Trong nước

Kiểm tra bể ngâm thực phẩm, 2 công nhân suýt tử vong vì ngộ độc khí

  • Tác giả : Giang Thu
Khí H2S là khí tự nhiên nguy hiểm nhất, bệnh cảnh diễn biến nhanh, nặng nề, có thể gây ra tử vong ngay lập tức cho người bị ngộ độc khí.

Mới đây, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận 2 trường hợp người bệnh hôn mê sâu nghi do ngộ độc khí được chuyển đến từ trung tâm y tế tuyến huyện.

Trước đó, chị L.T.Đ 48 tuổi (Lâm Thao, Phú Thọ) nhận nhiệm vụ kiểm tra bể chứa ngâm thực phẩm sau thời gian dài không sử dụng. Sau khi xuống bể chứa được vài phút, chị Đ. bị ngạt khí và nằm bất động dưới sàn. Thấy vậy, anh N.V.T đã trèo xuống và cố gắng đưa chị Đ. lên nhưng chỉ khoảng 3 phút sau, anh T. cũng bị bất tỉnh. Những người còn lại đã tập trung sơ cứu và nhanh chóng đưa 2 người bệnh ra khỏi vùng nguy hiểm và đưa tới cơ sở y tế gần đó trước khi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Phú Thọ.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: BVCC

Tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, 2 bệnh nhân hôn mê sâu, thở qua ống nội khí quản, cơ thể có mùi khó chịu (giống mùi trứng thối). Qua thăm khám ban đầu và thông tin lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ đã nhận định đây là trường hợp ngộ độc khí nặng (nghi do khí H2S) có thể nguy hiểm đến tính mạng.

TS.BS Hà Thị Bích Vân - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã kịp thời liên hệ hội chẩn với các chuyên gia từ bệnh viện Bạch Mai. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai, đã trực tiếp có mặt để hỗ trợ chuyên môn.

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia, hai bệnh nhân đã được áp dụng các biện pháp hồi sức cấp cứu chuyên sâu như thở máy, lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ, kết hợp với thuốc chống oxy hóa tế bào và dinh dưỡng não. Đặc biệt, bệnh nhân nữ còn được sử dụng máy hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não và tránh biến chứng thần kinh.

Bệnh nhân sau thời gian điều trị tích cực. Ảnh BVCC

Bệnh nhân sau thời gian điều trị tích cực. Ảnh BVCC

Sau 24h đầu điều trị tích cực, tình trạng 2 người bệnh ngộ độc khí có nhiều cải thiện, tiến triển tốt, sau 72h từ khi nhập viện cả 2 người bệnh được cai máy thở. Đến ngày thứ 5, cả 2 người bệnh đã tỉnh táo hoàn toàn và tiếp tục được theo dõi, hồi phục sức khỏe tại Bệnh viện.

Ngộ độc khí H2S nguy hiểm như nào?

Theo TS. BS. Hà Thị Bích Vân, rất nhiều ca bị ngạt khí, ngộ độc khí tự nhiên dẫn tới tử vong là do Hydro Sunphua (H2S). Đây là chất khí cực độc, có đặc tính không màu, có mùi trứng thối, được sinh ra trong quá trình phân hủy một số loại chất hữu cơ, trong các hầm kín, bể chứa cũ, giếng hoang, đường ống nước thải, hầm tàu,… thông khí kém, để lâu ngày.

H2S hấp thu rất nhanh vào cơ thể. Ở nồng độ thấp, chúng ta có thể ngửi thấy mùi thối nhưng nồng độ cao, khí gây liệt khứu giác, nạn nhân không kịp ngửi thấy mùi thối. Khí H2S gây suy hô hấp tế bào, ngừng hô hấp, các cơ quan não, tim… bị ảnh hưởng nặng nề. Nạn nhân nhanh chóng tử vong, độc tính và cơ chế tác động của H2S giống hệt Xyanua – một chất cực độc.

Do đó, đây là khí tự nhiên nguy hiểm nhất, bệnh cảnh diễn biến nhanh, nặng nề, có thể gây ra tử vong ngay lập tức cho người bị ngộ độc khí. Điều nguy hiểm là người xung quanh không biết cách xử lý nên khi thấy nạn nhân bị ngạt, tập trung vào cứu có thể gây nên cái chết hàng loạt.

Để phòng tránh tai nạn ngạt khí, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên vào những nơi kín như khoang chứa, hầm, hố đã để lâu ngày. Đối với người lao động tại các công trình, việc sử dụng thiết bị bảo hộ lao động như bình dưỡng khí, bộ tự thở độc lập là vô cùng quan trọng. Trước khi vào những khu vực nguy hiểm, cần mở thông thoáng và sử dụng quạt thông gió để giảm thiểu nguy cơ ngạt khí.

Giang Thu

BẢN DESKTOP