Làm đẹp

Làm thế nào để duy trì độ ẩm cho da trong mùa đông?

  • Tác giả : ThS.BS Hoàng Văn Tâm
Da khô có thể bong tróc, ngứa, nứt nẻ, thậm chí chảy máu.... khi đông đến. Để giúp giảm khô da, tránh tổn thương nên thực hiện theo lời khuyên của các bác sĩ da liễu.

Vào mùa đông, sự thay đổi thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ thấp khiến cho làn da trở nên khô ráp, bong tróc kèm theo các triệu chứng như ngứa ngáy, khó chịu, thậm chí là xuất hiện nứt nẻ, tổn thương nặng nề. Vì vậy, việc chăm sóc da mùa đông là rất cần thiết, cần được chú trọng và quan tâm.

Dưỡng ẩm

Dưỡng ẩm và tăng độ ẩm cho da mùa đông là quan trọng nhất. Chúng ta cần bôi kem dưỡng ẩm cho da đều đặn và bôi đúng cách.

Cách bôi dưỡng ẩm da đơn giản nhất là bôi thật kỹ, thật dày ngay sau khi tắm xong vì lúc đó da có độ ẩm cao nhất. Sau khi tắm sau, nên lau khô người rồi bôi dưỡng ẩm ngay lúc đó là thuận lợi nhất để ngấm hoạt chất dưỡng ẩm vào trong da.

Không tắm nước quá nóng

Để tránh khô da, mọi người không nên tắm nước quá nóng, đặc biệt với trẻ nhỏ chỉ nên tắm với nhiệt độ nước khoảng 37 độ C và được đo chính xác bằng nhiệt kế.

Lưu ý khi dùng đèn sưởi, điều hòa

Khi dùng đèn sưởi, điều hòa cũng rất dễ gây khô da nhất là loại đèn sưởi có bóng đèn sợi đốt. Tốt nhất, khi dùng các thiết bị này nên có một chậu nước để trong phòng để tạo độ ẩm tốt cho da, không nên để đèn sưởi quá gần giường ngủ hoặc quá gần người.

Tuyệt đối không đốt than, củi để sưởi ấm khi ngủ

DDốt than, củi để sưởi ấm khi ngủ còn diễn ra ở một số vùng nông thôn, không chỉ gây khô da trầm trọng, mà còn gây hệ lụy cho sức khỏe, như việc sưởi than phòng kín dễ gây ngạt khí, cháy nổ.

Chăm sóc da đúng cách mùa đông để tránh khô và nứt nẻ - Ảnh minh họa

Chăm sóc da đúng cách mùa đông để tránh khô và nứt nẻ - Ảnh minh họa

Chú ý chăm sóc đặc biệt với những người mắc viêm da cơ địa, vảy nến,...

Với những người bệnh có tiền sử viêm da cơ địa, vảy nến hay một số bệnh lý khác, khô hanh sẽ là điều kiện để bệnh tái phát hoặc bùng phát nặng hơn.

Do đó với những trường hợp này việc chăm sóc da cần được chú ý hơn, tốt nhất là nên tham khảo với bác sĩ da liễu để được hướng dẫn cụ thể.

Cách chăm sóc da tránh bong tróc, chảy máu...

Da khô có thể bong tróc, ngứa, nứt nẻ, thậm chí chảy máu. Để giúp giảm khô da, các bác sĩ da liễu đưa ra những lời khuyên sau:

1. Không tắm lâu, tắm trong thời gian ngắn. Sử dụng nước ấm, không nóng và sữa rửa mặt dịu nhẹ. Vỗ nhẹ cho da khô.

2. Thoa kem dưỡng ẩm sau khi tắm xong. Thuốc mỡ và cream có hiệu quả hơn ở những người da khô

3. Đọc thành phần trên các sản phẩm chăm sóc da. Xà phòng khử mùi, toner chứa cồn và các sản phẩm có chứa hương thơm có thể gây kích ứng da khô, nhạy cảm.

4. Sử dụng máy tạo độ ẩm để bổ sung độ ẩm cần thiết cho không khí.

5. Mặc các loại vải mềm mại, thoáng khí, chẳng hạn như 100% cotton. Nếu bạn muốn mặc len và các loại vải thô khác, hãy mặc một lớp vải mềm bên dưới.

6. Đừng bỏ qua việc rửa tay, điều này có thể loại bỏ vi khuẩn và vi rút có hại. Nếu bạn cần rửa tay thường xuyên, nước rửa tay là một lựa chọn tốt.

7. Thoa kem dưỡng da tay sau mỗi lần rửa tay. Nếu tay của bạn thường xuyên bị ngâm trong nước, hãy đeo găng tay chống thấm nước để giúp bảo vệ chúng.

Nếu những mẹo này không mang lại hiệu quả giảm tình trạng khô da của bạn, hãy đi khám bác sĩ da liễu. Da khô cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh viêm da cơ địa, vì vậy hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm tình trạng khô da của bạn.

ThS.BS Hoàng Văn Tâm (Phó Trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da Liễu Trung ương)

ThS.BS Hoàng Văn Tâm

BẢN DESKTOP