Khoa học & Công nghệ

Lăn kim, da dễ nhiễm khuẩn

  • Tác giả : Tô Hội
(khoahocdoisong.vn) - Lăn kim trị mụn là phương pháp làm đẹp được nhiều spa áp dụng. Việc lăn kim như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn cho da.

Mụn bùng phát vì lăn kim

Theo thông tin đăng tải trên báo Chất lượng Việt Nam, vì mặt nhiều mụn cô gái 19 tuổi quyết định tới spa để lăn kim tuy nhiên mụn không những mất đi mà còn bùng phát dữ dội như cơm cháy. Sợ hãi trước tình trạng của mình cô gái quê Hải Phòng này đã tới khám tại Khoa Da liễu, BV Tuệ Tĩnh và được chẩn đoán là mẩn ngứa viêm da dạng trứng cá nhưng có bội nhiễm liên cầu, tụ cầu thành viêm da mủ. Tương tự, trường hợp bệnh nhân P.T.T (40 tuổi, tại Hà Nội) vào viện trong tình trạng lớp da ngoài cùng gần như bị lột toàn bộ sau lăn kim và bôi thuốc không rõ nguồn gốc.

Chị Đỗ Anh Thư, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo sản xuất mỹ phẩm Grandpa's Garden cho biết, lăn kim là một phương pháp gây tổn thương cho da để kích thích da tự phục hồi. Có điều chắc chắn rằng cơ chế phản ứng của mỗi loại da là khác nhau, có loại tự hồi phục, nhưng cũng có loại phản ứng dữ dội.

Trong lăn kim, bạn sẽ phải chọc xuống hạ bì để kích thích hạ bì tái tạo. Khi đó đồng nghĩa bạn cũng làm chết tế bào biểu bì, nhất là một số tế bào biểu bì khỏe mạnh và đang sinh sôi.  Thứ hai là máu chảy ra chứng tỏ lăn kim đã phá được những mao mạch. Khi này bạn bôi mỹ phẩm lên, chúng sẽ thâm nhập vào đường máu. Điều này hết sức nguy hiểm, vì kể cả những thứ thiên nhiên, an toàn nhất cũng không được đi thẳng vào máu, mà phải đi qua một hệ thống gan thận để lọc bỏ những thứ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Lão hóa da nhanh hơn

“Đã chọc đến hạ bì thì không chỉ mỹ phẩm mà rất nhiều thứ ngoại lai khác cũng sẽ thẩm thấu sâu. Sau khi lăn kim, mặt sưng lên, chứng tỏ cơ thể đang tích cực phản vệ lại tác động ngoại lai. Đối với nhiều loại da thì lăn kim sẽ tạo ra một phản ứng phản vệ khốc liệt, kết quả có thể nám, lão hóa nhanh hơn”, chị Đỗ Anh Thư cho biết.

Vậy thì lăn kim có phải là một giải pháp hiệu quả trong việc tái tạo da mới, chữa mụn? Da là một tấm áo bảo vệ cho cơ thể khỏi những vật ngoại lai từ bên ngoài. Vậy tại sao lại chọc thủng da, làm suy yếu chức năng bảo vệ cơ thể, nếu mục đích của bạn chỉ là làm đẹp? Từ trước đến nay, người ta rất cảnh giác với công nghệ mỹ phẩm nano vì nếu nó đi quá biểu bì, vào hạ bì, thì có nguy cơ đi vào máu. Vậy mà lăn kim lại chọc sâu đến độ chảy máu ra để bôi một sản phẩm mỹ phẩm lên. Như vậy thật là nguy hiểm.

Các biến chứng gặp phải sau lăn kim như tổn thương, lột da, mảng dày trứng cá nếu không được giải quyết kịp thời sẽ để lại hậu quả nặng nề, thậm chí kéo dài suốt đời như để lại sẹo lõm, sẹo rỗ nhằng nhịt trên mặt do bội nhiễm tụ cầu tụ cầu, viêm da hốc mủ…

Chị Đỗ Anh Thư cho rằng, phương pháp lăn kim sở dĩ vẫn tồn tại vì một phương pháp làm đẹp thì sẽ có 2 mặt, bên cạnh mặt xấu thì nó có mặt tốt. Có một số người sẽ thấy phương pháp lăn kim này có tác dụng, nhưng thường họ phải là những người cơ địa hiếm khi kích ứng/dị ứng.

“Nếu lăn kim, mọi người nên đến một nơi uy tín để làm, đừng nên tự làm ở nhà. Dụng cụ nhiễm khuẩn mà chọc sâu vào da thì hậu quả khôn lường như nói ở trên”, chị Đỗ Anh Thư

Tô Hội

BẢN DESKTOP