Y học và đời sống

Làm sống lại những cây thuốc truyền thống quý hiếm tại Việt Nam

  • Tác giả : Lê Hùng
(khoahocdoisong.vn) - Trong hơn 12.000 loài thực vật tại Việt Nam thì có gần 6.000 loài cho công dụng làm thuốc, nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý hiếm trên thế giới. Đó là nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành chế biến thuốc chữa bệnh của Việt Nam.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn dựa vào thuốc thảo dược để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Người Việt ta cũng có thói quen và sở thích dùng các loại cây cỏ dược liệu hơn là lạm dụng thuốc tây.

Phát huy giá trị y học truyền thống, cách đây hơn 2 thập niên, Chỉnh phủ đã ban hành Nghị quyết số 37/CP ngày 20/6/1996 về “Định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và Chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam”. Đồng thời, có chiến lược phát triển y học cổ truyền, thuốc sản xuất trong nước đáp ứng được 60% nhu cầu của bệnh viện, trong đó ít nhất có 30% số thuốc được sản xuất trong nước là thuốc có nguồn gốc từ dược liệu.

Tiềm năng cho phát triển cây dược liệu gắn với phát triển kinh tế

Ở Việt Nam có rất nhiều loài cây cho công dụng làm thuốc, nhưng lâu nay do khai thác quá mức và không được quản lý tốt nên nhiều cây thuốc quý đã biến mất. Hiện nay, dù đã được chú trọng hơn nhưng tại nhiều vùng trên cả nước vì lợi ích ngắn hạn nên vẫn để thương lái nước ngoài thu mua tự do rồi xuất qua kênh tiểu ngạch nên hiệu quả kinh tế thấp.

Khắc phục các hạn chế này, nhằm bảo tồn và gắn với phát triển kinh tế, nhiều vùng dược liệu cũng đã được quy hoạch như Đà Lạt, Mường Lống, Kỳ Sơn - Nghệ An, Pù Luông - Thanh Hóa, khu vực miền núi phía Bắc (huyện Ba Vì, Mỹ Đức - Hà Nội, Quảng Bạ - Hà Giang...).

Trong đó, Trung tâm bảo tồn và phát triển dược liệu Mường Lống, tỉnh Nghệ An dưới sự quản lý của Tập đoàn TH là một trong những điểm sáng, đã thay đổi cả một vùng quê là một bài học đáng tham khảo cho những địa phương có lợi thế về dược liệu.

Đặc biệt, được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các vùng trồng dược liệu “sạch” thuần Việt Nam đang từng bước được hình thành và mở rộng theo nguyên tắc đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe. Trong đó, có Dự án BioTrade phát triển dược liệu sạch do Liên minh châu Âu EU tài trợ, với mục tiêu khuyến khích hoạt động khai thác đi kèm với bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời phát triển các chuỗi giá trị dược liệu bền vững.

Cây bảy lá một hoa.

Cây bảy lá một hoa.

Trung tâm bảo tồn và phát triển dược liệu Mường Lống – mô hình đáng được nhân rộng

Được biết, thạch hộc thiết bì, cây sì tò… - những cây thuốc mọc bờ rào của người Mông giờ - đã được trồng thành một vùng nguyên liệu tập trung lớn. Tại Mường Lống trước đây việc khai thác dược liệu chưa có tổ chức, không có hướng dẫn khai thác đi kèm với bảo tồn, phát triển bền vững, khiến một số loài cây dược liệu quý bị khai thác cạn kiệt và có nguy cơ bị tuyệt chủng cao như cây bảy lá một hoa, trinh nữ hoàng cung, tam thất bắc…

Bà Lầu Y Dở - Người dân Mường Lống, Nghệ An cho biết: “Ngày trước tôi ở nhà chỉ biết nuôi lợn, gà, trâu, bò thôi. Chẳng có thu nhập gì cả. Cây thuốc thì chỉ biết trồng xuống đất để mặc cho tự nhiên phát triển, ốm đau mới dùng rồi bán cho thầy lang chứ không ngờ nó cho thu nhập tốt đến thế”. Cuộc sống của bà Lầu Y Dở và nhiều hộ dân nơi đây đã có sự thay đổi đầy khởi sắc nhờ sự có mặt của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển dược liệu Mường Lống.

Ông Lầu Chìa Lồng, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Việc bảo tồn và phát triển dược liệu là rất cần thiết. Khi bắt tay vào bảo tồn mới có thể giúp xác định được giống loài nào phù hợp, giống loài nào không phù hợp”.

Trên diện tích 136ha, bà con bắt tay cùng doanh nghiệp bước đầu đã xây dựng được vùng trồng dược liệu bán tự nhiên trên diện tích rừng Mường Lống, rừng phòng hộ đầu nguồn hình thành vùng khai thác dược liệu bền vững; xây dựng vùng trồng dược liệu thâm canh theo thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Phát triển cây dược liệu không chỉ giúp đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đi lên mà còn gắn với việc bảo vệ rừng.

Lê Hùng

BẢN DESKTOP