Y học và đời sống

Lại một trường hợp thủng dạ dày vì ngậm tăm

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Dùng tăm tre để xỉa răng hay ngậm tăm sau bữa ăn và lúc ngủ là một thói quen của không ít người Việt Nam đặc biệt nguy hiểm. Chỉ cần ho hoặc hít thở mạnh thì chiếc tăm có thể rơi vào họng và trở thành dị vật đường thở, đâm thủng dạ dày, ruột...

Ông Trương Văn T. 50 tuổi (Quảng Yên, Quảng Ninh) có thói quen xỉa răng sau ăn cơm và cũng không rõ là nuốt phải tăm lúc nào. Tự dưng ông thấy đau nhói vùng thượng vị ngày càng tăng và sau 1 ngày không chịu được ngày 28/5 ông đã phải nhập viện. Nội soi phát hiện 1 chiếc tăm nhọn dài 5cm găm vào thành dạ dày và đã tạo thành ổ loét. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật nội soi để lấy chiếc tăm  ra khỏi dạ dày.

Chiếc tăm đâm vào thành dạ dày của bệnh nhân

Chiếc tăm đâm vào thành dạ dày của bệnh nhân

Lời bàn: Theo BSCKII Phạm Thị Thùy, Khoa Nội tiêu hóa bệnh viện Sản Nhi – Quảng Ninh cho biết, ngậm tăm sau bữa ăn và lúc ngủ là một thói quen của không ít người Việt Nam, đây tưởng chừng là một thói quen bình thường nhưng đặc biệt nguy hiểm. Nhất là khi ngủ, chỉ cần ho hoặc hít thở mạnh thì chiếc tăm có thể rơi vào họng và trở thành dị vật đường thở.

Rất may trong trường hợp này, chiếc tăm nằm ngay hang vị của dạ dày nên việc lấy dị vật không quá khó khăn. Trước đó Bệnh viện đã tiếp nhận và xử trí cho nhiều người bệnh vô tình nuốt phải tăm khiến thủng dạ dày, thủng ruột.                     
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không ngậm tăm khi ngủ. Nếu không may bị hóc hoặc khi có hiện tượng ho, khó thở sau hóc, sặc dị vật trong họng,  không được tự ý dùng tay móc hoặc sử dụng các phương pháp chữa mẹo (theo dân gian) mà cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và lấy dị vật tránh nguy hiểm đến tính mạng. Bởi nếu để lâu, dị vật sẽ gây thủng đường tiêu hóa, gây viêm loét, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP