Dọc đường

Kỳ 2: Bí mật từ bia đá Hòe Nhai

Không ai ngờ rằng, chùa Hòe Nhai cổ kính lại lưu giữ được tấm bia đá bốn mặt do nhà khoa bảng nổi tiếng Hà Tông Mục soạn ra. Tấm bia đá này gần như là sử liệu duy nhất để xác định địa danh Đông Bộ Đầu.

Chùa cổ thời Lý

Chùa Hòe Nhai, tên chữ là Hồng Phúc tự được xây từ thời nhà Lý. Nay, chùa ấy ở phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực (Ba Đình – Hà Nội). Mấy trăm năm sau những biến thiên của lịch sử, chùa Hòe Nhai tuy không còn như thuở mới dựng. Nhưng may thay, những bia đá vừa là chứng tích vừa là nguồn sử liệu vô giá để các nhà nghiên cứu lẫn sử học giải mật về địa danh chiến thắng Đông Bộ Đầu thời nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Chùa Hòe Nhai ở Hàng Than.

“Xem lại nguồn thông tin từ chính sử, kết hợp với khảo sát thực tế trên văn bản bia chùa Hòe Nhai cho phép chúng ta khẳng định trận chiến Đông Bộ Đầu ấy chính là khu vực rất gần thành Thăng Long, có thể coi là ngoại vi thuộc kinh thành”, TS. Nguyễn Ngọc Nhuận, Viện Nghiên cứu Há Nôm khẳng định.

Cũng theo ông Nhuận, nơi mà vua Lý Cao Tông sau khi giết bề tôi là Bỉnh Di, có thể ra bến Đông Bộ Đầu rồi lại trở vào cung Vạn Diên, lập hoàng tử Thầm làm vua; nơi Trần Thái Tông dựng điện để các quan đưa đón, dâng trà và lúc vi hành còn thấy con trai mình là Vũ Uy vương đánh nhau tay không.

Đó cũng là nơi vua Trần Anh Tông ngự xem đua thuyền; nơi Dương Nhật Lễ phải mặc áo thường, nhường ngôi, xuống thuyền đón tiếp Trần Nghệ Tông. Nơi đó vua nhà Lê là Thái Tổ có thể theo cửa Nam ngoài thành Đại La để đánh thành Đông Quan…

Bia đá do Phủ doãn phủ Phụng Thiên – Hà Tông Mục soạn.

Với các sự kiện được liệt kê ra đó, thì Đông Bộ Đầu không thể là nơi quá xa cung điện của các vua. Đó là chưa kể việc năm 1285, giặc Nguyên đánh đến Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn… là phía mé Bắc bên kia cầu Long Biên rồi sang khu vực đối ngạn là Đông Bộ Đầu, tương ứng với khu Hàng Than, chùa Hòe Nhai ngày nay.

Được vua Khang Hi ban chữ

Nguyễn Ngọc Nhuận cho rằng, trên thực tế cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy một tháng với 3 trận đánh lớn và một số trận phục kích trên đường quân Nguyên rút chạy.

Ngày 12 tháng Chạp, quân Nguyên theo đường nước Đại Lý, Vân Nam sang. Giao chiến với quân nhà Trần trận đầu tiên ở Bình Lệ Nguyên (nay là khoảng Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Ngày 13 tháng Chạp giao chiến lần thứ 2 bên sông Phù Lỗ (tức sông Cà Lồ). Trận thứ 3 nhà Trần phản công đánh bật quân giặc ra khỏi Thăng Long bên bến Đông Bộ Đầu vào ngày 24 cùng tháng.

Trong bia đá xác định được vị trí Đông Bộ Đầu là ở Thăng Long.

Ông Nhuận đánh giá, từ trước đến nay có nhiều nguồn sử liệu đã khẳng định địa danh Đông Bộ Đầu là thuộc bến Đông sông Nhị Hà, tức sông Hồng ngày nay. Tuy nhiên, sách “Việt Nam sử lược” đã nhầm lẫn khi ghi: Đông Bộ Đầu phía đông sông Nhị Hà ở hạt huyện Thượng Phúc (Thường Tín ngày nay).

