Dọc đường

Kỳ 7: Nơi Thái sư tu Phật

Trong chuyến đi điền dã nghiên cứu vùng đất phía Bắc huyện Ân Thi và phía Nam huyện Yên Mỹ của tỉnh Hưng Yên, các nhà khoa học đặc biệt chú ý khi nơi đây có đến 4 làng thờ Thái sư Trần Thủ Độ làm thần Thành hoàng.

“Một vấn đề được đặt ra cần làm sáng tỏ thuộc về tiểu sử và hành trạng của Thái sư Trần Thủ Độ là ông có từng đi tu hay không? Nếu có thì ông tu ở chùa nào?”, PGS.TS Nguyễn Minh Tường – Viện Sử học đặt câu hỏi.

Bốn làng cổ

Theo tư liệu mà chúng tôi có được, bốn làng ở Hưng Yên thờ Thái sư Trần Thủ Độ và coi ông như Thành hoàng làng chính là Hoan Ái, Dã Cầu, Vân Mạc và Du Mỹ.

Đình Cù Tu, nơi lưu giữ Văn tế Trần Thủ Độ.

Đây là bốn làng cổ thuộc đất Phố Hiến xưa. Làng Hoan Ái và Dã Cầu thuộc tổng Thượng Cổ Việt; làng Du Mỹ và Vân Mạc (tên cũ là Vân Mộ) thuộc tổng Hạ Cổ Việt. Cả bốn làng này đều nằm trong huyện Thiên Thi, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng.

Hiện tại, Hoan Ái và Dã Cầu thuộc xã Tân Việt (Yên Mỹ); làng Vân Mạc và Du Mỹ thuộc xã Vân Du (Ân Thi).

Tư liệu mà Viện Viễn Đông Bác Cổ để lại từ năm 1938 khi yêu các các chức dịch địa phương kê khai hiện vẫn còn lại hai bản “Thần tích – Thần sắc”, do các lý trưởng của 4 làng cung cấp.

Cả hai bản tư liệu cổ nói trên đều cho biết: “Trần Thủ Độ là Hoàng thúc của vua Trần Thái Tông. Ngài làm đến chức Tể phụ Thái sư, tước Nhân Huệ hầu. Sau ngài xuất gia đi tu, được phong là Nhân Huệ Hòa thượng”.

PSG.TS Nguyễn Minh Tường cho rằng, bỏ qua những câu chữ nhầm lẫn, sai xót thường thấy ở các bản Thần tích, điều chúng ta cần quan tâm là việc Thái sư Trần Thủ Độ xuất gia đi tu. Điều này, chính sử chưa hề nhắc tới.

Tư liệu Lê Quý Đôn

Tuy chính sử không nhắc đến việc Thái sư Trần Thủ Độ tu Phật, nhưng cách đây hơn hai thế kỷ, nhà bác học Lê Quý Đôn khi biên soạn bộ “Kiến văn tiểu lục” đã phần nào nói việc Trần Thủ Độ đi tu những năm cuối đời.

Chùa Cù Tu, tên chữ là Cảm Hóa tự.

Lê Quý Đôn viết: “Trần Thủ Độ sau khi chết, chôn ở địa phận xã Phù Ngự, huyện Ngự Thiên (nay thuộc thôn Ngự, xã Liên Hiệp, Hưng Hà – Thái Bình), nơi để mả có hổ đá, chim đá và bình phong bằng đá, chỗ ấy đất rộng đến 2 mẫu cây cối um tùm… Trong địa phận mộ có miếu thờ… Sau đó, thần thường phụ đồng vào người trong thôn nói rằng: “Ta đã tu hành rồi, dân nên làm cỗ chay, thờ cúng phụ vào nhà chùa, đừng có lập miếu tế bái, làm hại nhiều đến mạng súc vật”.

Dựa vào các tư liệu cổ cùng những câu chuyện dân gian, nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra ngôi chùa mà Trần Thủ Độ từng tu hành vào mấy năm cuối đời. Đó là chùa Cù Tu, tên chữ là Cảm Hóa tự. Chùa tọa lạc trên đất xã Xuân Trúc (Ân Thi).

Chùa Cù Tu có kiến trúc khá đơn giản, bên cạnh chùa có một ngôi miếu nhỏ thờ Thái sư Trần Thủ Độ. Tượng Phật được bố trí như các ngôi chùa khác. Chùa còn đôi câu đối, không nói về Phật mà ca ngợi Trần Thủ Độ.

“Tạo Đông A sổ bách tải, dư đồ Nam thiên hiển thánh/Lưu Cổ Việt, ức vạn niên, phúc quả Tây Trúc hy thần”. Tạm dịch: Dựng nên triều Trần vài trăm năm, trong cõi trời Nam hiển thánh/Còn ở Cổ Việt, truyền mãi mãi, hướng về Tây Trúc hóa thân.

Tượng Thái sư Trần Thủ Độ ở chùa Hồng Ân (Bắc Ninh).

