Dữ liệu y khoa

Kiểm soát biến chứng nặng của tiểu đường

  • Tác giả : BS Thu Trang
(khoahocdoisong.vn) - Tiểu đường có thể gây ra các biến chứng lâu dài như tim mạch, đột quỵ, mù lòa, suy thận, cắt cụt chi, tổn thương thần kinh hoặc bất lực ở nam giới. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, kể cả những biến chứng nặng nề nhất cũng có thể phòng tránh được nếu kiểm soát tốt đường huyết, khám bệnh theo định kỳ.

Thị lực suy giảm

Trong thời gian ngắn, sự biến động của mức đường huyết làm thủy tinh thể phồng lên sẽ làm giảm thị lực, nhìn mờ. Nhưng mắt sẽ điều chỉnh, phục hồi trong vài tuần. Tuy nhiên, nếu thời gian dài, đường huyết tăng, nguy cơ người bệnh gặp các vấn đề nghiêm trọng hơn là bệnh mắt đái tháo đường do tổn thương các vi mạch trong võng mạc, đục thủy tinh thể, glocom. Chính vì vậy, bệnh nhân đái tháo đường cần khám mắt hàng năm (6 tháng - 1 năm/lần) để phát hiện sớm nhất những tổn thương ở mắt.

Giảm thính lực, ù tai

Dây thần kinh trong tai có thể bị tổn thương và dẫn đến hiện tượng ù tai. Kiểm soát tốt mức đường huyết sẽ giúp cải thiện tình trạng này.

Gan nhiễm mỡ

Các nghiên cứu hiện nay vẫn còn tranh cãi về việc hiện tượng nào có trước. Việc tăng mỡ trong gan làm tăng nguy cơ đái tháo đường và đái tháo đường làm tăng lắng đọng mỡ trong gan. Gan nhiễm mỡ không có triệu chứng nhưng có thể dẫn đến viêm và giảm dần chức năng của gan. Việc giảm 5% trọng lượng cơ thể có thể cải thiện đáng kể tình trạng gan nhiễm mỡ.

Loét bàn chân

Biến chứng bàn chân có thể coi là thảm họa với bệnh nhân đái tháo đường, nhưng những thao tác chăm sóc đơn giản hằng ngày lại giúp người bệnh phòng tránh. Sự tổn thương thần kinh vùng bàn chân làm mất cảm giác đau, nóng lạnh. Do người bệnh không nhận ra những tổn thương nhỏ nên dễ dẫn đến tình trạng viêm, nhiễm trùng sâu hơn. Cộng thêm việc các mạch máu tổn thương do mức đường huyết cao thì những vết thương lại càng khó liền hơn. Việc kiểm tra bàn chân mỗi ngày để chắc chắn không có vấn đề gì xảy ra có tác dụng vô cùng to lớn. Những bệnh nhân thường xuyên khám bàn chân, giữ sạch chân, dùng kem dưỡng trong mùa đông để tránh nứt nẻ da sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và cắt cụt chân tới 80%. Hằng tháng nên đến bệnh viện để khám kiểm tra tình trạng mạch máu, thần kinh ngoại vi, sàng lọc các dấu hiệu tiền loét ít nhất 6 tháng - 1 năm/lần. Những người có tiền sử loét chân cần được thăm khám tại bệnh viện ít nhất 3 tháng/lần.

Vấn đề về tim mạch

Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao gấp từ 2 - 3 lần ở người đái tháo đường. Mạch máu của người mắc đái tháo đường đã bị tổn thương và càng trở nên dễ tổn thương hơn nếu kết hợp với các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp. Nếu thiết lập lối sống tốt, loại bỏ các thói quen xấu thì người đái tháo đường có thể phòng, hạn chế được tình trạng này như dừng hút thuốc, giảm cân nếu thừa cân, duy trì mức huyết áp và mỡ máu bình thường, tập thể dục và giữ mức đường huyết ổn định.

BS Thu Trang (Hội Giáo dục người đái tháo đường Việt Nam)

BS Thu Trang

BẢN DESKTOP