Dọc đường

Kỳ 4: Người chỉ huy cuộc sơ tán

Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung – vợ của Thái sư Trần Thủ Độ đã được lịch sử ghi nhận là người thiết kế, đảm đương cuộc rút lui chiến lược của toàn thể tôn thất nhà Trần ra khỏi Kinh đô Thăng Long trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất.

» Kỳ 1: Giải mật chiến thắng Đông Bộ Đầu

» Kỳ 2: Bí mật từ bia đá Hòe Nhai

» Kỳ 3: Phòng tuyến Bình Lệ Nguyên

Tiểu thư họ Trần

Sử sách ghi lại, Trần Thị Dung là con gái ông Trần Lý, em gái Trần Thừa và Trần Tự Khánh ở thôn Lưu Gia, xã Lưu Xá (Hưng Hà – Thái Bình). Cuối thời Lý, chính sự đổ nát, vua tôi quý tộc chỉ lo hưởng lạc. Các thế lực nổi dậy, nội chiến liên miên.

Các nhà khoa học trong hội thảo về chiến thắng Đông Bộ Đầu.

Thái tử Lý Hạo Sảm mới 16 tuổi phải chạy về nương nhờ họ Trần ở Hải Ấp thôn Lưu Gia do kinh thành Thăng Long liên tục bị uy hiếp. Tại đây, Thái tử trẻ đã kết duyên với tiểu thư họ Trần tài sắc, tức bà Trần Thị Dung.

Khi vua nhà Lý là Cao Tông băng hà năm 1210, Thái sử Sảm lên ngôi và sai mấy trọng thần đi thuyền rồng về quê đón bà Trần Thị Dung lên kinh đô lập làm Nguyên phi. Đến năm Bính Tý (1216), bà được phong làm Hoàng hậu.

Năm 1225 nhà Lý mất ngôi, năm sau Huệ Tông qua đời, bà bị giáng xuống làm Thiên Cực Công chúa và được gả cho Thái sư Trần Thủ Độ – người khai sáng triều Trần.

Trần Thị Dung cũng là mẹ của Công chúa Chiêu Thánh, tức Lý Chiêu Hoàng – người sau này với cuộc hôn nhân sắp đặt đã chuyển giao ngôi báu cho họ Trần để bắt đầu cho một thời đại huy hoàng.

Ba cống hiến lớn

Những đóng góp to lớn của bà cho họ Trần đã khiến sử gia Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Trời sinh ra Linh từ để mở nghiệp nhà Trần”. Bà được đánh giá với 3 cống hiến lớn: Một là góp phần lập vương triều Trần; hai là dàn xếp những mâu thuẫn nội bộ hoàng tộc; ba là sơ tán hoàng tộc ra khỏi Kinh đô Thăng Long.

Tượng Thái sư Trần Thủ Độ và Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung.

Tuy nhiên, trong bài viết này chúng tôi chỉ muốn đi sâu vào vai trò của bà Trần Thị Dung trong cuộc rút lui chiến lược của Hoàng gia trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, năm 1258.

Cuối năm 1257, quân Mông Cổ tập trung tại Bạch Hạc (Việt Trì – Phú Thọ) để tiến vào Thăng Long. Đích thân vua Trần Thái Tông và bộ tướng lĩnh chiến đấu rất dũng cảm ở Bình Lệ Nguyên. Nhưng thế giặc mạnh như nước cuốn đã khiến quân dân nhà Trần rút lui.

“TS. Trương Thị Yến, Viện Sử học cho biết: “Trước khi trận chiến xảy ra, nhà Trần đã chuẩn bị các phương án tích cực. Sau trận cản giặc tại Phù Lỗ không thành, quân nhà Trần phải rút khỏi Thăng Long. Cuộc rút lui gồm hai phần: Một là quân chủ lực bảo vệ kinh thành và quân Cấm vệ đi theo hộ giá nhà vua; hai là toàn bộ hậu cung với hoàng tộc, tướng lĩnh”.

Các nhà khoa học trong chuyến khảo sát Thang mộc ấp của Linh từ tại Yên Dũng (Bắc Giang).

Theo đánh giá của các nhà sử học, đi theo hai bộ phận này còn phải có vũ khí, kho tàng, của cải và các vật dụng quan trọng. Bộ phận thứ nhất theo vua Trần Thái Tông từ Thăng Long di chuyển theo sông Hồng về Thiên Mạc. Bộ phận thứ hai do Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung đảm nhiệm di chuyển đến vùng sông Hoàng Giang.

