Y học và đời sống

Lạm dụng lá xoài chữa tiểu đường dễ biến chứng

Nhiều thông tin cho rằng, lá xoài non có khả giúp cho việc điều trị bệnh tiểu đường ở giai đoạn đầu hiệu quả bằng cách ngâm lá xoài trong nước qua đêm để uống. Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay, đây không phải là vị thuốc chính thống cũng như chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể. Lạm dụng lá xoài chữa tiểu đường có thể rước thêm bệnh và tăng nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường.

Lá xoài không chữa được bệnh tiểu đường

Đừng nghĩ lá xoài như thuốc tiên

Theo những thông tin được truyền tay nhau của nhiều người, lá xoài như một loại thuốc tiên chữa được rất nhiều bệnh. Như, lá xoài giúp hạ huyết áp, giảm cảm giác bồn chồn, điều trị sỏi thận và sỏi mật, cải thiện các vấn đề hấp do bị cảm lạnh, viêm phế quản hay hen suyễn. Và, điều trị bệnh lỵ, chữa nhức tai, khắc phục vết bỏng, trị nấc… Đặc biệt, lá xoài còn có tác dụng chữa bệnh tiểu đường cũng như các biến chứng của bệnh gây ra trong đó có bệnh võng mạc…

Theo đó, phương pháp chủ yếu là lấy lá xoài thái nhỏ hãm nước để uống, hoặc nghiền nhỏ pha cùng nước và mật ong để uống. Đối với chữa các vết thương như nhức tai, chữa bỏng thì giã nhỏ lá xoài đắp vào nơi đau.

Trao đổi về vấn đề này, lương y Nguyễn Hải, Hội Đông y Việt Nam cho rằng, đây là các lời đồn đại về khả năng của lá xoài. Trên thực tế, lá xoài không phải là vị thuốc trong Đông y, không được nghiên cứu cụ thể cũng như ứng dụng một cách chính thống vào các bài thuốc.

Đối với thành phần, các thông tin cho rằng tanin có thể chữa tiểu đường là chưa chính xác. Tanin là một tên gọi với rất nhiều chất trong đó, mỗi chất có những điểm khác nhau nhưng chủ yếu có vị chát, hơi đắng, mang tính chất vón, tác dụng chính là chống oxy hóa. Lá xoài được dân gian truyền cách dùng như chống tiêu chảy, chữa vết thương hở nhỏ như đứt tay, trầy xước da… Do chính thành phần tanin này khiến niêm mạc sẽ lại nên giúp phân đặc và vón, các vết thương hở nhỏ được sẽ khít nên chống chảy máu, nhanh khỏi hơn.

Tanin chưa được chú trọng trong việc chữa tiểu đường. Bởi tiểu đường cần sự điều tiết làm giảm đường trong máu. Hiện nước ta có nhiều loài thảo dược có khả năng hỗ tợ chữa tiểu đường như muố đắng, thìa canh, sinh địa, thương truật… nhưng hoàn toàn không có lá xoài.

Tăng nguy cơ biến chứng tiểu đường nặng

Ở điểm khác, Lương y Nguyễn Minh Phúc, nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y TP Vũng Tàu cho hay, bệnh tiểu đường trong Đông y có tên gọi là ngũ lâm với các thể rất phức tạp với hướng điều trị cần kiện tỳ, tiêu khát. Như với người tiểu đường nhưng ăn nhiều gọi là tỳ vị âm hư. Người uống nhiều là phế âm hư; tiểu nhiều là thận âm hư… Dựa vào các triệu chứng sẽ có các cách điều trị phù hợp. Nhưng tất cả các bài thuốc đều không có sử dụng lá xoài. Nếu nói chất tanin trong xoài để chữa bệnh này và các biến chứng là sai lầm, chưa khoa học. Bởi tanin trong đông y hầu hết chú trọng đến chữa cầm tiêu chảy, se niêm mạc, hoàn toàn không có chữa các bệnh về tỳ vị…

Theo các chuyên gia, nếu lạm dụng lá xoài chữa bệnh, nhất là bệnh tiểu đường và dẫn đến bỏ thuốc của bác sĩ kê sẽ tăng các nguy cơ biến chứng tiểu đường nặng hơn. Lúc này, muốn khắc phục, điều trị lại thuốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Như bệnh võng mạc do tiểu đường gây nên là do các mạch máu nhỏ của mô nhạy sáng ở võng mạc bị tổn thương. Khi biến chứng nhẹ bệnh chỉ gây ảnh hưởng tầm nhìn nhẹ, nếu dùng đúng thuốc sẽ hạn chế tình trạng diễn tiến của bệnh. Nhưng lạm dụng lá xoài chữa bệnh này có thể gây biến chứng nặng, trong đó có nguy cơ mù lòa.

Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, không dùng bừa bãi các lá thuốc để trị bệnh, nhất là các bệnh liên quan đến chuyển hóa bởi nguy cơ biến chứng rất nặng nề.

Hà Linh 

BẢN DESKTOP