Giáo dục

Kiến nghị Thủ tướng kết quả thẩm định cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Nhóm phụ huynh Hải Phòng gửi kiến nghị lên Thủ tướng, với nội dung cho rằng kết quả thẩm định dự án Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia thiếu minh bạch.

Giải nhất "thiếu thuyết phục"

Ngay sau khi cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia ViSEF năm 2018 - 2019 kết thúc, KH&ĐS đã nhận được đơn kiến nghị cùng phản ánh của một số phụ huynh, học sinh ở Hải Phòng cho rằng kết quả cuộc thi chấm giải là thiếu minh bạch. 

Cô giáo hướng dẫn của nhóm học sinh cho biết: “Tiêu chí hàng đầu của cuộc thi này là tính mới, sáng tạo và ý tưởng thì một số tác phẩm đoạt giải đều không có. Hàm lượng khoa học cũng không có”, cô giáo nói.

Đây cũng là quan điểm của các phụ huynh và thí sinh tham gia dự án Chế tạo máy tự hành chăm sóc và thu hoạch cây ăn quả mô phỏng hoạt động của con người” ở Hải Phòng.

Trong bản kiến nghị gửi Bộ GD&ĐT, nhóm đã phân tích, chỉ ra những điểm đã đạt và chưa thuyết phục của tác phẩm đoạt giải Nhất, trong đó đặc biệt là hai tác phẩm “Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm” “Máy cắt tỉa cây cảnh sử dụng ắc quy và pin năng lượng mặt trời”.

Cụ thể:

1. Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm - Kĩ thuật cơ khí - Quảng Ninh

Đã nêu được mục tiêu: chế tạo máy làm sạch bạt đáy hồ nuôi tôm. Tuy nhiên máy làm sạch đáy bạt vẫn dùng sức người, chưa hiệu quả trong tiết kiệm chi phí.

Poster không thể hiện được việc học sinh thực hiện dự án dựa trên kiến thức, cơ sở khoa học nào, quá trình thực hiện ra sao, không có cơ sở khoa học, không chứng mình được việc kết hợp 2 khâu đơn giản như xịt nước và cọ rửa cùng kết cấu tay được sức người có khả năng tối ưu hoá công việc dọn sạch đáy bạt nuôi tôm, sạch ở mức độ nào, máy hoạt động như thế nào, công suất bao nhiêu.

Phương pháp nghiên cứu: thiếu và nhầm lẫn giữa phương pháp nghiên cứu với tiến trình thực hiện nghiên cứu, thiếu tính cụ thể. Quá trình thu thập và xử lý số liệu không đầy đủ, mang tính cảm quan, số liệu đưa ra còn thiếu sót nhiều, không chứng minh được độ hiệu quả của máy. Đề tài không đảm bảo được tính mới, tính sáng tạo và xu hướng cách mạng công nghiệp tự động 4.0

2. Máy cắt tỉa cây cảnh sử dụng ắc quy và pin năng lượng mặt trời - Quảng Bình

Đã nêu ra được cơ sở nhu cầu thực tế, mục tiêu nghiên cứu và mô hình thiết kế. Nhưng Poster không thể hiện được việc học sinh thực hiện dự án dựa trên kiến thức, cơ sở khoa học nào, quá trình thực hiện, poster không có cơ sở khoa học, không chứng minh hiệu quả của việc thiết kế và chế tạo máy, không thể hiện phương pháp nghiên cứu, quá trình thực hiện đơn thuần là hình ảnh mà không gồm chi tiết các bước cụ thể. Quá trình thu thập và xử lý số liệu mang tính cảm quan, số liệu không có, không đưa ra được thông số kĩ thuật của các loại pin năng lượng mặt trời và ắc quy đã sử dụng.

Đồng thời, việc đánh giá hiệu quả của máy cảm tính, không có cơ sở số liệu về quá trình và kết quả vận hành thử nghiệm. Sản phẩm chỉ kết hợp giữa máy cắt cầm tay và giá đẩy, mang tính thô sơ hoàn toàn và không thể tự động cắt được cây cảnh với hình thù phức tạp. Đề tài còn mang tính trùng lặp giải pháp với nghiên cứu "Máy cắt cỏ điều khiển từ xa bằng năng lượng mặt trời" của sinh viên Phân khoa Kỹ thuật Máy Nông nghiệp của trường ĐH công nghệ RMUTT của Thái Lan, không đảm bảo được tính mới, tính sáng tạo và xu hướng cách mạng công nghiệp tự động 4.0