Sử sách không ghi rõ ngày tháng di tản. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên chỉ ghi sự kiện diễn ra khi “kinh thành thất thủ”. Tut nhiên, điều này nhiều người cho là không chính xác vì “Nguyên sử” ghi: Lúc quân Nguyên Mông vào đến Thăng Long nơi đây chỉ còn tòa thành trống rỗng.

Di tản bằng thuyền

“Chúng tôi cho rằng, có thể cuộc di tản được thực hiện từ tháng 9 đến trước tháng 12 tức là trước thời điểm diễn ra cuộc đụng độ giữa quân Mông Cổ và quân đội nhà Trần ở Phù Lỗ”, TS. Trương Thị Yến nhận định.

Dưới dãy núi Nham Biền ở Bắc Giang chính là khu vực Thang mộc ấp của Linh từ.

Câu hỏi đặt ra là bà Trần Thị Dung đã dùng phương tiện gì để di chuyển toàn bộ triều đình và bầu đoàn thê tử hoàng gia? Nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã viết “Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung khám xét các thuyền của các nhà có chứa giấu đồ quân khí, đều lấy hết đưa đến chỗ quân”. Vậy, có thể kết luận Linh từ đã dùng thuyền để di chuyển hoàng gia.

Vậy còn điểm lánh nạn mà Linh từ đưa hoàng tộc đến là đâu? Đó là vùng sông Hoàng Giang ở huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân, tiếp trên sông Thiên mạc, dưới tiếp sông Giao Thủy.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Hoàng Giang chính là khúc sông Hồng chảy qua huyện Lý Nhân (Hà Nam), phía dưới sông Thiên Mạc. Nhưng gần đây, giới sử học phát hiện trên đất Ngự Thiên – Long Hưng xưa, tại làng Ngừ còn nhiều dấu tích liên quan đến cuộc lánh nạn này.

Các dấu tích đều nằm trên đất làng Ngừ – nơi bà Trần Thị Dung sinh ra và lớn lên. “Vì thế, chúng tôi cho rằng khi được giao trọng trách thì Linh từ đã đưa tất cả về nương náu ở chốn quê hương.

Rất nhiều nơi có đền thờ Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung.

Hơn nữa, những người am hiểu chuyện xưa đều biết rằng, chính đội quân Tinh Cương của Trần Nhật Hạo bao gồm những trang binh, hương binh và nông phu địa phương được giao trách nhiệm đôn đốc dân chúng sơ tán khỏi kinh thành và giấu kỹ lương thực ở những nơi bí mật.

Một trong những nơi được coi là kho lương của nhà Trần trong thời kỳ chống quân xâm lược Nguyên Mông phải kể đến “lục khe đầu” ở vùng Lý Nhân của Hà Nam. Đó là nơi hoang vu tiếp giáp của 6 con sông lớn. Từ đây có thể ngược dòng sông Hồng đi Thăng Long hoặc xuôi dòng về Thiên Trường rồi ra biển, cũng có thể qua sông Hồng về phía đông khoảng 3 cây số là khu Tam Đường ở Hưng Hà (Thái Bình).

Sau rất nhiều hội thảo khoa học, các nhà sử học đều đồng ý công nhận Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung chính là người chỉ huy cuộc sơ tán chiến lược. Sự an toàn của hoàng tộc và đảm bảo lương thực cùng các bảo vật hoàng cung trong cuộc chiến với quân Nguyên Mông có công sức không nhỏ của Linh từ.

Khi quân Nguyên Mông ồ ạt tràn vào thành Thăng Long nhưng chỉ thấy một tòa thành hoang vắng với cảnh vườn không nhà trống, chỉ có hai tên sứ giả bị trói trong ngục thì một tên đã chết vì lả. Giặc điên cuồng tàn phá Thăng Long để trả thù, nhưng chỉ một thời gian ngắn chúng đã bị đánh bật ra khỏi kinh đô.

Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung là người giữ vai trò tổng chỉ huy cuộc sơ tán hoàng tộc ra khỏi kinh thành. Đó là cuộc rút lui chiến lược phục vụ cho chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Những đóng góp lớn ở hậu phương trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất năm 1258 có lẽ là đóng góp cuối cùng của Linh từ cho vương triều Trần và cho đất nước.

TS. Trương Thị Yến, Viện Sử học.

(Còn nữa)

Trần Hòa

BẢN DESKTOP