Ngân hàng

Lãi suất “hạ nhiệt”, doanh nghiệp thêm cơ hội tiếp cận vốn

  • Tác giả : Ngọc Hà
Biện pháp hạ lãi suất điều hành nhằm giúp các ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đà phục hồi của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước ngày 23/5 đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm các mức lãi suất điều hành, bao gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng. Riêng lãi suất tái chiết khấu vẫn giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.

Lãi suất huy động 12 tháng đang có xu hướng đảo chiều, giúp giảm áp lực cho người vay vốn. Ảnh: BVSC

Lãi suất huy động 12 tháng đang có xu hướng đảo chiều, giúp giảm áp lực cho người vay vốn. Ảnh: BVSC

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng giảm 0,5 điểm phần trăm

Cũng trong ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước còn ra quyết định số 951/2023 về việc giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng.

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã giảm 0,5 điểm phần trăm, xuống còn 5%/năm. Tương tự, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6%/năm, xuống còn 5,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định, dự trên cơ sở cung - cầu vốn của thị trường.

Kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 3 (2 lần trước đó là ngày 15/3 và ngày 3/4), Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và cho vay, qua đó giảm chi phí vốn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành lần này hoàn toàn phù hợp với phát biểu trước đó của bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành, tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ diễn ra vào 11/ 5 vừa qua. Bên cạnh đó, việc lãi suất điều hành của Việt Nam giảm cũng phù hợp với bối cảnh các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới, trong đó có

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) giảm bớt thắt chặt tiền tệ, giảm đà tăng lãi suất, thậm chí sẽ có thể hạ lãi suất trong tương lai.

Trước đó, trong báo cáo cập nhật tình hình vĩ mô kinh tế Việt Nam công bố ngày 13/5, Ngân hàng Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản, xuống 5%/năm vào cuối quý II năm 2023. Sau đó, mức lãi suất này sẽ duy trì cho đến hết năm 2025.

Trợ lực cho doanh nghiệp trong tiến trình phục hồi

Những số liệu vĩ mô của quý I và tháng 4 cho thấy, nền kinh tế và đặc biệt là doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một trong những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải theo chia sẻ của Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đó là dòng vốn, tại phiên họp thứ 23 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào sáng 9/5.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM cho biết, từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp ngành này có biên lợi nhuận "cực kỳ thấp” dù vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân là lãi vay quá cao, chi phí đầu vào đều tăng. Với lãi suất cho vay trên 10%/năm như hiện nay, việc duy trì hoạt động cũng đã rất áp lực đối với doanh nghiệp chứ chưa nói gì đến việc kinh doanh có lãi. Vì vậy, vị này đề xuất Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ "biên độ lãi ròng" (NIM) ở mức 3%, để chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, VCBS cho rằng, cũng cần thời gian có thể là 1 đến 2 quý, tương đương 3-6 tháng để lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm theo lãi suất điều hành, giúp giảm áp lực đối với người đi vay.

“Đây là khoảng thời gian cần thiết để ngân hàng thương mại huy động được nguồn vốn theo biểu lãi suất huy động mới được điều chỉnh giảm, giúp trung hòa và kéo giảm giá vốn đầu vào”, báo cáo VCBS nhận định.

Dù có độ trễ, song việc lãi suất cho vay “hạ nhiệt” sẽ khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đà phục hồi của nền kinh tế.

Ngọc Hà

BẢN DESKTOP