Dọc đường

Làng buôn tóc xuyên Đông Dương

Nếu như các làng buôn tóc nổi tiếng như Thiệu Tổ (Vĩnh Phúc), Bình An (Bắc Ninh) chỉ quẩn quanh ở các tỉnh phía Bắc hoặc cùng lắm là xuyên Việt gom “góc con người”. Thì một ngôi làng ở Phú Thọ đã khiến tất cả những làng nghề khác phải thán phục với kỳ tích đạp xe xuyên Đông Dương với nghề buôn tóc gia truyền.

Quả thực con số hơn 400 người ở xã Hồng Đà (Tam Nông – Phú Thọ) tham gia đi chợ tóc xuyên Đông Dương đã trở thành “hình tượng nhạy bén kinh tế” ở Phú Thọ, khi Hồng Đà từng là một xã nghèo.

Khởi nghiệp từ sắt vụn

Ông Phạm Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND xã Hồng Đà cho hay: “Hồng Đà là một xã nhỏ nhất nhì huyện. Từ nghìn đời nay, dân trong xã chỉ dựa vào nông nghiệp mà sống. Rồi có một thời, người ta dựa vào sắt vụn. Thế nên xã tôi còn được mệnh danh là xã sắt vụn.

Có khoảng 400 người chuyên đạp xe xuyên Đông Dương buôn tóc

Theo ông Hùng, đận những năm 1981 bỗng rộ lên “phong trào sắt vụn”. Cả làng cả xã, bà con nông dân đang cày ruộng cấy lúa thì chuyển nghề sang buôn phế liệu. Họ đi khắp nơi, khắp các tỉnh thành hô rao mua bán “đồng chì, nhôm bẹp” đem về xếp đống ở Hồng Đà.

Và cái xã vốn nghìn đời thuần nông kia bỗng dưng trở thành một “bãi phế liệu” khổng lồ. Từ cầu Trung Hà mà đi xuyên dọc ngang khắp 6 khu dân cư của xã đều ắp ứ phế liệu đủ các chủng loại.

Theo hồi tưởng của ông chủ tịch UBND xã thì thời đó, có không dưới nửa nghìn người tham gia công việc “mua chì buôn sắt”. Các đại lý thu mua mọc lên như nấm sau mưa, nông dân xong thời vụ kéo nhau đi mua hàng rầm rộ, vợ chồng con cái cháu chắt cùng nhau hành nghề sắt vụn như một thứ nghề truyền thống.

Chuyển nghề đi chợ tóc

Thế mà ngoắt cái đến những năm 2008, không ai còn thấy ở Hồng Đà có phế liệu sắt vụn chi nữa. Thay vào đó là những kho tóc khổng lồ xếp ngay ngắn trong những căn nhà bên vệ đường. Thì ra, họ đã chuyển nghề: Nghề đi chợ tóc.

Nhiều người giàu vì tóc

Sự lý giải của ông Phan Đức Tài – Trưởng phòng nông nghiệp huyện Tam Nông rất có lý: “Bởi họ là những người nhạy bén với kinh tế thị trường. Đố tìm được đâu những người nông dân như thế, có sắt vụn thì buôn sắt, có người cần tóc thì đi mua tóc. Họ đua nhau, thành phong trào mới lạ”.

Hồng Đà chia xã ra làm 6 khu dân cư riêng biệt thì cả 6 khu đều tham gia đi chợ tóc. Xã với 3.640 người thì có tới hơn 400 người theo nghề buôn tóc chuyên nghiệp. Đó là số liệu thống kê chưa đầy đủ, bởi theo một cán bộ xã thì chưa dừng lại ở con số 400.

Nghề buôn tóc ở Hồng Đà phát triển mạnh mẽ nhất vào trước những năm 2000 khi thị trường tóc mới bắt đầu nở rộ. Khi đó, người làng Thiệu Tổ ở Vĩnh Phúc hay Bình An của Bắc Ninh bắt đầu “nhập cuộc” buôn tóc khắp trong Nam ngoài Bắc thì người Hồng Đà đã vươn sang cả Lào và Campuchia.

Có những hộ cả bố mẹ và con cái tất tần tật đi chợ tóc, mỗi người một xe đạp, một loa phát thanh đã ghi âm sẵn lang bạt khắp từ miền ngược đến miền xuôi thu mua “vặt trụi” tóc thiên hạ. Họ đem tóc về Hồng Đà chải chuốt, phân loại tóc để bán cho các đại lý ở địa phương.

Tìm gặp một vài nhân chứng có thâm niên trong nghề để hỏi về chợ tóc không hề khó. Với hơn 400 người tham gia thì có tới phân nửa số đó là những đại gia tóc. Họ có nguồn tóc để mua, cũng có nguồn tóc để bán, có khi còn “găm hàng” chờ giá một cách đầy ngoạn mục. Nhưng ít ai biết, cái giá của nghề cũng không hề rẻ.

