Y học và đời sống

Ký sinh trùng ăn giác mạc

Ký sinh trùng ăn giác mạc rất nguy hiểm. Ký sinh trùng Acanthamoeba là kẻ thù tiềm ẩn đối với người sử dụng kính áp tròng. Nếu mắt kính nhiễm ký sinh trùng được đặt vào mắt,  Acanthamoeba sẽ ăn mòn giác mạc, lớp ngoài cùng của nhãn cầu và sinh sôi, nảy nở.

Ảnh minh họa.

Hỏi: Tôi bị cận, thỉnh thoảng có sử dụng kính áp tròng. Vừa rồi tôi thấy nói có bệnh nhân đeo kính áp tròng mà bị ký sinh trùng ăn giác mạc, có nguy cơ mù. Xin bác sĩ cho biết, có phải loại ký sinh trùng này rất thích ăn kính áp tròng và gây mù cho mắt không? Tôi có nên sử dụng kính áp tròng nữa hay không?

Thanh Hương (Cần Thơ)

Ths.BS. Bùi Cẩm Hương, BV Mắt Sài Gòn trả lời: Kính áp tròng đang được nhiều bạn trẻ sử dụng vì thời trang, không vướng víu. Khi đeo kính áp tròng cần tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất như đeo ban ngày, ban đêm bỏ ra để cho mắt được “hít thở”.

Trước khi đeo kính phải vệ sinh tay sạch sẽ, kính đeo phải được rửa bằng dung dịch đi kèm. Có kính dùng 1 lần, có kính dùng đi dùng lại nhiều lần. Trong quá trình bảo quản phải ngâm vào dung dịch. Khi đeo có bất thường, thấy cộm ngứa, có tổn thương phải điều trị ngay.

Ký sinh trùng Acanthamoeba là kẻ thù tiềm ẩn đối với người sử dụng kính áp tròng. Loại ký sinh trùng đơn bào bé nhỏ này thường được tìm thấy trong nước máy, bụi và nước bể bơi. Ký sinh trùng này phát triển rất tốt trong những mắt kính nhiễm bẩn.

Nếu mắt kính nhiễm ký sinh trùng được đặt vào mắt,  Acanthamoeba sẽ ăn mòn giác mạc, lớp ngoài cùng của nhãn cầu và sinh sôi, nảy nở. Hậu quả là người bệnh thấy cộm, ngứa, loét giác mạc. Cần nhớ rằng, nguy cơ nhiễm ký sinh trùng này ở người đeo kính áp tròng cao gấp nhiều lần so với những người không đeo loại kính này. Vì vậy, khi đã đeo kính áp tròng phải tuân thủ nguyên tắc vệ sinh tuyệt đối.

Khánh Thủy (ghi)

BẢN DESKTOP