Cụ Bùi Đắc Ích, một người thạo Nho học và chuyện cổ ở xã Xuân Trúc cho biết, tương truyền khoảng dăm năm cuối đời, Thái sư Trần Thủ Độ về sống tại làng Hoan Ái. Vì thế, Hoan Ái trở thành trung tâm của việc thờ phụng Thái sư. Bởi vậy, người địa phương còn câu: Rét tứ thôn Hoan Ái/Chết hoa cái Cảnh Lâm.

Các cao niên ở đây cho biết: Thái sư Trần Thủ Độ về Hoan Ái vẫn còn ăn mặn, sau sang làng Tráng (Dã Cầu) rồi về Vân Mạc (Cù Tu) mới ăn chay. Hiện, vẫn còn di tích “cây đa Trần Thủ Độ” ở đầu làng Yên Đô, vì xưa kia Thái sư cắt tóc tại làng này trước khi sang Vân Mạc.

Vì sao Thái sư đi tu?

Câu hỏi đó khiến nhiều nhà khoa học đau đầu. Kể từ khi Trái sư Trần Thủ Độ  hưu trí, tự nguyện về Hoan Ái khẩn hoang vùng đất này gắn với câu chuyện “ném kiếm”, thì việc Thái sư đi tu ở chùa Cù Tu có thể diễn ra vào khoảng năm 1260 đến 1264.

PGS.TS Nguyễn Minh Tường cho rằng, có 3 lý do để Thái sư Trần Thủ Độ rời khỏi kinh thành. Thứ nhất, vị vua trẻ tuổi Trần Thánh Tông từng bước muốn tự mình cầm quyền, không cần tới vai trò của Trần Thủ Độ nữa. Điều này, thể hiện hàng loạt việc bổ nhiệm các chức vụ.

Làng Cù Tu ngày nay.

Thứ hai, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, phu nhân Trần Thủ Độ qua đời năm Kỷ Sửu (1259), gây cho ông cảm giác cô đơn vào cuối đời. Điều ấy có thể khiến Thái sư muốn quy y đạo Phật, tìm cảm giác yên tĩnh trong tâm hồn.

Thứ ba, là lý do không kém phần quan trọng trong dòng máu các vị hoàng đế, hoàng thân, vương hầu. Dòng họ Trần ẩn chứa một tấm lòng của Phật. Mặc dù tại chức nhưng tâm hồn thanh thản như thể đương tu. Còn lúc tu thì tấm lòng lại hướng về trần thế.

Cụ Bùi Đắc Ích còn giữ tập “Văn tế Trần Thủ Độ và liệt vị đại vương” bằng chữ Hán. Theo cụ Ích, văn tế có từ lâu đời, trước lưu giữ ở chùa Cù Tu và đình làng Xuân Trúc. Nay, vì không còn người biết chữ Hán nên cụ đề nghị chính quyền địa phương cho cụ đem về bảo quản.

Tập văn tế nói trên viết trên giấy dó khổ 27cm x 16cm. Trên mỗi trang giấy, có 8 hàng chữ Hán, chữ viết chân phương dễ đọc. Tại trang đầu và trang thứ 2, cho biết ngoài Trần Thủ Độ, ở đây còn phụng thờ 10 vị đại vương khác.

Đình Hoan Ái, nơi Trần Thủ Độ làm Thành Hoàng làng.

“Việc Thái sư Trần Thủ Độ cuối đời đi tu còn được phản ánh trong các hiện tượng như một vài chùa đưa tượng và bài vị Thái sư thờ ngay trong Phật điện. Việc các ngôi chùa vốn thờ Phật mà lại thờ cả Thái sư Trần Thủ Độ nói nên rằng: Ông từng có thời gian tu hành và có công lao với Phật giáo”, PGS.TS Nguyễn Minh Tường nhận định.

Như vậy, dù chính sử không nói gì đến việc một Thái sư đầu triều quy y cửa Phật, nhưng những tìm hiểu và cứ liệu thực tế trên đây cùng những câu chuyện dân gian phần nào làm minh tỏ một chi tiết quan trọng trong cuộc đời của Thái sư.

Có thể rồi đây, lịch sử sẽ phải viết lại về trường hợp “phức tạp” Trần Thủ Độ, thì những tư liệu ở làng Hoan Ái, chùa Cù Tu… sẽ giúp chúng ta vỡ vạc được thêm nhiều điều quý báu, ngõ hầu những công lao của người anh hùng Trần Thủ Độ đối với chiến thắng Đông Bộ Đầu nói riêng, chiến thắng của cả dân tộc nói chung sẽ thêm hừng đông tỏa sáng.

 Bằng hành động xuống tóc đi tu, Thái sư Trần Thủ Độ góp phần tạo nên một truyền thống tốt đẹp cho các vua quan nhà Trần sau này: Kết hợp nhuần nhuyễn việc Đời với việc Đạo. Để rồi dựa vững chắc vào tinh thần bác ái mà trị quốc.

PGS.TS Nguyễn Minh Tường.

(Còn nữa)

Trần Hòa

BẢN DESKTOP