Đời sống

Làm từ thiện là bí quyết sống vui sống khỏe

14 năm làm công tác chữ thập đỏ, trong đó từ năm 2014 đến nay làm chủ tịch hội Chữ thập đỏ phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bà Nguyễn Xuân Hương (56 tuổi) rất tâm huyết với công việc của mình.

Bà Nguyễn Xuân Hương

Giúp được một người là thấy vui

Với bà Hương, tham gia hoạt động thiện nguyện chính là bí quyết để sống vui, sống khỏe, sống có ích. Gia đình lại có nghề làm thuốc Nam nên bà thấu hiểu niềm vui khi giúp được một ai đó.

Làm từ thiện là tâm nguyện của bà từ lâu lắm rồi, nhưng từ khi tham gia công tác hội chữ thập đỏ bà có điều kiện làm được nhiều việc hơn. Trước hết là quan tâm tới những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ngay trong khu phố mình.

Ở trung tâm của Hà Nội, nhưng quận Hoàn Kiếm và phường Cửa Đông vẫn còn nhiều người nghèo. Có gia đình cả 3 người ốm đau, nhìn mâm cơm của họ chỉ có mấy cọng rau mà rớt nước mắt. Cứ chịu khó đến từng nhà như thế, nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn của họ như thế, bà lại xin các suất hỗ trợ cho họ. Có năm lên tới 20 suất.

Bà Hương chia sẻ, công tác từ thiện này giá trị vật chất rất nhỏ, không thể giúp người nghèo trở nên giàu được. Có những người mình chỉ giúp cho họ manh áo ấm hay vài trăm ngàn đồng mỗi tháng, có khi chỉ là những quyển sách giáo khoa cũ…, nhưng giá trị tinh thần rất lớn. Nó như một nguồn động viên, để họ thấy rằng mình không bị bỏ quên, xã hội vẫn nhớ đến mình, mọi người vẫn chia sẻ với mình… để mà cố gắng vươn lên.

Và giúp được một người là thấy lòng thanh thản, thấy vui, thấy khỏe. Như đợt vừa rồi, có cháu học sinh hoàn cảnh khó khăn được hội Chữ thập đỏ hỗ trợ nhiều năm đã đỗ đại học, đó là niềm vui lớn cho những người đã chung tay giúp cháu.

Làm công việc này bà Hương có rất nhiều niềm vui. Ngay cả việc đi họp giao ban với bà cũng là dịp được gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Và cũng để biết rằng, xung quanh còn có rất nhiều người tốt, rất nhiều người tâm huyết với công việc.

Không có tâm thì không thể làm được

Chính những niềm vui như thế đã khiến bà cố gắng hơn. Dù có bệnh thoát vị đĩa đệm, nhưng mỗi khi trong khu phố có việc gì, như vừa rồi có cháy nhà hay tai nạn… là bà luôn có mặt trước tiên để hỗ trợ, giúp đỡ.

Không phải ai cũng hiểu hết tính chất công việc của những người làm công tác chữ thập đỏ. Thậm chí có người còn nghi ngờ không biết những đồng tiền mình đóng góp đi về đâu, có đến được tay người cần giúp đỡ không. Hay có người lại nghĩ chữ thập đỏ là cứ đi thu tiền rồi nộp lên trên.

Đúng là nếu làm một cách hình thức thì như thế, nhưng nếu làm thực sự sẽ thấy rất nhiều việc. Đơn giản như việc vận động quyên góp quần áo cũ. Mỗi người cho một kiểu, có nhà các cụ già không chở đến được thì mình lại phải đến tận nhà lấy. Rồi về sắp xếp, gấp lại gọn gàng, sạch sẽ, chia vào từng túi để phần nào cũng có cả quần áo trẻ con, người lớn, phụ nữ, đàn ông… Tức là mình mong nhận được như thế nào thì mình phải trao cho họ như thế.

Phải thấy được cái niềm vui khi mình trao cho người khác một món quà gì. Thế nên làm công việc này không có tâm thì không thể làm được.

Bà Hương đã ví công việc của mình như một mớ bòng bong và mình cứ phải gỡ dần ra. Làm từ thiện là tự nguyện vì vậy muốn được người dân ủng hộ thì phải khiến họ tin tưởng. Mình làm có hiệu quả, người ta trông thấy được rõ ràng thì họ mới tin, mới tiếp tục ủng hộ.

Cán bộ chữ thập đỏ giống như cầu nối vậy. Trong xã hội, có rất nhiều người tốt, rất nhiều người sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn, nhưng nhiều khi họ không biết địa chỉ, không biết làm cách nào để giúp. Nếu được họ tin tưởng họ sẽ ủng hộ.

Trò chuyện với bà Hương tôi hiểu ra một điều, bất cứ công việc gì, nếu mình làm với tinh thần trách nhiệm, với cái tâm của mình thì sẽ có rất nhiều việc phải làm.

Tuệ Minh

BẢN DESKTOP