Giáo dục

Lá đơn vào trường chuyên đẫm nước mắt và hành trình “lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo…”

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Khi quyết định mời cô học trò vì nghèo mà từ chối học trường chuyên về nhà mình ở, cô Vũ Thị Hạnh hoàn toàn không có sự chuẩn bị trước. Hành trình “lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo” bắt đầu từ sự mách bảo của trái tim.
Em Nguyễn Thị Thu Nga (ngoài cùng bìa phải) cùng các bạn đoạt giải Olympic Sinh học Quốc tế.

Em Nguyễn Thị Thu Nga (ngoài cùng bìa phải) cùng các bạn đoạt giải Olympic Sinh học Quốc tế.

2 giờ thuyết phục học trò về trường chuyên và quyết định từ trái tim

Với thành tích đạt giải Khuyến khích kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế từ năm  học lớp 11, năm nay, em Nguyễn Thị Thu Nga, học sinh lớp 12 chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ đã được đặc cách vào vòng 2 chọn đội tuyển quốc tế.

Trong rất nhiều huy chương Vàng, Bạc… những giải cao của kỳ thi Olympic Quốc tế năm 2020, thành tích của Nga chưa phải cao, tuy nhiên, với Nga và cô giáo dạy đội tuyển Vũ Thị Hạnh, đồng thời cũng là "người mẹ thứ hai" của Nga, để có được kết quả đó là một hành trình đặc biệt.

Cô Vũ Thị Hạnh chia sẻ, việc cô trò gặp gỡ nhau là một "cơ duyên". Nếu Nga đạt giải Nhì học sinh giỏi tỉnh, không ở diện tuyển thẳng, thì sẽ không có "cơ duyên" này.

Cô Vũ Thị Hạnh chia sẻ, việc cô trò gặp gỡ nhau là một "cơ duyên". Nếu Nga đạt giải Nhì học sinh giỏi tỉnh, không ở diện tuyển thẳng, thì sẽ không có "cơ duyên" này. 

Cô giáo Vũ Thị Hạnh, Trường THPT Chuyên Hùng Vương chia sẻ “cơ duyên” của cô và Nga bắt đầu từ một “mệnh lệnh” của thầy Hiệu trưởng.

Nga là học sinh đạt giải Nhất môn Sinh học trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, thuộc diện được tuyển thẳng vào trường chuyên. Tuy nhiên, trong số những hồ sơ nhập học, thì không có hồ sơ của Nga. Lãnh đạo trường đề nghị tổ chuyên môn tìm hiểu, làm rõ lý do vì sao Nga lại không nộp hồ sơ. Nếu là vì khó khăn về hoàn cảnh gia đình, thì Trường sẽ có những hỗ trợ kịp thời để Nga theo học, có điều kiện phát triển tối đa năng lực của mình.

“Hoàn cảnh của Nga rất khó khăn, bố mất sớm, bốn mẹ con chật vật sống dưới sự giúp đỡ của một người bác. Nga muốn chọn học trường gần nhà để phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên, hoàn cảnh kinh tế cũng chỉ là một phần, còn một “lý do riêng” nữa, mà Nga chỉ chia sẻ duy nhất với tôi. Lúc đó, tôi phải giở hết các “võ”, thậm chí, phải lấy chính cuộc đời của mình, của nhiều bạn bè mình ra để làm “dẫn chứng” thuyết phục Nga. Nga đã khóc rất nhiều, và sau 2 tiếng đồng hồ thuyết phục, em đã đồng ý đi học trường chuyên với lá đơn để nộp hồ sơ đẫm nước mắt. Sau này, Nga có nói với tôi, nếu hôm đó không phải là tôi, mà là một người khác, thì chắc chắn Nga sẽ không bao giờ bị thuyết phục”, cô Hạnh chia sẻ.

Cũng ngay tại buổi gặp gỡ đó, cô Hạnh đã mời Nga về ở cùng mình. Quyết định đó, cô Hạnh cho biết không hề có sự chuẩn bị trước. Khi đến gặp Nga, cô còn chưa chắc Nga có đồng ý hay không. Không hiểu sao khi nói chuyện với Nga, trái tim cô đã “mách bảo” cô nên làm như vậy. Nếu Nga ở trong ký túc xá, Nga vẫn phải chi phí tiền ăn, ở, nhưng về với cô, Nga sẽ không còn phải lo điều đó nữa. Và cô đã làm theo cảm nhận của trái tim.

 “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo”…

"Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền...".

"Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền...".

Sau khi Nga đồng ý về trường chuyên học, ngay những “thử thách” đầu tiên, cô Hạnh đã nhận ra ở Nga có những tố chất của một học sinh giỏi.

Tháng 7/2018, cô Hạnh gọi Nga lên học trường hè – khóa học dành cho những học sinh ở các tỉnh muốn rèn luyện để thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Là một học sinh vừa mới tốt nghiệp THCS, nhưng sự tự tin, “chững chạc” về kiến thức cũng như phong thái của Nga khiến cô Hạnh ngạc nhiên. Học cùng với những anh chị chuẩn bị bước vào lớp 12, Nga nắm bắt kiến thức rất nhanh, đuổi kịp được các anh chị. Cô Hạnh giao tài liệu, yêu cầu đọc và viết “thu hoạch” để thử khả năng, Nga đã thể hiện là người có tư duy, và khả năng suy luận tốt.

Em Nguyễn Thị Thu Nga (năm lớp 10) nhận phần thưởng dành cho học sinh giỏi.

Em Nguyễn Thị Thu Nga (năm lớp 10) nhận phần thưởng dành cho học sinh giỏi.

Sau 14 ngày học tại trường hè, cô Hạnh đón Nga về nhà và bắt đầu quá trình bồi dưỡng dành cho một học sinh có khả năng vượt trội. Nga được cô Hạnh giao tiếp cận luôn với đề thi quốc tế, khó chỗ nào, có cô bên cạnh cùng giải quyết luôn.

Và đánh giá năng lực của cô Hạnh đối với Nga đã “không nhầm”. Trong đợt thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc gia môn Sinh năm học 2018 - 2019 của Phú Thọ chỉ nửa tháng sau đó, Nga đã đạt số điểm cao nhất, dù mới chỉ là học sinh lớp 10 và cũng là học sinh lớp 10 duy nhất trong đội tuyển.

Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia Sinh học quốc gia năm đó, Nga đã đoạt giải Nhì, và được chọn vòng 2 đội tuyển đi thi quốc tế. Năm lớp 11, Nga tiếp tục giành giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, đi thi Olympic quốc tế giành được bằng khen tương đương giải Khuyến khích. Nga được nhận tuyển thẳng vào Trường Đại học Y Hà Nội từ năm lớp 10 và được bảo lưu kết quả này cho đến khi em học xong THPT. Năm nay, Nga được chọn đặc cách vòng 2 chọn đội tuyển Olympic Quốc tế.

Nga đại diện cho học sinh ở Phú Thọ tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 2020.

Nga đại diện cho học sinh ở Phú Thọ tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 2020.

Cô Hạnh chia sẻ, có được một tài năng giống như có được một hạt giống tốt. Nhưng hạt giống có nảy mầm và phát triển tốt hay không, còn cần một mảnh đất tốt, môi trường tốt. Trường chuyên cho em Nga những điều kiện để em có thể phát triển tốt nhất năng khiếu của mình. Nhiều ý kiến cho rằng, những học sinh luyện thi đội tuyển là "gà nòi" hay bị nhiễm "bệnh thành tích", theo cô không đúng. Bởi, trong một môi trường được gièn giũa và có áp lực nhất định, học sinh sẽ bật lên được những khả năng vượt trội của mình. Và thực tế, theo dõi nhiều năm qua, những học sinh xuất phát từ đội tuyển học sinh giỏi mà cô dạy dỗ giờ đều là những người rất thành đạt, có ích cho xã hội.

Phát hiện, nỗ lực tìm mọi cách để “hạt giống tốt” phát triển một cách tốt nhất, thế nhưng khi hỏi về kỳ vọng đối với Nga, cô Hạnh chia sẻ, cô hầu như không có kỳ vọng gì. Cô đối với Nga giống như người mẹ nuôi những đứa con của mình, nuôi qua ngày qua tháng, tạo điều kiện tốt nhất để con lớn lên, trưởng thành, khi con đạt được thành tích, đó là điều rất vui, nhưng đó không phải là mục tiêu lớn nhất.

Mà mục tiêu lớn nhất, đó là con được vui, được hạnh phúc. Khi mới về ở với cô, Nga xanh xao, sức khỏe không tốt. Lúc bấy giờ, cô lúc nào cũng canh cánh nỗi lo, làm sao để cho Nga được khỏe lên, dù Nga say mê học tập, nhưng vẫn phải đảm bảo sức khỏe. Cô cũng chú ý dạy Nga về cách ứng xử, phép tắc, như với một cô con gái. Nhưng đều qua những câu chuyện tâm sự hằng ngày, chứ không phải những lời "rao giảng" hay quy tắc cứng nhắc.

Cô trò nhận bằng khen của Sở GD&ĐT trong buổi gặp mặt giáo viên bồi dưỡng và học sinh đoạt giải Olympic Sinh học quốc tế năm 2020.

Cô trò nhận bằng khen của Sở GD&ĐT trong buổi gặp mặt giáo viên bồi dưỡng và học sinh đoạt giải Olympic Sinh học quốc tế năm 2020.

Chồng cô Hạnh mất sớm, một mình cô nuôi hai đứa con đã vất vả, giờ lại thêm Nga, cô Hạnh phải gắng sức nhiều để có thể đảm đương, chu toàn được cả công việc bận rộn ở trường, và vai trò một người mẹ ở nhà. 

“Mọi người cứ hay đùa tôi, vậy lúc ở nhà Nga gọi tôi thế nào. Tôi bảo: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo”, mọi người cười xòa. Với tôi, lời hát đó rất đúng. Nga không gọi tôi là mẹ, nhưng tôi coi Nga như đứa con trong nhà, thậm chí có lúc còn chăm Nga hơn cả con đẻ. Nhiều người hỏi tôi lý do, sao tôi lại làm được như thế, có phải tôi quá tâm huyết với nghề, tôi thấy tôi chỉ đang làm đúng trách nhiệm của một giáo viên”, cô Hạnh chia sẻ.

Và điều hạnh phúc nhất đối với cô Hạnh, là đến giờ, Nga cũng là một cô bé biết “cho đi” chứ không phải chỉ biết “nhận lại”. Vừa mới hôm trước, Nga đưa cô Hạnh 1 triệu đồng từ phần thưởng học sinh giỏi, nhờ cô Hạnh chuyển mua áo ấm cho các em vùng cao. Nga cũng ngỏ ý muốn tham gia chuyến đi thiện nguyện.

Với cô Hạnh, tài phải đi đôi với đức. Và đức còn quan trọng hơn cả tài. Đó cũng là điều cô luôn chú ý dạy, rèn giũa các con cũng như học trò của mình. Cô mong ước sau này, Nga sẽ là một bác sĩ có trái tim, tấm lòng nhân hậu, biết làm việc thiện và biết hướng về nguồn cội.

Nga mơ ước sau này là một bác sĩ giỏi, và trở về giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giống như mình đã được giúp đỡ bây giờ.

Nga mơ ước sau này là một bác sĩ giỏi, và trở về giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giống như mình đã được giúp đỡ bây giờ.

Em Nguyễn Thị Thu Nga chia sẻ, điều em thích nhất khi học dưới mái Trường THPT Chuyên Hùng Vương, là các thầy cô giáo rất quan tâm và tình cảm với học sinh. Các thầy cô không chỉ dạy các trò về kiến thức mà còn cả về lối sống, cách ứng xử...

Đối với Nga, cô Hạnh tựa như người mẹ thứ hai. “Cô rất tâm lý, có lẽ do cuộc sống của cô cũng trải qua nhiều sóng gió, nên cô rất hiểu em. Hằng ngày, cô quan tâm tới em như một người mẹ, như nhắc em mặc đủ ấm, ăn thứ này, thứ kia cho đủ chất… Em thật may mắn vì đã có quyết định đúng khi về trường chuyên, và trở thành học trò của cô”, Nga chia sẻ.

Nga rất muốn học Đại học Y vì sẽ giúp chữa bệnh được cho rất nhiều người, trong đó có những người thân trong gia đình, và cả cô giáo của mình. Em mơ ước sẽ trở thành một bác sĩ giỏi, và sẽ quay lại trường chuyên Hùng Vương để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, giống như mình đã được các thầy cô giúp đỡ bây giờ.

Mai Loan

BẢN DESKTOP