Dọc đường

Kỳ 5: Bí quyết trường thọ cụ bà 95 tuổi xứ Thanh

sống trên đời 95 năm, bước qua hai thế kỷ nhưng cụ Phạm Thị Ương bản Buốc xã Lâm Phú (Lang Chánh – Thanh Hóa) vẫn rất khoẻ mạnh và minh mẫn.

Cụ cho hay, để có được sức khoẻ như vậy thật sự không phải dễ. Đó là nhờ chế độ ăn uống điều độ, làm việc rèn luyện sức khoẻ điều đặn. Đặc biệt, cuộc sống cụ nghèo nhưng trong lòng cụ luôn thoải mái, không lo lắng về vật chất.

Trồng rau, nuôi cá ăn hằng ngày

Theo chia sẻ của gia đình, cụ là người sống rất nề nếp, làm việc gì cũng chu tất. Dù cao tuổi nhưng sức khoẻ cụ vẫn rất dẻo dai.  Sống gần một thế kỷ nhưng số lần đi bệnh viện chỉ tính trên đầu ngón tay. Dù gia đình cụ không giàu có gì, nhưng con cháu tự hào vì có cụ cao tuổi nhất bản, là chỗ dựa tinh thần cho con cháu. Cụ không chỉ tự chăm sóc phục vụ bản thân mà còn giúp đỡ con cháu làm việc đơn giản. Có lúc cụ quét nhà hay giúp đỡ con cháu nấu ăn. Các con cháu hết mực quý mến, trân trọng đức tính của cụ.

Kỳ 5: Bí quyết trường thọ cụ bà 95 tuổi xứ Thanh ảnh 1
Dù tuổi 95, nhưng cụ Ương vẫn có thể giúp con cháu làm việc nhà.

Sống được đến tuổi này đã khó, khỏe mạnh, minh mẫn như cụ thật hiếm có. Đã không hiếm người trong vùng tò mò đến trò chuyện học hỏi bí quyết sống lâu, sống khỏe cuả cụ. Bà Hà Thị Nơi( 50 tuổi) là con dâu cũng là người thường xuyên bên cụ chia sẻ: “Cụ khỏe mạnh, minh mẫn đến lạ thường.

Có được sức khoẻ như vậy một phần nhờ chế độ ăn uống của cụ rất khoa học. Mấy chục năm qua thức ăn trong bữa cơm là do nhà tự sản tự tiêu. Rau trồng ngoài vườn và tôm cá ngoài  đồng ruộng là những thức ăn sạch hoàn toàn không sợ hoá chất độc hại.

Thêm vào đó sức đề kháng, sức chịu đựng của người sống vùng núi khiến cụ chống lại bệnh tật. Không khí trong lành yên tĩnh nơi đây cũng là yếu tố giúp cụ có sức khoẻ tốt. Mọi người trong bản sống với nhau rất tình cảm luôn quan tâm đến nhau”.

Ông Phạm Văn Quyên, Trưởng bản Buốc cho biết: Gia đình nhà cụ Ương trước đây nghèo khó, thiếu thốn. Có thời gian cơm gạo không có mà ăn. Tuy nhiên, điều mà mọi người rất quý trọng bởi cụ sống rất tình cảm, chan hoà với mọi người trong vùng. Dù bước sang tuổi 95, cụ vẫn rất khoẻ và minh mẫn. Nhiều lúc khoẻ cụ còn giúp đỡ con cháu việc nhà.

Rèn luyện sức khoẻ bằng lao động

Cụ Ương cũng cho hay, tuy không tập thể dục hay chơi các môn thể thao. Nhưng khi còn trẻ cụ hay lam hay làm, chính vì vậy mà sức khỏe cụ được nâng lên. Đó cũng chính là cách luyện tập sức khỏe tốt và  hiệu quả nhất để giữ được sức khỏe như hôm nay. Bà Nơi nhớ lại: ” Ngày xưa cụ là một người phụ nữ tần tảo, luôn lo lắng chu toàn việc nhà  và đồng áng.

Một mình cụ cày cấy vài thửa ruộng.  Ruộng mỗi năm hai vụ. Sau vụ lúa cụ  lại ra sông suối bắt tôm bắt cá về làm thức ăn hằng ngày. Cuộc sống cụ khi đó rất gần gũi với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để sống. Ngày đó đời sống cụ gặp nhiều thiếu thốn.

Có hôm cơm gạo hết cụ phải vào rừng đào củ sắn, củ mài về ăn. Tuy vậy, nhưng khi ra đồng áng làm việc thì những người phụ nữ cùng tuổi trong bản phải cố gắng hết sức mới  có thể bắt nhịp với cụ.” Cụ kể, ngày đó cụ được liệt vào dạng nổi tiếng trong vùng về sức khoẻ tốt.

