Thông thường người bệnh không dễ phát hiện ra lang beng khi bệnh chưa tiến triển ở mức độ mạnh bởi các triệu chứng của bệnh thường diễn ra rất âm thầm và kéo dài trong nhiều năm. Một số khu vực được cho là dễ bị lang ben nhất được ghi nhận như lang ben ở ngực, lang ben ở lưng, lang ben ở mặt.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
– Trên da xuất hiện các đốm da khác màu, đốm này sáng hoặc tối hơn so với vùng da xung quanh.
– Bề mặt tổn thương thường có nhiều màu sắc khác nhau với các màu như đỏ, hồng hoặc nâu.
– Da có cảm giác ngứa ngáy và đóng vảy tiết, khi sờ lên có cảm giác khô.
– Ở giai đoạn phát triển mạnh, các đốm da tổn thương thường nằm sát nhau tạo thành vùng rộng, ảnh hưởng trực tiếp tới thẩm mỹ khiến bệnh nhân kém tự tin trong giao tiếp.
– Vùng da thay đổi theo thời tiết. Khí hậu mát mẻ vùng lang ben sẽ mờ đi. Khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện cho nấm men phát triển khiến tổn thương lan rộng.
Bệnh lang ben không ngứa hay ngứa ít nhưng khi ra nắng, đổ mồ hôi thì ngứa nhiều. Bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh phong, bệnh bạch biến vì thế, bệnh nhân cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán đúng.
Điều trị bằng thuốc Tây và thuốc Nam
Để điều trị bằng thuốc Tây, nếu những đốm nhỏ và ít có thể dùng thuốc thoa tại chỗ như Antimycose, BSI, ASA có hiệu quả nhưng đôi khi bệnh nhân khó chịu vì đau rát và tróc da. Để tránh khó chịu và đau rát, bệnh nhân có thể thoa kem Nizoral trong 3 tuần thì đạt được kết quả khả quan. Trường hợp có nhiều đốm lang ben xa nhau, dùng thuốc thoa dễ bỏ sót, vì vậy nên dùng thuốc uống:
- Nizoral (Ketoconazol) viên 200mg, ngày uống 1 viên trong 10 ngày.
- Sporal (Itraconazole) viên 100mg, ngày uống 2 viên trong 7 ngày.
Hai thuốc trên uống sau khi ăn. Khi dùng thuốc uống cần có sự hướng dẫn của bác sĩ da liễu.
Về điều trị bằng thuốc Nam, cắt quả chuối tiêu còn xanh, lấy nhựa bôi vào ngày vài lần. Có thể lấy củ riềng già 200g giã nhỏ, ngâm rượu bôi ngày vài lần. Ở nhiều vùng nông thôn, để chữa lang ben người ta lấy vỏ bưởi có chứa tinh dầu, có tính kháng oxy hóa, giúp loại bỏ một số tác nhân nấm ngứa. Cách làm như sau: Lấy 1 miếng vỏ bưởi tươi, rửa sạch bụi bẩn, dùng tay bóp tinh dầu rồi thoa lên vùng da bị lang ben. Rửa lại da với nước sạch. Thực hiện 2 – 3 lần/ ngày. Tinh dầu từ vỏ bưởi khi tiếp xúc với da có thể gây cảm giác xót, ngứa râm ran. Nếu sau khi thoa cảm giác đó không bớt, da mặt đỏ, có dấu hiệu dị ứng, nên thay thế bằng cách điều trị khác an toàn hơn.
BS Nguyễn Phan Trúc Nguyên (TP Vũng Tàu)