Môi trường

Lâm Đồng: Yêu cầu dừng mua điện mặt trời mái nhà trái phép

  • Tác giả : Đinh Thanh
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công ty điện lực Lâm Đồng tạm dừng mua điện đối với các trường hợp đầu tư điện mặt trời mái nhà chưa đúng quy định trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành văn bản số 5788/2023 chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp trong KCN đã lắp đặt, ký kết hợp tác đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa đúng quy định về đầu tư, trật tự xây dựng như Khoa học và Đời sống đã đưa tin.

Yêu cầu dừng mua điện mặt trời mái nhà trái phép

Đối với doanh nghiệp cho thuê lại mái nhà xưởng (không đúng theo Giấy chứng nhận đầu tư) để đầu tư điện mặt trời trên mái trong các KCN khẩn trương thanh lý hợp đồng cho thuê, đồng thời tháo gỡ toàn bộ hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng.

Riêng Công ty Cổ phần Vinasolar Bảo Lộc khẩn trương đầu tư hoàn thiện, đưa vào vận hành dự án sản xuất lưới thép và gia công khung kèo thép tiền chế theo giấy chứng nhận đầu tư. Nếu quá thời gian cam kết mà không hoàn thành dự án thì sẽ căn cứ quy định xem xét thu hồi dự án.

Ban Quản lý các KCN chỉ đạo thực hiện những nội dung trên, báo cáo UBND tỉnh trước 30/7/2023.

Hệ thống điện mặt trời trên mái Công ty Cổ Phần Intimex Bảo Lộc.

Hệ thống điện mặt trời trên mái Công ty Cổ Phần Intimex Bảo Lộc.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Công ty điện lực Lâm Đồng phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh rà soát, tạm dừng mua điện đối với các trường hợp chưa thực hiện đầy đủ các quy định về đầu tư, trật tự xây dựng, chưa thực hiện đúng mục tiêu dự án đầu tư. Chỉ xem xét mua điện sau khi các nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên.

Cục thuế Lâm Đồng có nhiệm vụ rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp đã lắp đặt, bán điện năng lượng mặt trời trên mái thực hiện đây đủ nghĩa vụ về thuế đối với nhà nước theo quy định.

Trước đó như Khoa học và Đời sống đã đưa tin tại bài viết “Điện lực Lâm Đồng tiếp tay cho dự án khai thác điện mặt trời trái phép?”.

Trong Khu công nghiệp Lộc Sơn có 3 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng đã cho các doanh nghiệp khác bên ngoài thuê đầu tư và khai thác điện mặt trời nhưng chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Hệ thống điện mặt trời trên mái Công ty CP công nghệ Xanh Lộc Châu.

Hệ thống điện mặt trời trên mái Công ty CP công nghệ Xanh Lộc Châu.

Trước tiên, Công ty CP công nghệ Xanh Lộc Châu tại lô CN11, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 04/7/2018, điều chỉnh lần 3 ngày 25/10/2022 với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất gạch nung theo công nghệ tuynel cải tiến đã hợp tác đầu tư với Công ty CP INCOM Sài Gòn lắp đặt hệ thống điện trên mái và đấu nối với Công ty Điện lực Lâm Đồng vào tháng 12/2020 quy mô công suất gần 1.000 kWp (kWp là đơn vị tính công suất điện mặt trời, 1 kWp hoạt động với công suất tối đa trong 1 giờ sẽ tạo ra 1 kWh điện).

Hệ thống điện trên mái này đã được thẩm tra kết cấu công trình, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy nhưng chưa được cấp phép xây dựng và điểu chỉnh bổ sung mục tiêu hệ thống điện trên mái cho ngành nghề đầu tư. Số điện sản xuất được, doanh nghiệp sử dụng sản xuất gạch và phần dư bán cho Công ty Điện lực Lâm Đồng.

Thứ hai, Công ty Cổ Phần Intimex Bảo Lộc thực hiện dự án tại địa điển CN 4 theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 04/12/2012 với mục tiêu xây dựng nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu.

Công ty TNHH MTV Vĩnh Thịnh (là doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp) đã thuê mái nhà xưởng lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời diện tích khoảng 4.000 m2, quy mô công suất 684 kWp .

Công trình đã được thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy nhưng chưa được cấp phép xây dựng, hệ thống điện mặt trời trên mái này đã được ký hợp đồn mua bán điện vào ngày 01/12/2020.

