Dữ liệu y khoa

Lại “nóng” đồ chơi trẻ em gây nhiễm độc chì

  • Tác giả : Thúy Nga
4.000 đồ chơi giáo dục, 10.500 bình sữa và cốc bị thu hồi mới đây do nhiễm chì quá quy định, tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa trẻ nhiễm độc chì từ đồ chơi, đồ dùng học tập, thực phẩm và những thói quen sinh hoạt…

Theo quy định, giới hạn hàm lượng chì cho phép có trong đồ chơi trẻ em là 90mg/kg và là sản phẩm bắt buộc kiểm tra chất lượng. Ở nhiều nước, việc kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em được thực hiện thường xuyên và thu hồi ngay đồ chơi vượt ngưỡng chì cho phép. Ở Việt Nam, quy định này có được kiểm soát chặt chẽ?

Càng sặc sỡ càng độc

4.000 sản phẩm đồ chơi giáo dục dành cho trẻ em bị Bộ Y tế Canada thu hồi là bộ đồ chơi Placote My First Words của công ty Les Editons Passe-Temps được bán từ tháng 3 - 9/2022. 10.500 bình sữa và cốc dành cho trẻ mới biết đi được công ty Green Sprouts (Mỹ) thu hồi được bán từ tháng 1/2020 – 9/2022 tại các cửa hàng Buy Buy Baby và Whole Foods và bán trực tuyến tại Amazon. Các sản phẩm bị thu hồi có màu hồng, xanh lá cây, xanh tím than và xanh cô ban…

Tại Việt Nam, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập rất đa dạng về mẫu mã và màu sắc bắt mắt. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Khoa học và Đời sống, các cơ quan quản lý của Việt Nam chưa có nhiều cuộc kiểm tra, khảo sát, đưa ra cảnh báo về nhóm hàng này.

Trong một khảo sát tiến hành từ năm 2019 của Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) cho thấy, 40% (6/15) mẫu sơn lấy tại các trường mầm non và hộ gia đình chứa chì vượt tiêu chuẩn an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy hại. Nồng độ chì trung bình trong các mẫu này là 541.27mg/kg (thấp nhất là 390.19 và cao nhất là 852.05). Trong đó các mẫu sơn màu nóng như đỏ, vàng có hàm lượng chì vượt cao hơn các mẫu sơn màu xanh.

37.5% (6/16) mẫu đồ chơi tại các trường mầm non có chứa chì với hàm lượng trung bình là 2207,83 ppm (thấp nhất là 193 ppm, cao nhất là 4895 ppm); trong số các mẫu có chứa chì, các mẫu đồ chơi bằng gỗ phủ sơn chiếm 4/6 mẫu, các mẫu đồ chơi nhựa 2/6 mẫu…

Đồ chơi nhập lậu bị bắt giữ.

Đồ chơi nhập lậu bị bắt giữ.

Khó nhận biết trẻ nhiễm độc chì

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, việc tiếp xúc với chì gây ra 0,6% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Thống kê của UNICEF và Pure Earth cho thấy, gần 1/3 trẻ em, tức là khoảng 800 triệu trẻ em trên toàn thế giới có mức chì trong máu bằng hoặc trên 5 microgam/deciliter (µg/dL), đây là mức độ cần phải có các hành động can thiệp. Gần một nửa số trẻ em này sống ở Nam Á.

Biểu hiện ngộ độc chì ở mức độ kín đáo rất khó nhận biết. Với khả năng nhận biết của cộng đồng và ngay cả bác sĩ khám bệnh bằng phương pháp thông thường cũng khó phát hiện ra biểu hiện nhiễm độc chì, trừ khi dùng phương pháp xét nghiệm chì trong máu. Việc thải độc chì rất khó khăn, nhiều loại thuốc đắt tiền, hiếm Việt Nam chưa có, các loại thuốc hiện nay sử dụng thải độc chậm, gây nhiều tác dụng phụ: giảm bạch cầu, tiểu cầu… nên cần bác sĩ theo dõi chặt chẽ.

Trẻ nhiễm độc chì sẽ có các dấu hiệu như hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, bị liệt… Khi trẻ có biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương (hôn mê, co giật), 25-30% số trẻ này có di chứng như chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù và liệt vĩnh viễn.

Tránh để trẻ ngậm cắn đồ chơi

TS.BS Phạm Duệ, Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết, chì là một chất cực độc đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính. Chì khó thải loại, vào cơ thể chì theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ… và gây tổn thương ở đó. Nếu không được điều trị, trẻ dễ hôn mê và tử vong.

Theo cảnh báo của TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung Tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, mối nguy hiểm tới sức khỏe trẻ em do phơi nhiễm với chì từ đồ chơi đã được nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra. Chì có trong đồ chơi trẻ em sử dụng sơn màu hoặc có trong chất liệu nhựa làm đồ chơi. Nhựa càng có màu sắc sặc sỡ thì nguy cơ chứa chì càng cao.

Chì trong nhựa và sơn không nhận biết được mắt thường vì không có mùi. Trẻ nhỏ, nhất là trẻ trong giai đoạn mầm non thường hiếu động, nhiều trẻ có thói quen ngậm, cắn đồ chơi, điều này làm gia tăng nguy cơ ngộ độc chì.

Để chẩn đoán sớm ngộ độc chì, các bậc cha mẹ không nên đợi đến khi con có biểu hiện bệnh mà phải kiểm tra tất cả các sản phẩm có trong gia đình như: Thuốc cam, các đồ chơi được phủ sơn, tường bong tróc, ắc quy, quặng chì, thiếc…

Ðể phòng chống ngộ độc chì từ các món đồ chơi cho trẻ em, phụ huynh chỉ nên mua các món đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem kiểm định chất lượng. Tốt nhất, nên hạn chế các món đồ chơi sử dụng sơn hoặc các sản phẩm nhựa màu sắc sặc sỡ. Cần dạy trẻ không được cho đồ chơi vào miệng ngậm, cắn. Nhắc trẻ rửa tay sau khi chơi đồ chơi.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP