Đời sống

Làm việc tốt để gợi cái tốt

Gần 70 tuổi, bà Nguyễn Quang Thủy vẫn điều hành Công ty phần mềm Sao Thủy, vẫn tham gia các chuyến đi tình nguyện đến các vùng sâu, vùng xa, vẫn tham gia CLB đàn và hát dân ca của Đài tiếng nói Việt Nam… Bà là tấm gương về học tập và làm việc không ngừng.

Bà Nguyễn Quang Thủy.

Không thể thiếu kiến thức

Trong căn phòng riêng của bà Nguyễn Quang Thủy có tới 3 chiếc máy tính, 2 máy để bà làm việc còn một máy dành riêng cho việc vào FB và tập hát. Đây là một phần thế giới của bà, vừa là công việc vừa là đam mê, bà có thể ngồi cả buổi mà không thấy buồn chán.

Bà kể, có những lúc làm dự án trên Lào Cai, Yên Bái, phải ở trên đó nhiều hơn ở Hà Nội. Và nhiều khi phải đi đến tận các bản trên núi cao làm tình nguyện, cũng mặc áo xanh tình nguyện như các bạn trẻ. Có đến tận nơi như thế, mới thấy còn rất nhiều việc mình phải làm.

Có lẽ vì năng động và hoạt động nhiều như thế nên từ cách nói chuyện đến suy nghĩ của bà hết sức trẻ trung. Và đặc biệt, ở người phụ nữ này còn có rất nhiều đam mê.

Tốt nghiệp học viện Tài chính, về công tác tại bộ Công nghiệp (nay là bộ Công thương), chuyên quản lý về ngân sách nhà nước. Điều tự hào nhất với bà là suốt bao nhiêu năm quản lý ngân sách nhà nước với rất nhiều dự án về điện, dầu khí, xây đường, trường học…mà không để mất tiền của nhà nước.

Muốn làm được việc thì phải không ngừng học và phải chịu khó đọc. Và quan trọng là phải biết điểm dừng. Đang làm ở một vị trí quan trọng như vậy, nhưng khi thấy mình không còn phù hợp nữa, bà đã thẳng thắn xin nghỉ, khi mới 47 tuổi.

Năm 1996, chuyển về công tác tại Công ty điện tử cũng là thời gian bà học thêm về công nghệ thông tin và bắt đầu làm về phần mềm tài chính, kế toán chuyên thiết kế hệ thống. Cũng trong thời gian này bà học thêm bằng về luật. Đến năm 2002 bà thành lập Công ty phần mềm Sao Thủy và làm giám đốc cho đến nay.

Xung quanh mình còn nhiều người tốt

Thời gian khó khăn nhất với bà Thủy là sau năm 1986, sau khi sinh con gái thứ ba, chồng mất, một tay bà nuôi ba con còn nhỏ. Nhưng cũng chính trong gian khó mới biết ai là người thực sự tốt với mình. Có khi chỉ là sự giúp đỡ rất nhỏ như một lời thăm hỏi, mấy quyển vở cho các cháu… vì thời đó ai cũng nghèo cả, nhưng bà còn nhớ mãi. Bà luôn tâm niệm, những điều tình nghĩa không bao giờ trả cho hết được, người ta tốt với mình thì mình lại làm điều tốt cho người khác.

Thiếu thốn về vật chất có thể chịu được, nhưng không thể thiếu kiến thức. Vì vậy có nhiều lúc trong căn nhà nhỏ, bốn mẹ con bốn góc miệt mài học.

Bận công việc, nhưng vì đam mê văn nghệ, nên cứ đến chủ nhật về Hà Nội, bà lại tham gia CLB đàn và hát dân ca của Đài tiếng nói Việt Nam. Rồi một thời gian khá dài, đến gần chục năm, bà còn là người mẫu áo dài. Nghe chuyện của bà, tôi thật sự khâm phục, không biết nghị lực nào đã khiến bà làm được nhiều việc đến như vậy.

Với bà, đến cả cách ăn nói cũng phải học. Thấy người khác nói năng nhẹ nhàng, dễ nghe mình cũng phải học để khi nói người khác chịu nghe. Nhiều khi, ngoài đường người ta đánh, chửi nhau, nhiều người tránh xa, còn bà lại nhẹ nhàng can ngăn. Chẳng hiểu sao, lần nào người ta cũng nghe bà. Đến nỗi, khi bà ốm, mấy thanh niên đầu gấu còn mang cả trứng gà đến thăm, khiến ai cũng ngạc nhiên và ngưỡng mộ.

Bà kể, có lần ra biển, bà mua một con diều để thả, thấy đứa bé bán diều bị mất chiếc xe đạp, mẹ nó khóc ghê lắm, bà cũng khóc theo. Rồi có bao nhiêu tiền đưa cho họ để mua xe mới. Xong lúc quay lại thì con diều của mình đã bị ai cắt trộm dây mất rồi. Nhưng chỉ lúc sau, mấy đứa bé quanh đấy đã đi tìm lại diều cho bà. Từ đấy bà luôn nghĩ, làm việc tốt mới thấy xung quanh mình nhiều người tốt lắm. Vấn đề làm làm sao để gợi được cái tốt của người ta ra thôi.

Minh Châu

BẢN DESKTOP