Cuối cùng, Công ty Cổ Phần Vinasorlar Bảo Lộc thực hiện dự án tại địa điển 01 phần CN 6 theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 11/9/2020 với mục tiêu sản xuất lưới thép và gia công khung kèo thép tiền chế.

Công ty CP Vinasorlar Bảo Lộc đã lắp dựng các tấm năng lượng có công suất khai thác 1.148 kWp trên diện tích khoảng 5.900 m2 mái nhà xưởng đã thực hiện đấu nối với Điện lực Lâm Đồng vị trí trạm đấu nối tại lô CN6 ngày 17/11/2020. Hệ thống điện này chưa được cấp phép xây dựng.

Hệ thống điện mặt trời trên mái Công ty Cổ Phần Vinasorlar Bảo Lộc.

Hệ thống điện mặt trời trên mái Công ty Cổ Phần Vinasorlar Bảo Lộc.

Ngoài ra, Công ty còn hợp tác với Công ty CP JINCA Việt Nam và Công ty CP RESUN Việt Nam lắp dựng các tấm năng lượng mặt trời tổng công suất hơn 2.280 KWP trên mái nhà xưởng diện tích hơn 12.800 m2. Hai công ty này đều chưa được cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư vào khu công nghiệp, việc lắp dựng các tấm năng lượng mặt trời cũng chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Hơn nữa, doanh nghiệp này cùng 2 công ty hợp tác đã lắp đặt hoàn thành hệ thống điện trên mái không phép với quy mô lớn với tổng diện tích hơn 18.200 m2, kí hợp đồng bán điện cho Điện lực Lâm Đồng từ tháng 12/2020 dù mục tiêu chính là sản xuất lưới thép và gia công khung kèo thép tiền chế, dự án chậm tiến độ vẫn chưa thực hiện.

Trách nhiệm thuộc cơ quan nào?

Kể từ khi được ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Lâm Đồng, đến nay đã gần 3 năm, các hệ thống điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa hoàn thiện thủ tục về giấy phép xây dựng. Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trong khu công nghiệp thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

Đồng tình với quan điểm này, trong văn bản trả lời Báo Tri thức & Cuộc sống, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo chức năng nhiệm vụ được giao, khu công nghiệp trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng là cơ quan quản lý, theo dõi, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng…

Điều này có nghĩa việc cấp giấy phép xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp trên các nhà xưởng trong khu công nghiệp thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn “loay hoay” trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình được giao.

Đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng thừa nhận: “Thời điểm hoạt động đầu tư vào điện mặt trời áp mái ‘bùng nổ’, những chính sách hướng dẫn liên quan việc triển khai vẫn chưa chi tiết, cụ thể, rõ ràng nên cũng không thể ‘ngăn cản’ doanh nghiệp thực hiện, vì doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Thực sự ở thời điểm đó, chúng tôi thực hiện cũng chưa tròn vai trò quản lý”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có 4 văn bản (990; 2704 và 3.991) yêu cầu báo cáo kiểm tra, rà soát và quản lý về việc phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh.

Ngày 23/3/2023, Tỉnh uỷ Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo về việc rà soát, xử lý những đơn vị cho bên thứ ba thuê đất trong Khu công nghiệp Lộc Sơn triển khai dự án điện và phải báo cáo trong tháng 4/2023.

Đáng chú ý, ngày 4/5/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản 2704, yêu cầu Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, cũng như Công ty Điện lực Lâm Đồng, rà soát, tổng hợp về phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Trong đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Ban Quản lý các Khu công nghiệp kiểm tra, chỉ đạo những đơn vị lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp phải thực hiện đầy đủ thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định, như giấy phép xây dựng, thẩm định, nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy…. Trường hợp đơn vị không thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định, đề nghị ngành điện không ký hợp đồng mua bán điện và báo cáo UBND tình hình thực hiện.

Như vậy, với hệ thống điện mặt trời áp mái trong công nghiệp chưa được cấp giấy phép xây dựng, theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Lâm Đồng, các chủ đầu tư phải bị xử lý, xử phạt hoặc có giải pháp căn cơ hơn, thay vì được hoạt động bình thường và vẫn được ký hợp đồng thương mại với Công ty Điện lực Lâm Đồng.

Đinh Thanh

BẢN DESKTOP