Kinh ngạc “quái vật đại dương không tuổi” sống qua 1/2 thiên niên kỷ
Tác giả :
Thùy Dung (TH)
Cá mập tại Greenland được mệnh danh là con "quái vật" về tuổi thọ trong thế giới tự nhiên vì chúng có thể sống tới hơn 500 năm.
Cá mập Greenland là loài sống thọ nhất, khi mỗi cá thể có khả năng tồn tại vượt 4 thế kỷ. Chúng cũng là loài động vật có xương sống thọ nhất thế giới hiện nay.
Thuộc họ "cá mập ngủ" (sleeper shark), quái vật này là loài săn mồi đáng sợ nhất vùng cực Bắc, với kích cỡ ngang ngửa cá mập trắng.
Năm 2017, các nhà khoa học phát hiện ra một con cá mập Greenland với tuổi thọ được xác nhận khi đó là... 512 năm, xác lập kỷ lục loài vật có xương sống thọ bậc nhất Trái đất hiện nay.
Để xác định được độ tuổi của cá mập Greenland không thể dùng các biện pháp bình thường. "Thông thường, phương pháp xác định tuổi của các loài liên quan đến việc đếm số vòng trong các cấu trúc bị vôi hóa - như xương sống,", Brynn Devine, nhà hải dương học từ ĐH Windsor (Canada).
"Nhưng nếu tốc độ sinh trưởng của chúng không giống như dự đoán, phương pháp này sẽ không còn hiệu quả. Với cá mập Greenland cũng vậy. Phương pháp này không có tác dụng!"
Thay vào đó, Devine và các nhà khoa học phải lợi dụng phương pháp tính phóng xạ carbon. Được biết, nồng độ bức xạ carbon trong mắt cá mập có thể tiết lộ độ tuổi, qua đó xác định chúng là loài có xương sống thọ nhất hiện nay.
Thậm chí cũng chính nhờ cá mập Greenland mà phương pháp xác định niên đại bằng bức xạ carbon dần được giới khoa học công nhận hơn. Tuy nhiên phương pháp xác định bằng phóng xạ carbon lại có sai số khá lớn.
Trong trường hợp của con cá mập năm 2017, độ tuổi của nó thực chất được ghi nhận là 392, với sai số lên tới 120 năm. Vậy nên có thể hiểu con cá này lúc đó 392 tuổi, và tối đa là 512 tuổi.
Một lý do khiến tuổi thọ của cá mập Greenland cao đến đáng sợ như vậy nằm ở tốc độ sinh trưởng hết sức chậm chạp. Được biết, quá trình trưởng thành của cá mập Greenland cái có thể lên tới 134, thậm chí là 150 năm.
Chúng chỉ lớn thêm 1 cm mỗi năm. Con cái trưởng thành khi đã đạt đến độ dài 4-5 m và ở con đực là 10 m. Các nhà khoa học cho biết, thường loài cá mập này đạt đến độ trưởng thành khi 156 tuổi hoặc sớm hơn là 134 tuổi. Đồng nghĩa với việc đến độ tuổi này nó mới có thể hoàn thiện chức năng sinh sản.
Tuy nhiên, việc sống lâu cũng không phải điều lợi thế gì cho cá mập. Trong khi những con cá 150 tuổi hết sức đáng sợ nhờ khả năng săn mồi thượng thừa, thì nhóm "cá cụ" lại rất chậm, khó kiếm thức ăn, cơ thể thì dày đặc ký sinh trùng. Chúng thậm chí còn phải ăn xác thối để giải tỏa cơn đói.
Hiện nay, các nhà khoa học đang hy vọng rằng nghiên cứu DNA của cá mập Greenland có thể mở ra một con đường dẫn tới sự “trường sinh” cho con người.