Vấn đề - Sự kiện

Làm sao để rác thành tài nguyên

Làm sao để rác thành tài nguyên, chứ không trở thành thảm họa bởi việc thu gom, tái chế chưa được làm tốt, không chỉ gây lãng phí mà còn lắm nguy cơ với môi trường.

Ảnh minh họa.

Theo một số liệu mới đây, 7 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập siêu nguyên liệu nhựa hơn 4,5 tỷ USD. Trong khi, rác thải nhựa đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thì việc thu gom tái chế lại chưa làm tốt khiến chúng ta lãng phí nguồn tài nguyên rác.

Chỉ riêng việc phân loại rác từ nguồn đã rất phức tạp. Còn nhớ cách đây khoảng hơn chục năm, các phương tiện truyền thông rầm rộ tuyên truyền về 3R, dự án phân loại rác từ nguồn do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.

Người dân được hướng dẫn, rác vô cơ thì bỏ vào thùng màu xanh, rác hữu cơ thì bỏ vào thùng màu vàng… Hào hứng, rầm rộ một thời gian rồi thì sau đó cũng rơi vào quên lãng vì dự án kết thúc. Mà có làm cũng vô nghĩa, vì ra nơi thu gom rác, thùng xanh hay thùng vàng đều đổ cả vào một xe.

Thế là tất cả mọi loại rác, từ rác nhựa, chai thủy tinh, thức ăn thừa, đến các loại hóa chất độc hại… đều tống vào một túi vứt ra thùng rác. Chỉ có một đội quân vẫn miệt mài phân loại rác, đó là những người đi nhặt rác. Họ nhặt ra những thứ tái chế được để bán cho đồng nát. Nhưng các loại rác đó đã bị nhiễm bẩn.

Trong khi đó nếu được phân loại từ nguồn, không những giảm đáng kể lượng rác phải tiêu hủy mỗi ngày, mà còn thu được một lượng rác đáng kể để tái chế.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương, một người rất tâm huyết với việc thu gom rác thải, đã khuyên tôi, hãy bắt đầu từ chính gia đình mình. Giấy vụn, chai nhựa, túi nilong… những loại tái chế được hãy để riêng để mang cho đồng nát. Còn rác hữu cơ để riêng để mang đi chôn lấp. Nghe thì đơn giản thế thôi, mà cũng khó.

Nói ý thức của người dân trong việc vệ sinh môi trường rất kém, cũng đúng. Có mỗi việc vứt rác đúng giờ, đúng nơi quy định, chỉ cần bỏ vào thùng rác thôi mà cũng không làm được. Thôi thì túi rác vứt ngay ra trước cửa nhà mình, rồi gốc cây, gốc cột điện cũng thành những đống rác nhếch nhác, bẩn thỉu. Nói gì đến phân loại.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Ý thức không tự dưng mà có. Nó phải được xây dựng từ cấp quản lý. Nếu đã phân loại thì phải làm từ đầu nguồn đến cuối nguồn, chứ không thể làm kiểu người dân phân loại từ nhà, rồi lúc ra xe rác lại đổ tất cả vào làm một.

Rác thực sự là một nguồn tài nguyên nếu ta biết quản lý và khai thác hiệu quả.

Minh Anh

BẢN DESKTOP