Trong nước

Lâm Đồng: Kiểm điểm địa phương để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép

  • Tác giả : Phúc Nguyên - Hoàng Hải
UBND huyện Đơn Dương vừa cho biết, sẽ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với địa phương để xảy ra tình trạng san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác đất đá trái phép mà không xử lý triệt để.

Sau khi báo phản ánh, UBND huyện Đơn Dương đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện phối hợp cùng UBND xã Đạ Ròn và UBND xã Tu Tra tiến hành lập đoàn kiểm tra thực tế khu vực san gạt, cải tạo mặt bằng thuộc 2 xã này.

Điểm khai thác đất trái phép tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương.

Điểm khai thác đất trái phép tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương.

Qua kết quả làm việc của các ngành chức năng huyện, tại vị trí san gạt đất thuộc xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương do ông Vũ Đức Sơn đã san gạt, cải tạo mặt bằng với tổng diện tích là: 4.411 m², trong đó có 3.509 m² được UBND huyện Đơn Dương cho phép san gạt, cải tạo mặt bằng sản xuất nông nghiệp. Ông Sơn cho biết do có sẵn giấy phép san gạt, cải tạo mặt bằng nên ông Sơn có tiến hành san gạt vào khu vực đất 902 m² còn lại trong tổng diện tích 4.411 m². Trong quá trình san gạt, cải tạo mặt bằng thì phần đất dôi dư ra, ông Sơn có tận dụng chở về đổ vào vườn nhà tại Thôn 1, Đạ Ròn, Đơn Dương, Lâm Đồng.

Từng đoàn xe tải ben chở đất chạy ngổn ngang trên đường liên xã Tu Tra, huyện Đơn Dương.

Từng đoàn xe tải ben chở đất chạy ngổn ngang trên đường liên xã Tu Tra, huyện Đơn Dương.

Tại vị trí san gạt đất thuộc xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tổ công tác phát hiện 01 máy múc nhãn hiệu Mitsubishi, màu vàng và 01 xe ô tô tải nhãn hiệu THACO FOLAND, màu xanh, BKS: 49C- 279.29 đang tiến hành san gạt, cải tạo mặt bằng. Qua kiểm tra, vị trí san gạt đất này do ông Ya Đông thực hiện. Ông Ya Đông không xuất trình được bất cứ giấy phép nào liên quan đến việc cho phép san gạt, cải tạo mặt bằng ở khu vực nêu trên.

Theo trình bày của ông Ya Đông: Do nhu cầu gia đình cần mặt bằng để sản xuất nông nghiệp, cũng như hàng năm vào mùa mưa do khu vực đất phía sau nhà cao, dốc nên khi mưa thường xối nước vào nhà, nên vào đầu tháng 3/2023, ông có hợp đồng với ông Đỗ Hồng Tư (SN: 1986, trú tại: TDP Nghĩa Lập 1, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) san gạt, hạ thấp 1.000 m² đất thuộc khu vực đất phía sau nhà. Do bản thân ông Ya Đông chưa có hiểu biết về pháp luật trong quản lý đất đai, khi có nhu cầu san gạt, cải tạo mặt bằng thì tự ý thuê, mướn phương tiện để tiến hành san gạt, cải tạo mặt bằng chứ không thực hiện các thủ tục xin cấp phép như quy định.

Xe tải ben đang chờ ăn đất để đi tiêu thụ.

Xe tải ben đang chờ ăn đất để đi tiêu thụ.

Tại các vị trí khai thác đất trái phép, tổ công tác do UBND huyện Đơn Dương đã tiến hành lập biên bản vụ việc, yêu cầu chấm dứt hoạt động, tạm giữ các phương tiện vị phạm gồm máy múc, xe ô tô tải và tiến hành xác minh, xử lý vụ việc theo quy định.

Sẽ xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan

Theo báo cáo của UBND huyện Đơn Dương, việc san gạt, cải tạo mặt bằng, vận chuyển đất trái phép như Khoa học & Đời sống đăng bài là có diễn ra nhưng theo UBND huyện này, việc san gạt, cải tạo mặt bằng, vận chuyển đất trái phép chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, phần đất dôi dư trong lúc cải tạo mặt bằng.

Ngọn đồi bị đục khoét nham nhở do khai thác đất trái phép.

Ngọn đồi bị đục khoét nham nhở do khai thác đất trái phép.

Ngoài ra, do nhận thức của một số bộ phận người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiểu biết về quy định của pháp luật trong quản lý đất đai, khi có nhu cầu san gạt, cải tạo mặt bằng thì tự ý thuê, mướn phương tiện để tiến hành san gạt, cải tạo mặt bằng chứ không thực hiện các thủ tục xin cấp phép như quy định.

UBND huyện Đơn Dương nghiêm túc tiếp thu và tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra trong thời gian tới. Việc UBND xã Tu Tra, UBND xã Đạ Ròn để việc san gạt, cải tạo mặt bằng chở đất đi là không đúng quy định, UBND huyện Đơn Dương sẽ xem xét xử lý theo quy định.

Để tăng cường công tác quản lý tại địa phương, UBND huyện Đơn Dương cho biết sẽ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với địa phương để xảy ra tình trạng san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác đất đá trái phép mà không xử lý triệt để.

Mỗi khi xe chở đất đi qua làm bụi mịt mù cả tuyến đường liên xã.

Mỗi khi xe chở đất đi qua làm bụi mịt mù cả tuyến đường liên xã.

Trước đó, ngày 31/03/2023, Khoa học & Đời sống đã có bài viết Lâm Đồng: “Bát nháo” nạn khai thác đất lậu tại huyện Đơn Dương phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại xã Đạ Ròn và xã Tu Tra, huyện Đơn Dương.

Tại 2 xã này, việc san gạt, khai thác đất trái phép xảy ra rầm rộ, từng “binh đoàn” xe tải ben chở đất hoạt động như “trẩy hội”… mà không gặp bất kỳ 1 trở ngại nào từ lực lượng chức năng, cơ quan chức năng. Xe tải chở đất hoạt động liên tục trên các tuyến đường liên thôn, liên xã làm hư hỏng đường xá, bụi bặm, nguy cơ về tai nạn giao thông cho các cháu nhỏ đi học.

Sau khi ghi nhận tình hình thực tế, PV phản ánh sự việc đến Trưởng phòng Tài Nguyên & Môi Trường huyện Đơn Dương, vị lãnh đạo này nói sẽ cho kiểm tra và xử lý./.

Phúc Nguyên - Hoàng Hải

BẢN DESKTOP