Lần giở lại lịch sử mới thấy xưa kia địa danh Đông Bộ Đầu là nơi nổi tiếng. Chính sử không dưới 10 lần ghi chép về địa danh này gắn liền với các biến cố lịch sử nhiều thời kỳ.

Mở đầu cho địa danh Đông Bộ Đầu trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” là sự kiện năm Kỷ Tỵ thứ 5 (1209) khi vua Lý Cao Tông giết bề tôi là Bỉnh Di. 217 năm sau, Đông Bộ Đầu lần cuối xuất hiện trong chính sử khi vua Lê Thái Tổ đích thân dẫn binh tượng đến cửa Nam thành Đại La đánh thành Đông Quan vào năm 1426.

Nguyễn Ngọc Nhuận cho biết, việc nghiên cứu sử dụng những thông tin trên văn bia chùa Hòe Nhai làm bằng chứng để chỉ ra địa danh trận chiến lịch sử Đông Bộ Đầu là có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, có một thời gian việc khảo sát phiên dịch tấm bia này còn thiếu sót.

Vì vậy, việc hoàn chỉnh dịch bia để gửi tới bạn đọc là điều cần thiết. Và cũng cần nói rõ, tấm văn bia chùa Hòe Nhai được soạn bởi nhà khoa bảng Hà Tông Mục, người có nhiều công trạng với đất nước. Ông từng tham gia đấu tranh đòi chủ quyền biên giới phía bắc với nhà Thanh.

Hà Tông Mục cũng là người biên soạn cuốn “Đại Việt sử ký tục biên”. Ông đi sứ Trung Quốc, được vua Khang Hi nhà Thanh ngự ban 3 chữ Nhược Xung Hiên để khen ngợi tài năng khí tiết sứ thần An Nam. Ba chữ này nay còn lưu giữ ở từ đường họ Hà ở Can Lộc (Hà Tĩnh).

Bài minh dài nhất

Văn bia với tiêu đề: Thịnh Đức Hoằng Công/Phúc Diễn Vô Cương. Bốn mặt bia đá đều có chữ. Mặt 1 giới thiệu việc trùng tu chùa Hồng Phúc (ở Đông Bộ Đầu, phường Hòe Nhai, mé Đông thành Thăng Long); mặt 2 là bài minh dài 160 câu ca ngợi bà Nguyễn Thị Phán, từng làm nhũ mẫu trong cung; hai mặt bên ghi tên, chức tước người soạn và cho biết vị trụ trì chùa năm 1703 là Tưởng Đình Khoa. Tưởng Đình Khoa là nhà tu hành được phong tặng Tuệ Dung hòa thượng Đại Tuệ thiền sư Bảo Thiền Phụ Quốc.

Với ý nghĩa lịch sử, chùa Hòe Nhai được công nhận di tích cấp Quốc gia.

Các nhà khoa học đánh giá bài minh trên văn bia Hòe Nhai có lẽ là một trong những bài minh dài nhất trong kho Văn khắc chữ Hán Việt Nam. Với tài văn khoa tuyệt bút của Hà Tông Mục, những lời ấy như vàng như ngọc. Tuy nhiên, trong khuôn khổ hạn chế của bài viết này, chúng tôi không thể trích hết những lời châu báu ấy được.

Có lẽ, khi khảo sát tận tường rồi khắc những ngữ nghĩa ngọc châu ấy vào văn bia, Bồi tụng kiêm Phủ doãn phủ Phụng Thiên Hà Tông Mục không ngờ rằng, đấy lại là những cứ liệu lịch sử quan trọng cho đời nay xác định về một địa danh từng gây tranh cãi gắt gao.

Như vậy, cùng với địa danh Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… thì địa danh Đông Bộ Đầu đã góp phần tô thắm cho trang sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Đồng thời, một lần nữa xác định Đông Bộ Đầu là bến Đông của thành Thăng Long, nay là phố Hàng Than chứ không phải ở tận tít tắp Thường Tín mà chúng ta từng tưởng.

“Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên lần thứ nhất, trận Đông Bộ Đầu giữ vai trò là trận quyết chiến chiến lược. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Thăng Long – Hà Nội, một trận quyết chiến có ý nghĩa quyết định thắng lợi để bảo vệ Tổ quốc diễn ra trên đất Kinh Kỳ”, GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN.

(Còn nữa)

Trần Hòa

BẢN DESKTOP