Giải pháp

Kỳ vọng xử lý rác của Hà Nội sau 2021

  • Tác giả : Quốc Trọng
(khoahocdoisong.vn) - Hà Nội kỳ vọng đến năm 2021, áp lực rác thải lên khu xử lý rác Nam Sơn và Sóc Sơn sẽ được giảm tải nhờ các nhà máy điện rác đi vào hoạt động và những chương trình giảm thải rác tái chế ra môi trường được nhân rộng.

Nhân rộng hạn chế xả thải rác tái chế

Hà Nội đang trong tình trạng quá tải rác thải, 2 khu xử lý rác Nam Sơn và Xuân Sơn đang hết chỗ chứa. 

Trước thực trạng đó, UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đang nỗ lực giảm thiểu xả thải rác ra môi trường như chuyển từ sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần sang thủy tinh. Nhiều doanh nghiệp cũng có những hành động góp sức ngăn chặn rác thải nhựa.

Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza đã sử dụng túi giấy thay túi nilon, dùng ống hút và cốc giấy thay ống hút và cốc nhựa... Hệ thống siêu thị Hapromart của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội không bán, sử dụng các găng tay nilon dùng một lần, túi rác không tái chế tiêu hủy được…

Các tiểu thương chợ Đồng Xuân đã hạn chế phát sinh lượng lớn túi nilon bằng những sáng kiến như sử dụng túi giấy đựng đồ lưu niệm, hoa quả sấy khô; đóng nhiều mặt hàng trong một túi nilon thay vì mỗi thứ một túi như trước...

Tại quận Hà Đông, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận và cơ sở đã tổ chức nhiều đợt phát động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, tặng 5.000 túi thân thiện với môi trường, 580 hộp đựng thức ăn, 22.000 chai thủy tinh cho cán bộ, hội viên phụ nữ…

Mô hình đổi rác lấy quà cua Urenco.

Mô hình đổi rác lấy quà cua Urenco.

Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) triển khai chương trình đổi rác thải tái chế lấy quà tặng tại 4 quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình váo sáng thứ bảy hằng tuần (từ 8h đến 11h). Trong 1 tháng triển khai vừa qua đã thu gom được hơn 2,3 tấn rác tái chế.

Cùng với chương trình sữa học đường, Sở TN&MT Hà Nội đang phối hợp với Sở GD&ĐT và một số doanh nghiệp triển khai thực hiện chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn. Trong năm học 2019 - 2020, đã thu gom được hơn 244 tấn vỏ hộp sữa (25 triệu vỏ hộp).

Những nỗ lực trên, đều giúp giảm tải cho các bãi rác Nam Sơn, Xuân Sơn. Nhưng so với lượng rác thải 7.000 tấn/ngày của Hà Nội, nỗ lực của các đơn vị trên mới chỉ giải tải được một phần rất nhỏ cho các bãi rác này.

Và những nhà máy điện rác

Song song với đẩy mạnh giảm thiểu rác tái chế, TP Hà Nội đã kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại để có thể giảm rác chôn lấp.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chỉ có dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn đang trong quá trình xây dựng và có hứa hẹn sẽ hoạt động tốt. Các dự án còn lại đều chưa được khởi công.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn do Công ty CP Năng lượng Thiên Ý Hà Nội làm chủ đầu tư, cam kết sẽ hoàn thành dự án đúng tiến độ. Tháng 12 tới, dự kiến, nhà máy sẽ tiếp nhận rác và vận hành thử nghiệm. Thời gian vận hành thử nghiệm phụ thuộc vào máy móc, thiết bị và công tác xác nhận, đo kiểm về xây dựng, môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng.

Đáng chú ý, chất thải rắn sinh hoạt được đưa vào đốt tại nhà máy không cần phải phân loại. Đây là điểm mạnh của dự án này so với các dự án lò đốt khác khi không yêu cầu rác có nhiệt trị cao hay việc phân loại rác cụ thể.

Công ty CP Năng lượng Thiên Ý Hà Nội gồm liên danh 3 nhà đầu tư: Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Sóc Sơn (6%); Công ty Perfect Wave Holdings Limited (0,1%) và Công ty Europe Tianying BVBA (93,9%, Công ty BVBA được thành lập bởi tập đoàn Urbaser). Trong đó, Urbaser là một tập đoàn thuộc sở hữu của FIRION INVESTMENT chuyên về dịch vụ quản lý chất thải và môi trường.

Tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đầu tư hai dự án gồm: Dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn, công suất 1.000 tấn/ngày, phát điện 15,5MW và Dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng, công suất 500 tấn/ngày, phát điện 12MW. Tuy nhiên, hai dự án này đều chưa được khởi công.

Phối cảnh dự án nhà máy điện rác Nam Sơn.

Phối cảnh dự án nhà máy điện rác Nam Sơn.

Trong khi đó, một trong hai nhà máy xử lý chất thải tại khu xử lý này đã đi vào hoạt động là Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn, công suất 700 tấn/ngày đang tạm dừng hoạt động để nâng cấp, cải tạo. Dự kiến, quá trình nâng cấp, cải tạo diễn ra trong vòng 36 đến 48 tháng.

Hiện tại và trong thời gian tới, khoảng 1.200 – 1.300 tấn rác thải được chuyển về khu xử lý này sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt không phát điện tại Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây, với công suất 200 tấn/ngày. Lượng rác thải còn lại khoảng hơn 1.000 tấn sẽ tiếp tục được chôn lấp dù khu xử lý này đang bị quá tải.

Như vậy, từ năm 2021, nếu dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn đúng tiến độ, trong số khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt của Hà Nội, tối đa 4.000 tấn rác sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện. Lượng rác thải còn lại, khoảng 3.000 tấn sẽ tiếp tục được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại các ô chôn lấp ở Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, cho đến khi có các dự án xử lý rác thải sử dụng công nghệ mới thay thế.

Quốc Trọng

BẢN DESKTOP