Gia đình mới

Lần đầu phẫu thuật tạo hình xương con tai giữa tại BV Nhi Thanh Hoá

  • Tác giả : Thúy Nga
Cholesteatoma là một dạng khối u biểu bì nằm ở tai giữa hoặc xương chũm gây ra các biến chứng giảm sức nghe, tiêu xương, liệt mặt…. Phẫu thuật là phương pháp duy nhất lấy bỏ bệnh tích và phục hồi sức nghe.

Ngày 10/4, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, lần đầu tiên tại bệnh viện, các bác sĩ Tai Mũi Họng đã phẫu thuật nội soi tạo hình xương con bằng cấy ghép trụ gốm sinh học thay thế xương con tai giữa phục hồi sức nghe cho bệnh nhân mất xương con.

Đã lấy u nhưng vẫn mất thính lực

Bệnh nhân H.B.M.K. (8 tuổi) đã được phẫu thuật lấy cholesteatoma bẩm sinh tại khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Thanh Hoá vào năm 2020. Khối cholesteatoma ngày đó đã tiêu huỷ toàn bộ xương đe và xương bàn đạp dẫn đến bệnh nhân nghe kém nhiều.

Sau phẫu thuật bệnh nhân được khám và theo dõi định kỳ 4 năm không có dấu hiệu cholesteatoma tái phát. Bệnh nhân đã được nhập viện chụp CT Scan xương thái dương, đo thính lực kiểm tra mức độ nghe kém trước phẫu thuật.

Sau khi hội chẩn và đánh giá mức độ tổn thương bệnh nhân được các BS chỉ định phẫu thuật tạo hình xương con tai giữa tái tạo hệ thống truyền âm để phục hồi sức nghe.

Kíp mổ thực hiện gồm ThS.BS Đàm Thị Lan, Trưởng khoa Tai Mũi Họng và bác sĩ Nội trú Lê Văn Khánh đã dùng trụ gốm sinh học đặt vào tai giữa nối từ cán búa đi thẳng xuống đế đạp thay thế toàn bộ xương đe và xương bàn đạp đã mất. Sau phẫu thuật 1 ngày sức nghe của bệnh nhân đã hồi phục tốt, bệnh nhân đi lại và ăn uống sinh hoạt bình thường, xuất viện sau phẫu thuật 3 ngày.

Lần đầu tạo hình xương con phục hồi sức nghe cho bệnh nhi bị cholesteatoma tại Bệnh viện Sản nhi Thanh Hóa - Ảnh BVCC

Lần đầu tạo hình xương con phục hồi sức nghe cho bệnh nhi bị cholesteatoma tại Bệnh viện Sản nhi Thanh Hóa - Ảnh BVCC

Phẫu thuật tái tạo hệ thống truyền âm là phẫu thuật duy nhất giúp phục hồi sức nghe cho bệnh nhân có tổn thương mất xương con, dị dạng xương con hoặc bị tiêu huỷ xương con.

Trước đây phẫu thuật lấy bỏ Cholesteatoma thường tiến hành khoan mở xương chũm, đường rạch da dài để tiếp cận tổn thương, thời gian phục hồi lâu hơn.

Hiện nay với kỹ thuật mổ nội soi sau phẫu thuật người bệnh được ra viện sớm, tái khám sau 2 tuần người bệnh được rút merocell tai, khám thấy màng nhĩ liền, người bệnh cảm nhận nghe tốt hơn. Người bệnh được hẹn đo thính lực sau 3 tháng....

Cholesteatoma gây nhiều biến chứng cần phát hiện sớm

Cholesteatoma có thể được gọi là một dạng khối u biểu bì nằm ở tai giữa hoặc xương chũm, có thể là tổn thương nguyên phát hoặc thứ phát do thủng màng nhĩ. Bệnh có thể gây ra các biến chứng giảm sức nghe, tiêu xương, liệt mặt…. Phẫu thuật là phương pháp duy nhất lấy bỏ bệnh tích và chẩn đoán sớm là yếu tố quan trọng cho kết quả điều trị tối ưu.

Triệu chứng của bệnh khá đa dạng, một số người có thể hoàn toàn không có triệu chứng. Một số khác có thể giảm thính lực, chóng mặt và/hoặc chảy nước trong tai.

Cholesteatoma do thủng màng nhĩ thường được phát hiện sớm hơn và giảm hay mất thính lực cũng xảy ra sớm hơn. Thông thường, bác sĩ sẽ thăm dò để phát hiện cholesteatoma ở những người có viêm tai giữa mủ mạn tính.

"Để phòng tránh các bệnh mạn tính ở tai như viêm tai giữa mủ mạn tính hay cholesteatoma bằng một số cách cơ bản như: Luôn giữ tai khô thoáng, đặc biệt sau khi tắm gội hoặc sau khi đi bơi, vệ sinh mũi họng tốt; thận trọng khi lấy ráy tai....

Bên cạnh đó, người bệnh cần điều trị tốt các bệnh lý đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm VA, viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng...., khi có các bất thường ở tai cần đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn và điều trị kịp thời." – Các bác sĩ khuyến cáo.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP