Khoa học & Công nghệ

Kit thử nhanh phát hiện nCoV

  • Tác giả : Tô Hội
(khoahocdoisong.vn) - Bộ sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh nCoV của TS Lê Quang Hòa, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội có thể phát hiện nhanh nCoV theo một cơ chế đơn giản.

Nhanh, chính xác, không có dương tính giả

Thông tin các nhà khoa học Việt Nam trong một khoảng thời gian ngắn nỗ lực đã cho ra đời bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh nCoV đã lan truyền khắp nơi. TS Lê Quang Hòa, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết đây là thành quả của hơn nửa tháng quên ăn quên ngủ, thực hiện nghiên cứu theo đề xuất của ĐH Bách khoa, nhóm tác giả mong muốn có trong tay sớm nhất bộ kít thử nCoV và đã thành công. Bộ kit thử dựa trên việc giải trình tự gene của chủng nCoV-2019. Quy trình phát hiện chủng virus corona mới từ mẫu bệnh phẩm (dịch hầu họng) có 2 giai đoạn. Đầu tiên là tách chiết RNA, quá trình này diễn ra trong vòng 30 phút.

“Trong giai đoạn này, hạt virus có trong mẫu sẽ bị ly giải dưới tác dụng của dung dịch đệm tách chiết để giải phóng RNA của virus, tiếp đó dung dịch sẽ được đưa qua cột silica để RNA bám lên cột. Sau quá trình rửa, RNA sẽ được hòa tan trong nước để được sử dụng trong giai đoạn tiếp theo. Ở giai đoạn thứ hai, nhóm nghiên cứu sử dụng kỹ thuật RT-LAMP (khuếch đại đẳng nhiệt axit nucleic) chuyên dùng để phát hiện RNA của các loại virus gây bệnh. RNA sẽ được phiên mã ngược thành ADN để thực hiện phản ứng khuếch đại LAMP dưới tác dụng của enzym Bst ADN polymerase và 6 mồi hướng đến 8 vùng trình tự đặc hiệu của chủng nCoV.

Sau khi ủ ở 63ºC trong 30 phút, vùng trình tự gene đích này sẽ được khuếch đại đến hàng tỉ lần, kết quả là làm thay đổi màu dung dịch của phản ứng. Các mẫu dương tính có màu đổi từ hồng sang vàng, còn mẫu âm tính vẫn giữ màu hồng. Quá trình chuẩn bị và thực hiện phản ứng LAMP diễn ra trong vòng 40 phút. Tổng cộng quá trình này mất 70 phút bao gồm cả giai đoạn tách chiết RNA, trong khi  quy trình chẩn đoán tiêu chuẩn kỹ thuật phân tử (RT-PCR) hiện nay cần ít nhất 4 giờ (240 phút)”, TS Lê Quang Hòa cho biết.

Bộ kit  thử nCoV hiện đã hoàn thiện và đã sẵn sàng thử nghiệm trên các mẫu bệnh phẩm thật. Không chỉ nhanh, tiện lợi, khả năng ứng dụng tại hiện trường, độ nhạy và độ đặc hiệu cao (tương đương với real-time RT-PCR), mà sản phẩm này được nhóm nghiên cứu ước tính có giá thành khoảng 350.000 đồng, trong khi giá sản xuất bộ test RT-PCR là 1 triệu đồng.

Đáp ứng được yêu cầu khi dịch bùng phát

Theo TS Lê Quang Hòa, quy trình phân tích không yêu cầu các trang thiết bị phức tạp và hoàn toàn có khả năng ứng dụng được ở bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện dã chiến, phòng khi dịch bùng phát. Do sản phẩm vừa mới nghiên cứu xong, chưa được kiểm định theo đúng quy định hiện nay, nên chưa thể đưa ra áp dụng rộng rãi ngay lập tức. Thời gian kiểm định sẽ mất từ 3-6 tháng, do đó để đáp ứng với nhu cầu phòng dịch, cần đến những chính sách đặc thù để ứng dụng sản phẩm.

Khó khăn trong quá trình tạo ra bộ kit này, theo TS Lê Quang Hòa là không có mẫu bệnh phẩm thật mà dựa trên mẫu vật liệu di truyền của virus được tổng hợp nhân tạo. Đây cũng là một phương pháp tiếp cận phổ biến hiện nay trên thế giới khi mà chúng ta không có mẫu bệnh phẩm thực. Do vậy để đảm bảo độ chính xác về mặt khoa học thì chắc chắn bộ sinh phẩm sẽ phải được thử nghiệm trên các mẫu RNA được tách chiết từ mẫu bệnh phẩm thực, cũng như thực hiện quá trình tách chiết từ mẫu bệnh phẩm thực để có khả năng so sánh với phương pháp tiêu chuẩn hiện nay là phương pháp real-time RT-PCR.

Từ đó có khả năng so sánh kết quả 2 phương pháp thì chúng ta sẽ kết luận được là liệu bộ sinh phẩm có đạt được độ chính xác cần thiết để sử dụng trong thực tiễn hay không. TS Hòa tin về tính chính xác của sinh phẩm này vì đây không phải loại virus đầu tiên mà nhóm phát hiện. Trước đó, nhóm nghiên cứu này cũng đã phát triển bộ kit chẩn đoán dịch tả lợn (năm 2019 bùng phát ở Việt Nam).

Không riêng ĐH Bách khoa nghiên cứu về kit phát hiện nhanh nCoV mà theo đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện có nhiều nhóm nghiên cứu đang gấp rút nhanh chóng để cho ra đời các loại kit thử phát hiện nhanh virus corona bằng các công nghệ khác nhau. Dự kiến tuần tới các nhà khoa học thuộc Học viện Quân y cũng sẽ cho ra đời loại kit thử nhanh nCoV bằng kỹ thuật PCR và Realtime- PCR để phát hiện virus corona chủng mới, xây dựng và chế tạo được bộ kit chẩn đoán dựa trên 2 quy trình này đạt đặc hiệu 100% ở độ nhạy dưới 5 copies/phản ứng, sau 1 tháng có sản phẩm để phòng chống dịch.

Hiện kit xét nghiệm virus coona ở Việt Nam đều do Tổ chức Y tế thế giới và một số tổ chức quốc tế cung cấp, mỗi mẫu cần sử dụng tới 3 giếng xét nghiệm nên mỗi lần chạy chỉ được 32 mẫu, với số bước thực hiện phức tạp hơn, chi phí hóa chất cao.

Tô Hội

BẢN DESKTOP