Bà Phan Thị Lực ở khu 3 là một trong những người đầu tiên ở Hồng Đà đi chợ tóc. Vợ chồng bà đi khắp nơi thu mua. Tóc được đem về phân loại bán cho đại lý. Loại tóc xấu thì có giá khoảng 2 triệu/kg, còn tóc đẹp thì có khi lên tới 6 triệu/kg là bình thường.

Anh Nguyễn Xuân Quang – Bí thư chi bộ khu 2 và tấm hộ chiếu

Bà Lực bảo, đi chợ tóc không đơn giản. Thuyết phục họ bán tóc là rất khó. Nhất là lên vùng dân tộc như người Mông, Bana hay Nùng… thì chẳng bao giờ được cọng tóc nào.

Có khi đang mua tóc mà phải bỏ chạy vì chồng của khách hàng bất chợt về, thấy vợ bán tóc thì bực tức lùa đánh người mua. Lại có khi, mua xong bị khách hàng bắt đền vì lỡ cắt quá tay.

Và cái giá của nghề buôn tóc ở Hồng Đà thực sự là đắt khi có 2 người tử nạn vì nghề và hàng chục người khác bị thương do tai nạn.

Buôn tóc xuyên Đông Dương

Khi thấy nguồn tóc trong nước đã hiếm dần, những người thu mua tóc ở Hồng Đà (Tam Nông – Phú Thọ) đã sang Lào và Campuchia để tìm cơ hội phát tài, vì theo họ, đó thực sự là một vùng đất hứa.

“Nếu tính số lượng hộ chiếu ở Phú Thọ thì chắc chắn Hồng Đà sẽ chiếm vị trí quán quân, hiện có khoảng trên dưới 200 hộ chiếu do cơ quan an nỉnh tỉnh đã cấp cho người xã tôi”, ông Phạm Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND xã Hồng Đà khẳng định.

Ông Hùng còn cho biết thêm, thời gian đầu, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cũng phải “giật mình” vì ở xã Hồng Đà không hiểu nguyên nhân gì mà người dân lại làm hộ chiếu đi nước ngoài rầm rộ đến như vậy. Tỉnh đã cho người về địa phương xác minh thực hư vấn đề, và không ít người đã phải ngả mũ bái phục người dân nơi đây.

Theo ông Hùng, người Hồng Đà còn đạp xe từ Phú Thọ xuyên sang khắp các tỉnh thành của Lào và Campuchia để mua tóc. Ngay trong họ hàng của ông Hùng có nhiều người hành nghề mua tóc. Những người sang nước ngoài thu mua tóc đều phải thuê phiên dịch với giá khá cao.

Nhiều “cải tóc” đã trở thành tỷ phú

Con số 400 người đi chợ tóc thì có đến 200 người có thâm niên sang nước ngoài hành nghề. Và mỗi chuyến đi xuyên Đông Dương của họ kéo dài tới cả tháng trời, hoặc ít nhất là 20 ngày sau khi thu mua được tóc với số lượng lớn. “Sang Lào và Campuchia mua tóc dễ hơn ở Việt Nam. Bên ấy, không mấy nơi có quan niệm “hàm răng mái tóc là gốc con người” nên việc thuyết phục họ bán tóc cũng dễ”, một thợ thu mua tóc xuyên Đông Dương cho hay.

Theo những người đi chợ tóc ở Hồng Đà, thì mỗi chuyến sang Lào hoặc Campuchia họ đều thắng lớn. Có chuyến đi đem về cả mấy chục cân tóc đẹp. Trừ chi phí, vốn liếng cũng lãi vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bị lỗ do nhiều nguyên nhân.

Và có một thực tế mà chúng tôi tìm hiểu ở Hồng Đà là cán bộ cũng tham gia đi chợ tóc một cách rất tích cực. May mắn cho chúng tôi được gặp anh Phan Văn Thơm ở khu 4 là công an viên có thâm niên 15 năm ở xã Hồng Đà khi anh mới trở về từ một cuộc “viễn chinh” dài ngày từ Campuchia.

Chị Phan Thị Thân – vợ anh Thơm cũng là một thợ mua bán tóc có tiếng, chị đang cùng một người bạn sang Lào mua tóc và sắp trở về. Trước khi làm nghề mua tóc, vợ chồng họ cũng như bao hộ nông dân khác là tập trung làm phế liệu.

