Hai vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và Tập đoàn Phúc Sơn mà Bộ Công an đã khởi tố, đều có những điểm chung như doanh nghiệp dựa vào quan hệ thân quen của người có chức vụ, quyền hạn để hối lộ nhằm chi phối, lũng đoạn, gây sức ép, nhằm trúng thầu.
Một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn lợi dụng việc gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi như ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trong vụ Thuận An hay hàng loạt lãnh đạo Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi nhận hối lộ trong vụ Tập đoàn Phúc Sơn của Hậu “pháo”.
Trao đổi với Khoa học và Đời sống, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, các vụ án trên cho thấy, một số người có chức vụ, quyền hạn tham gia và coi doanh nghiệp như “sân sau” để nâng đỡ, tạo điều kiện, nhằm trục lợi.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.
Lợi dụng quyền lực để trục lợi
Hai vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và Phúc Sơn cho thấy thủ đoạn tinh vi của các doanh nghiệp khi dựa vào mối quan hệ thân quencủa người có chức vụ, quyền hạn để hối lộ, chi phối, lũng đoạn nhằm trục lợi?
Hai vụ án kinh tế, tham nhũng xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn mà Bộ Công an mới phanh phui và đang mở rộng điều tra cho thấy, những doanh nghiệp này đã hối lộ, mua chuộc, lợi dụng người có chức vụ, quyền hạn từ quan hệ quen biết, gây lũng đoạn thị trường, làm thiệt hại ngân sách Nhà nước.
Các doanh nghiệp có năng lực vừa phải nhưng trúng nhiều gói thầu trị giá hàng nghìn tỷ đồng tại địa phương khác nhau trên cả nước, trong khi nhiều doanh nghiệp lớn không nhận được dự án như thế.
Qua hai vụ án trên tiếp tục cho thấy một số cán bộ đã lợi dụng chức vụ, quyền lực để tham nhũng?
Những vụ án như Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn, trước đó là AIC, Việt Á, chuyến bay giải cứu… cho thấy, đều có liên quan cán bộ công chức, thậm chí cả cán bộ giữ chức vụ, quyền hạn, cán bộ cao cấp.
Có thể kể đến vụ Thuận An, ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Ở vụ Phúc Sơn, 6 lãnh đạo, cựu lãnh đạo Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi có hành vi Nhận hối lộ như Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan; Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa… Nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy Mang Thít, Vĩnh Long, cũng được Hậu “pháo” đưa số tiền lớn.
Theo tôi, các vụ án trên có những người có chức vụ, quyền hạn tham gia và coi một số doanh nghiệp như “sân sau” để nâng đỡ, tạo điều kiện, thậm chí ưu ái chỉ định thầu, chứ không qua đấu thầu như quy định của Luật Đấu thầu.
Theo quy định, chỉ định thầu là trường hợp đặc biệt, hội tụ đủ các yếu tố do luật quy định hoặc cấp có thẩm quyền chỉ định, chứ không phải chỉ định thầu một cách tràn lan như thế, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt và đúng tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ để rung tiếng chuông cảnh báo đối với người có ý định bao che, “đi đêm” với doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp “đi đêm” với quan chức, khi bị phanh phui sẽ bị xử lý, mang tính răn đe cao. Tôi đánh giá cao ngành công an khi triệt phá những vụ án trên.
Cần xử lý nặng để răn đe
Vì sao một số cán bộ được lựa chọn kỹ về năng lực, phẩm chất, vẫn sa ngã trước những “viên đạn bọc đường”?Người có chức vụ, quyền hạn vi phạm, cần xử nặng hơn?
Tôi cho rằng, nguyên nhân chính là đồng tiền làm lu mờ phẩm chất và sự liêm chính của một số cán bộ. Khi bị lu mờ bởi tiền bạc, lòng tham, họ sa ngã, mất đi danh dự, phẩm chất mà đáng lẽ phải giữ gìn.
Với những cán bộ cấp cao, tôi đề nghị xử lý nghiêm khắc, chứ không thể như cán bộ bình thường. Bởi, cán bộ cấp cao am hiểu pháp luật, họ cũng từng có tuyên bố, tuyên thệ mạnh mẽ trước Đảng, cử tri và nhân dân nhưng lại vi phạm, nên phải xử lý nghiêm.
Để ngăn ngừa việc đưa hối lộ, lợi dụng người có chức vụ lũng đoạn, theo ông, cần những giải pháp gì?
Để ngăn ngừa cán bộ lợi dụng quyền hạn tiếp tay cho sai phạm, tham nhũng, nhận hối lộ, tạo “sân sau” để trục lợi, giải pháp như Trưởng ban Phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương đã nói là làm sao để cán bộ không dám tham nhũng, không muốn, không thể và không cần tham nhũng. Muốn vậy, chế tài răn đe phải rất mạnh.
Thứ hai, phải xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Giao quyền lực cho cán bộ mà thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hoặc kiểm soát nhưng chưa chặt chẽ, sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng quyền lực để sai phạm.
Kiểm soát quyền lực ở đây là phải kiểm soát lẫn nhau, cấp trên kiểm soát cấp dưới, kiểm soát bằng các công cụ của Nhà nước như thanh tra, kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, thời gian qua, hiệu quả giám sát quyền lực của chúng ta chưa tốt.
Do đó, cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng quyền lực, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trên tất cả lĩnh vực, trước hết là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Nếu làm mạnh hơn, cùng chế tài xử lý mạnh hơn nữa, chúng ta sẽ đẩy lùi, ngăn chặn được. Đồng thời, cần cẩn trọng, kỹ lưỡng hơn trong công tác nhân sự.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi trên!
Nhiều cán bộ “dính chàm” vụ Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, ngày 21/4, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Trước đó, ngày 15/4, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng giám đốc, bị bắt về tội Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.
Trong khi đó, Trần Anh Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An, bị bắt về tội Đưa hối lộ. Ông Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang và cấp phó Đàm Văn Cường, bị bắt với cáo buộc Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ. Hoàng Thế Du, Trưởng phòng Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang, bị bắt do Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, ngày 23/4, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can và các quyết định tố tụng đối với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước và 5 bị can khác.
Đến nay, 23 bị can bị khởi tố, trong đó có 6 lãnh đạo, cựu lãnh đạo Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi bị khởi tố nhận hối lộ gồm: Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi và Cao Khoa, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Ngoài hai vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, thời gian qua, cơ quan chức năng điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nhiều vụ án như AIC, Việt Á, Vạn Thịnh Phát, chuyến bay giải cứu…