ới nhau nổi lửa nung gốm. Đàn bà, con gái trong buôn ai cũng biết làm gốm. Còn bây giờ, với sự xuất hiện ngày càng nhiều và sự tiện lợi của sản phẩm nhôm, nhựa, gang và inox thì đồ gốm dần bị ngó lơ. Người biết nặn gốm chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Thảng hoặc những nghệ nhân hoài cổ, yêu nghề rủ nhau lên núi lấy đất về làm gốm cho đỡ nhớ. Sản phẩm làm ra thường được mang tặng người thân, bạn bè chứ chẳng bán được mấy. Với lại một cái nồi gốm cỡ lớn bán chỉ được vài chục ngàn đồng thì chẳng bỏ công.

Các chức sắc trong làng cho biết chính quyền từng hỗ trợ mở nhà trưng bày gốm, dạy nghề cho lớp trẻ nhưng chẳng bao lâu sau, nhà trưng bày phải đóng cửa, lớp trẻ dần lụt nghề. Cần có sự đầu tư bài bản từ nhà nước hoặc nhà đầu tư nào đó, nhất là việc khơi thông đầu ra cho sản phẩm mới có thể khôi phục lại làng gốm và biến nơi đây thành điểm du lịch độc đáo trên hành trình khám phá những nét đẹp văn hóa cao nguyên.

“Nếu nghề gốm bị mai một thì con cháu sau này không còn biết nghề của cha ông nữa và cũng không biết tên của nghề gốm truyền thống cũng chính là tên của cái làng Krăng Gọ này”, bà Ma Phương tâm tư.

Chu Ru là tộc người lớn thứ 3 ở Lâm Đồng với hơn 20.000 người. Tương truyền vì sự cai trị hà khắc của vua quan, một bộ phận người Chăm ở ven biển Nam Trung Bộ đã trốn lên vùng núi cao Nam Tây Nguyên. Họ tự đặt tên là Chu Ru có nghĩa là chiếm đất.

Theo Kim Anh (Tiền phong)

BẢN DESKTOP