Nhiều đàn ông, thanh niên khi nhìn thấy cụ gánh lượng lúa 50-70 kg trên vai cũng phải trầm trồ khen ngợi. Theo cụ có được sức khoẻ tốt như hiện nay nhờ cụ rèn luyện qua lao động hằng ngày.

95 tuổi vẫn giúp đỡ con cháu

 Dù bước qua sang tuổi 95, nhưng cụ Ương vẫn rất khoẻ và minh mẫn. Theo quan sát của  chúng tôi thì hằng ngày cụ vẫn có thể tự ăn cơm, uống nước, tắm rửa sinh hoạt bình thường.  Có hôm con  cháu đi làm đồng áng đến bữa chưa về lo cơm nước. Cụ chống gậy xuống nhà vo gạo, nhóm bếp nấu cơm.

Kỳ 5: Bí quyết trường thọ cụ bà 95 tuổi xứ Thanh ảnh 2
Sống qua hai thế kỷ, nhưng số lần cụ ốm đi bệnh viện chỉ tính trên đầu ngón tay.

Điều đặc biệt cụ ăn uống rất đầy đủ và đúng bữa. Mỗi bữa cụ chỉ ăn hai nửa bát cơm.  Cụ thích ăn nhiều rau và cá.

Do đã tuổi cao thỉnh thoảng  trái gió trở trời sức khoẻ cụ cũng  không được tốt. Cơ thể  mệt mỏi cần sự  chăm sóc của con cái. Tuy nhiên, kinh nghiệm cụ là ít khi nằm một chỗ. Ban ngày cụ cố gắng chống gậy đi lại trong nhà và xung quanh nhà. Ban đêm cụ mới chịu nằm một chỗ.

Cụ Ương cho hay, cụ lấy chồng khi 18 tuổi nhưng phải 10 năm sau mới sinh con đầu lòng. Ngày đó mới lấy nhau về cụ ông đã bị bắt đi làm thuê cho địa chủ, 8 năm ròng rã cụ một mình chăm sóc bố mẹ chồng. 2 năm tiếp cụ ông đi bộ đội tham gia cách mạng.

Cụ sinh được 6 người con,  2 người đi bộ đội thì 1 người con hy sinh trên chiến trường. Cũng như bao người mẹ có con mất vì chiến tranh cụ tâm sự: “Không có nỗi đau nào hơn nỗi đau phải tiễn con mình đi trước. Dù thời gian có qua đi thì nỗi đau vẫn còn  đó. Cứ nghĩ đến con tôi lại khóc”.

Ông Nguyễn Mạnh Quân (Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên Việt Nam) cho hay, điều kiện sinh sống, ăn uống sinh hoạt khoa học giúp người già trường thọ. Đặc biệt, dù họ sinh sống trong hoàn cảnh thiếu thốn vật chất, nhưng bù lại tinh thần họ luôn thoải mái, sảng khoái. Điều đó cũng là yếu tố giúp họ có tuổi thọ cao hơn so với người khác.

Cụ Ương chia sẻ, thời gian gần đây sức khoẻ cụ kém hơn trước, nên cụ ít đi ra ngoài mà chỉ loanh quanh trong nhà. Cuộc sống cứ trôi đi như vậy nhiều lúc cụ thấy nhàm chán.  Nhưng cụ vẫn muốn cảm ơn cuộc sống đã  ưu ái cho cụ có  sức khoẻ như ngày hôm nay. Bởi những bạn bè bằng tuổi cụ hầu hết đã chầu trời từ nhiều năm trước. Giờ cụ vẫn sống trên cõi đời, hằng ngày bên con cháu còn gì hạnh phúc hơn.

Trước lúc chúng tôi ra về, cụ tâm sự, muốn sống lâu không chỉ phải giữ sức khỏe thật tốt mà còn phải giữ tâm thật thanh thản trong sạch. Cần ít suy nghĩ, lo lắng nhiều vật chật và sự ganh đua ở đời.

Đỗ Phủ một thi nhân đời Đường có câu: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” (người thọ 70 xưa nay hiếm), với cụ Ương sống đến tuổi 95 đó là nhờ có phúc lớn ở đời. “Cuộc sống này quá nhiều thứ phải lo nghĩ. Mỗi con người cần tránh suy nghĩ những điều không đáng có. Bởi nó ảnh hưởng đến tâm trạng của mỗi người. Đó cũng chính là cách giúp mọi người giữ sức khỏe, giữ tuổi thọ cho mình”, cụ Ương kể.

 Đức Trọng – Hà Phạm

BẢN DESKTOP