Vấn đề - Sự kiện

Kín đáo và phô trương

Kín đáo và phô trương không đơn giản là lối sống mà còn là văn hóa. Xã hội tiêu dùng khuyến khích mọi người chi tiêu và phô trương, khiến người ta quên đi cái lối sống kín đáo và khiêm nhường.

Hình minh họa.

Ngồi nói chuyện về cái thời bao cấp ngày xưa, mọi người thi nhau kể những kỷ niệm về việc mỗi khi có miếng ăn ngon, phải ăn giấm giúi, đến khổ.

Nào là ăn thịt gà thì phải lấy kéo cắt, không dám chặt, thịt lợn không dám băm, miếng ngon phải ăn trong xó bếp… vì sợ hàng xóm biết lại mang tiếng ăn sang. Rồi cùng cười cái thời khó khăn mà mình đã trải qua.

Cười nhưng thấy sao mà thương mình, thương cho những ai đã trải qua cái thời nghèo khó ấy. Xung quanh mình thấy ai cũng khổ khiến cho cái khổ dễ chịu đựng hơn, dễ cảm thông và chia sẻ với nhau hơn.

Trong đám trẻ con, đứa nào nhà khá giả, được ăn ngon mặc đẹp hơn chúng bạn, dù đáng thèm muốn, đáng ước ao đấy, nhưng có khi lại bị cô độc, xa lánh.

Nên dù muốn hay không con người ta phải sống theo xu thế chung, cái áo đẹp phải cất đi, đồ ăn ngon không được phô ra. Có người cho đó là ấu trĩ, vớ vẩn.

Nhưng rồi ngẫm lại thấy đó cũng là một nét văn hóa, sống kín đáo, không phô trương. Mà quan trọng hơn là không nỡ, không đành ăn ngon một mình trong khi những người xung quanh đang nghèo, đang đói, rau còn không có mà ăn.

Được ăn thịt, đó có thể là con gà nhà nuôi được hay về quê mang lên… nhưng nó đã là một sự xa xỉ hơn người. Những đứa trẻ cả năm không được mẹ mua cho cái kẹo, phải ăn lá chua me, lá dâu da thì phải nhìn đứa khác ăn kẹo socola quả là đau khổ. Nên người ta chỉ dám ăn vụng, ăn một cách kín đáo, để người khác khỏi biết, khỏi thèm.

Nhìn lại mới thấy mọi thứ đổi thay nhanh thật. Giờ thì lại đến lúc người ta đua nhau khoe của, thả sức phô trương. Đời sống của nhiều người có khá lên thật, nhưng không phải là không còn rất nhiều người nghèo. Vậy mà, đua nhau khoe những bữa tiệc xa hoa tại các khách sạn sang trọng. Khoe những bộ cánh đắt tiền, những xe siêu sang…

Nhiều khi người ta còn thể hiện quá điều kiện kinh tế của mình. Vay nợ để mua ô tô, để sắm sửa, mà vẫn ăn diện, vẫn tiệc tùng… Bởi vì tiêu chí đánh giá sự thành đạt, giỏi giang của mỗi người dường như là dựa vào mức sống, mức chi tiêu. Chả cần biết anh làm gì, chỉ cần thấy anh có nhà đẹp, xe sang… là tức khắc anh được trọng vọng.

Xã hội tiêu dùng khuyến khích mọi người chi tiêu và phô trương. Khiến người ta quên đi cái lối sống kín đáo và khiêm nhường.

Minh Anh

BẢN DESKTOP