Không đồng tình với kết quả chấm thẩm định

Nhóm dự án ở Hải Phòng cho biết đã nhận được Công văn số 1148/BGDĐT-GDTrH thông báo kết quả thẩm định lại các dự án này, nhưng cho rằng kết quả vẫn thiếu thuyết phục, vì:

Thứ nhất, về việc lập hội đồng thẩm định. Theo Điều 8, 15, 17, 18 Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT và Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT về Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (ViSEF), việc thành lập hội đồng thẩm định, quy trình chấm thi và các tiêu chí chấm thi đã được nêu ra chi tiết và cụ thể. Tuy nhiên, việc thành lập hội đồng cũng như các quy trình, phương pháp và tiêu chí ở lần đánh giá và thẩm định lại này không được đề cập trong công văn.

Thứ hai, về việc chấm điểm. Theo Điều 18 Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT và Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT, các dự án, đề tài được chấm theo thang điểm 100 vơúi các tiêu chí chấm điểm đi kèm. Trong đó, có tiêu chí được đánh giá thông qua hồ sơ dự án và qua gian trưng bày, và trả lời phỏng vấn trực tiếp.

Nhưng, quá trình thẩm định lại đề tài thực hiện sau khi cuộc thi đã kết thúc, nên chỉ thẩm định dựa vào hồ sơ dự án (tổng 45 điểm). Những tiêu chí quan trọng như Tính sáng tạo của đề tài, Gian trưng bày và Trả lời phỏng vấn lại bị lược bỏ.

Việc đánh giá, thẩm định đề tài chỉ với nửa non số điểm 45/100 theo phụ huynh nhóm Hải Phòng là thiếu chính xác, tính khách quan và vi phạm quy chế đánh giá được quy định ở Điều 17, 18 trong Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT và Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT.

Ngoài ra, việc phê duyệt đề tài tham gia cũng có vấn đề. Theo Điều 15 Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT và Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT, chỉ những hồ sơ được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đủ điều kiện dự thi dựa vào các quy định tại điều 4, 5, 13 và các văn bản hướng dẫn tổ chức cuộc thi hằng năm của Bộ GD&ĐT mới được tham dự cuộc thi.

Nhưng, một số dự án không đủ điều kiện dự thi, ví dụ về tính mới, sáng tạo... vẫn được hội đồng thẩm định phê duyệt cho đủ điều kiện tham gia dự thi, thậm chí đạt giải cao. Điều này làm dấy lên nghi vấn về việc thẩm định đề tài trước khi đánh giá còn chưa được chính xác, đầy đủ và chặt chẽ. Do đó, nhóm phụ huynh không đồng tình với kết quả chấm thẩm định đã được nhận. Và gửi đơn đề nghị lên các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xem xét lại kết quả cuộc thi.

Bộ GD&ĐT: Quy trình chấm chặt chẽ và khách quan

Ngay sau khi cuộc thi ở khu vực phía Bắc kết thúc, PV KH&ĐS đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ THPT về những kiến nghị của nhóm dự án đến từ Hải Phòng.

Ông Chuẩn cho biết, toàn bộ giám khảo của cuộc thi từ miền Nam ra, đều có trình độ tiến sĩ thuộc các chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của học sinh. 

Giám khảo chấm mỗi dự án trên hai phần: Chấm trên báo cáo tóm tắt và chấm phỏng vấn thí sinh tại gian trưng bày của từng dự án. Mỗi dự án sẽ được  5 giám khảo chấm và qua bốc thăm, đảm bảo đúng quy chế độc lập theo quy định ở thông tư hướng dẫn của Bộ. Điểm của từng phần cũng là điểm trung bình của 5 giám khảo chấm.

“Chỉ cần điểm chênh 20% giữa các giám khảo là phải chấm lại rồi”, ông Chuẩn khẳng định. Ông Chuẩn cho biết, ở tất cả các khâu chấm đều có thanh tra giám sát, rất khách quan và công tâm. Cho nên, không thể có sự thiếu minh bạch được.

Vụ trưởng Vụ THPT cũng cho biết, ông sẵn sàng tiếp nhận đơn kiến nghị, Bộ sẽ có câu trả lời thỏa đáng, giải tỏa những bức xúc của phụ huynh, cô giáo hướng dẫn cũng như học sinh.

Mai Loan

BẢN DESKTOP