Dữ liệu y khoa

Kiểm soát tăng huyết áp thai kỳ tránh biến chứng cho mẹ và con

  • Tác giả : PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội)
(khoahocdoisong.vn) - Tăng huyết áp (THA) là bệnh lý thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai và cũng là nguyên nhân chính gây ra các biến chứng thậm chí cả tử vong cho mẹ và thai nhi. Có tới 15% phụ nữ mang thai bị THA và 25% trường hợp đẻ non là do THA. THA gặp trong rất nhiều tình huống khác nhau trong đó tiền sản giật là một biến chứng nguy hiểm nhất.

Các loại THA thai nghén 

THA thai nghén có thể được chẩn đoán dựa vào trị số huyết áp đo được hoặc dựa vào sự THA tương đối so với trước khi mang thai. Khi huyết áp tâm thu trên 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 90mmHg thì được gọi là THA. Nếu huyết áp tâm thu tăng trên 30mmHg hoặc huyết áp tâm trương tăng trên 15mmHg so với mức huyết áp đo được ở thời điểm trước khi mang thai cũng được gọi là THA thai nghén.

THA vô căn: THA vô căn chiếm 3 - 5% số lần mang thai và có xu hướng ngày càng tăng do phụ nữ ngày nay thường sinh con muộn hơn (từ 30 – 40 tuổi). Nếu những phụ nữ này được kiểm soát huyết áp tốt thì quá trình mang thai vẫn có thể diễn ra bình thường. Tuy nhiên, nếu THA vô căn nặng (huyết áp tâm trương trên 110mmHg) trước tuần thứ 20 của thai kỳ thì nguy cơ tiền sản giật tăng lên đến 46% và cũng tăng nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi.

THA thai nghén: Gọi là THA thai nghén khi THA xảy ra vào nửa sau của thai kỳ ở phụ nữ có số đo huyết áp trước lúc mang thai hoàn toàn bình thường, không kèm theo protein niệu nhiều (trên 0,3g/24 giờ) và các dấu hiệu của tiền sản giật. THA thai nghén chiếm 6 - 7% số lần mang thai và khỏi hoàn toàn khi hết thời kỳ hậu sản. Nguy cơ tiền sản giật là 15 - 26%. Nếu THA xuất hiện vào tuần thứ 36 của thai kỳ thì nguy cơ chỉ còn 10%.

Tiền sản giật và sản giật: Tiền sản giật thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thời kỳ thai nghén và gây tổn thương ở nhiều có quan khác nhau. Trước đây người ta chẩn đoán tiền sản giật dựa vào tam chứng: THA, phù và protein niệu nhưng quan niệm hiện đại thì cho rằng, chỉ cần có THA thai nghén kèm với protein niệu là đủ để chẩn đoán tiền sản giật. Nguy cơ của thai nhi là chậm phát triển trong buồng tử cung và bị đẻ non.

Hậu quả lâu dài trên hệ tim mạch: Những người THA ở lần mang thai đầu có nguy cơ cao bị THA ở lần mang sau. Họ còn có nguy cơ bị THA và đột quỵ cao sau này. Những người bị tiền sản giật hoặc chậm phát triển bào thai trong buồng tử cung sẽ tăng nguy cơ bị bệnh và nguy cơ tử vong với bệnh tim thiếu máu cục bộ. Những phụ nữ đã trải qua thời kỳ sinh nở mà không bị THA thì sẽ có ít nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn những người phụ nữ không sinh đẻ. Việc sinh đẻ cũng khiến cho người phụ nữ giảm được nguy cơ mắc bệnh tim mạch về sau.

Kiểm soát THA thai nghén 

Tư vấn trước sinh: Những phụ nữ bị THA trước khi mang thai cần được đánh giá kỹ lưỡng để loại trừ những nguyên nhân gây THA thứ phát như bệnh lý thận, nội tiết, đánh giá hiệu quả điều trị huyết áp và chỉnh liều thuốc để đạt hiệu quả hạ áp tối ưu, tư vấn cho họ về nguy cơ xuất hiện tiền sản giật và việc phải thay đổi một số thuốc nếu họ muốn mang thai an toàn. 

Điều trị bằng thuốc: THA thực sự cần phải điều trị cho dù cơ chế sinh bệnh là gì. Việc điều trị chủ yếu để phòng tránh biến chứng chảy máu nội sọ. Mục tiêu điều trị đạt mức huyết áp là 150/100mmHg. Hạ huyết áp quá tích cực sẽ làm giảm tưới máu cho thai và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Đối với THA nhẹ đến vừa: Điều trị THA nhẹ và vừa có lợi cho mẹ hơn là thai nhi trong những ngày đầu thời kỳ của thai nghén. Một số phụ nữ đang được điều trị huyết áp từ trước thì đến giai đoạn này có thể giảm hoặc ngừng thuốc do trong nửa đầu của thai kỳ huyết áp sẽ giảm một cách sinh lý. Tuy nhiên, sự giảm huyết áp này chỉ mang tính chất tạm thời, thai phụ cần được theo dõi sát và phải dùng thuốc lại khi cần thiết.

THA nặng: Nguy cơ biến chứng và tăng tử vong cho mẹ trong những trường hợp THA nặng (huyết áp trên 170/110mmHg) và tiền sản giật vẫn còn cao. Điều trị hạ huyết áp không có tác dụng ngăn chặn tiền sản giật. Chỉ đình chỉ thai nghén mới có tác dụng trong những trường hợp này nhưng điều trị hạ huyết áp lại có thể làm giảm biến chứng chảy máu nội sọ. Điều trị THA nặng bao gồm: kiểm soát tốt huyết áp bằng các thuốc hạ áp đường tĩnh mạch và cố gắng duy trì quá trình thai nghén đến mức tối đa mà không gây ảnh hưởng gì đến mẹ và thai nhi.

Thời kỳ hậu sản và cho con bú: THA sau sinh cũng tương đối phổ biến. Những người bị THA từ trước có thể dùng lại phác đồ điều trị như trước khi mang thai. Tuy nhiên, phụ nữ cho con bú không nên dùng lợi tiểu. Hầu hết các thuốc hạ huyết áp đều an toàn với phụ nữ cho con bú, chỉ có các thuốc như: doxazosin,amlodipine và nhóm ức chế men chuyển là chưa có dữ liệu về độ an toàn.

 Một phụ nữ mang thai đều cần thiết phải được theo dõi chặt chẽ mọi biến đổi của cơ thể, trong đó có vấn đề huyết áp. Nếu có những biểu hiện THA cần đến các trung tâm sản khoa và tim mạch để được hướng dẫn chế độ sinh hoạt và điều trị phù hợp.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội)

BẢN DESKTOP