 Anh Thơm lôi từ trong tủ ra một thùng tóc và khoe: “Chỗ này được khoảng hơn 15kg tóc đẹp, theo thời giá bây giờ sẽ bán được với giá 5,8 triệu/kg. Tức là cái thùng này có giá 87 triệu chứ không ít”. Anh Thơm cũng thành thật, làm nghề này thu nhập bình quân được khoảng 7 – 8 triệu, tháng cao nhất được hơn 10 triệu. Tất nhiên, đó là do may mắn và quan trọng làm nghề này phải có duyên.

Cũng giống anh Thơm, anh Nguyễn Xuân Quang hiện đang là Bí thư chi bộ khu 2 cũng đã nhiều lần sang Lào và Campuchia mua tóc. Sợ chúng tôi không tin, anh Quang rút trong ví ra tấm hộ chiếu và trình bày: “Mỗi chuyến đi xa như vậy cũng giúp mình mở mang đầu óc. Tôi sang nhiều tỉnh, qua nhiều vùng của các nước bạn để hành nghề và tiện thể để du lịch luôn”.

Theo anh Quang, từ 1997 – 2008 là khoảng thời gian gia đình anh làm sắt vụn, sau theo thị trường chuyển sang mua tóc. Vợ anh là Phan Thị Hồng cũng theo nghề chồng, nhưng thỉnh thoảng chị mới sang nước ngoài vì bận nội trợ.

Anh Quang cho biết, vì phải gánh vác công tác xã hội nên chỉ khi nào rảnh rỗi, có hứng mới đi xuyên Đông Dương được. Anh bảo: “Nhà tôi có 4 khẩu được 2 sào ruộng, lại xin được 2 sào làm thêm. Hết mùa vụ là vợ chồng cùng nhau buôn tóc kiếm thêm”.

Theo tiết lộ, ngay cả vợ của Phó chủ tịch UBND xã Hồng Đà và nhiều cán bộ khác cũng tham gia chợ tóc rất sôi nổi.

Giàu như “cai tóc”

Và không để bài toán kinh tế về tóc kém hiệu quả, một số thợ mua tóc ở Hồng Đà đã đứng ra thành lập đại lý thu mua với quy mô lớn. Nhiều người trong số đó trở thành tỷ phú.

Anh Phan Văn Thơm – công an xã và thùng tóc đẹp trị giá 87 triệu đồng

Ông Phạm Mạnh Hùng kể một câu chuyện có thật đã cứu vãn 9 hộ gia đình ở Hồng Đà. Đó là những năm 2008, xã có 9 hộ sắp bị phá sản, ngân hàng chuẩn bị niêm phong nhà, 9 hộ này đã bấu víu cơ hội cuối cùng là đi thu mua tóc. Không ngờ, chỉ 2 năm sau, cả 9 hộ đã trả hết nợ và trở nên khá giả.

Một trong những đại gia tóc hiện nay ở Hồng Đà phải kể đến vợ chồng anh Tửu chị Nhung ở khu 6. Vợ chồng anh Tửu nhờ có vốn, lại quen với một số đầu mối thu mua lớn ở các công ty thời trang nên đã đứng ra lập đại lý, trở thành “cai tóc” lớn nhất nhì xã.

Ngôi biệt thự khang trang mà anh Tửu đang sở hữu là bằng chứng rõ nhất cho việc giàu có từ nghề này. Anh Tửu bật mí: “Cũng là cái số mình may, gặp đúng thời dân có nguồn tóc đẹp mang từ nước ngoài về nên bán dễ, giá lại cao”.

Còn một ‘cai tóc” nổi tiếng nữa là bà Phan Hồng Nhung ở khu 3, trước đây, bà Nhung cũng là đầu mối thu mua sắt vụn lớn nhất xã Hồng Đà. Năm 2007, cả làng bỏ nghề phế liệu, đại lý của của bà Nhung không thể tồn tại. Nhưng với số vốn tích cóp, lại nhạy bén thị trường, bà chuyển sang làm “cai tóc” thu mua tất cả các loại hàng xấu đẹp.

Theo lời một cán bộ xã Hồng Đà, nhiều người địa phương vừa hành nghề chợ tóc vừa làm “cai” nên lợi nhuận có được là không nhỏ. Tuy nhiên, người Hồng Đà vốn thuần phác, không thích phô trương nên ít đại gia xây biệt thự, sắm xe hơi như các nơi khác.

“Tôi sơ tính có khoảng 10% vợ cán bộ xã theo nghề chợ tóc, còn ở thôn xóm thì gần như là 100%. Làm nghề này cũng cần đầu tư vốn nên UBND xã cũng đã tạo điều kiện, xác định hồ sơ để các hộ có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Nghề thu mua tóc xuyên Đông Dương thực sự đã làm “thay da đổi thịt” một xã thuần nông như Hồng Đà”, ông Phạm Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND xã Hồng Đà cho biết.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP