Gia đình mới

Kích hoạt báo động đỏ, cứu 2 mẹ con sản phụ bị vỡ tử cung

  • Tác giả : Thúy Nga
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã phải kích hoạt báo động đỏ toàn viện cứu sống 2 mẹ con sản phụ bị vỡ tử cung. Vỡ tử cung diễn biến xấu rất nhanh, tỉ lệ tử vong cả sản phụ và thai nhi là rất cao...cần phòng tránh.

Vỡ tử cung tại vết sẹo mổ sinh

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa cứu sống hai mẹ con sản phụ bị vỡ tử cung khi đang mang thai 36 tuần.

Sản phụ này là P.T.B.N. (41 tuổi, trú tại Thị xã Phú Thọ, Phú Thọ). Ngày 9/11/2024, sản phụ được gia đình đưa đến Bệnh viện thăm khám, theo dõi vì xuất hiện triệu chứng đau bụng rải rác theo cơn. Lúc này, chị Nguyệt đang bước sang tuần thứ 36 của thai kỳ.

Được biết, đây là lần mang thai thứ 2 của sản phụ. Trước đó, chị từng phẫu thuật lấy thai một lần và phẫu thuật nội soi gỡ dính buồng tử cung để chuẩn bị mang thai lần 2. Trong quá trình mang thai, chị được chẩn đoán có tình trạng rau tiền đạo trung tâm và được hướng dẫn theo dõi, quản lý thai kỳ chặt chẽ.

Sau khi vào viện khoảng 1 giờ, sản phụ bất ngờ xuất hiện tình trạng đau bụng dữ dội và diễn biến rất nhanh. Chỉ sau khoảng 5 phút, chị N. có biểu hiện choáng, sắc mặt tái nhợt, tim thai giảm thấp, huyết áp không đo được. Các bác sĩ ngay lập tức chỉ định phẫu thuật lấy thai cấp cứu cho sản phụ, đồng thời kích hoạt báo động đỏ toàn viện mức độ nguy kịch.

Lãnh đạo Bệnh viện chỉ đạo các bác sĩ chuyên ngành Sản khoa, Gây mê hồi sức, Hồi sức tích cực chống độc, Sơ sinh và Ngoại nhi ngay lập tức phối hợp cùng xử trí bệnh nhân. Ca phẫu thuật được tiến hành gấp rút, chỉ vài phút sau, bé trai chào đời với cân nặng 2,7kg, được các bác sĩ Nhi Sơ sinh thăm khám ngay tại phòng mổ và sau đó chuyển đến Khoa Nhi Sơ sinh để tiếp tục điều trị, theo dõi.

ThS.BS Hoàng Thị Chung – Trưởng khoa Sản 1, người trực tiếp phẫu thuật cho sản phụ cho biết: Khi mở ổ bụng người bệnh ra cho thấy đây là một trường hợp vỡ tử cung rất hiếm gặp vì vị trí vỡ nằm ở đáy tử cung – nơi có sẹo mổ cũ khi người bệnh thực hiện phẫu thuật nội soi gỡ dính buồng tử cung trước đó.

Đây cũng là ca phẫu thuật rất phức tạp vì ngoài việc xử lý tình trạng vỡ tử cung, cắt lọc, khâu phục hồi bảo tồn tử cung cho người bệnh, các bác sĩ còn phải thực hiện gỡ dính, bóc rau do sản phụ còn có tình trạng rau tiền đạo trung tâm.

Thách thức lớn nhất đối với phẫu thuật viên trong trường hợp này là kiểm soát tình trạng chảy máu, làm sao để không gây chảy máu ồ ạt đe dọa tính mạng sản phụ khi thực hiện đồng thời không gây tổn thương các cơ quan lân cận. Quá trình phẫu thuật, sản phụ được truyền 4000ml khối hồng cầu và huyết tương tươi đông lạnh.

Sau phẫu thuật, sản phụ được đưa về điều trị, theo dõi tại Khoa Sản 1. Sau 6 ngày điều trị, sức khỏe sản phụ ổn định, sản phụ tỉnh táo, ăn uống tốt, vết mổ khô và được cho xuất hiện. Em bé vẫn tiếp tục được theo dõi tại Khoa Nhi Sơ sinh vì tình trạng non tháng, song bé phản xạ tốt, ăn sữa tốt, các chỉ số sức khỏe trong giới hạn bình thường và có kế hoạch được xuất viện trong vài ngày tới.

Mặc dù là một tình trạng nguy kịch song các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp rất may mắn khi người bệnh xuất hiện tình trạng vỡ tử cung sau khi đã nhập viện điều trị nên được cấp cứu thành công. Vỡ tử cung thường diễn biến xấu rất nhanh, nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, tỉ lệ tử vong cả sản phụ và thai nhi là rất cao.

Đau bụng dữ dội sản phụ mang thai 36 tuần bị vỡ tử cung - Ảnh BVCC

Đau bụng dữ dội sản phụ mang thai 36 tuần bị vỡ tử cung - Ảnh BVCC

Càng sinh mổ nhiều càng dễ bị vỡ tử cung

ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, vỡ tử cung (Uterine Rupture) là tình trạng các lớp cơ ở tử cung bị nứt hoặc rách hoàn toàn tự nhiên mà không phải do phẫu thuật, làm cho các thành phần bên trong tử cung (bao gồm một phần hoặc toàn bộ thai nhi) bị tống xuất vào ổ bụng. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng mẹ bầu và thai nhi nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đây là một trong năm tai biến sản khoa nguy hiểm, gồm: vỡ tử cung, nhau bong non, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản và uốn ván rốn sơ sinh. Tình trạng này có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai hoặc trong cuộc sinh, tuy nhiên trong thời kỳ mang thai hiếm gặp hơn. Tai biến này thường xảy ra ở mẹ bầu có sẹo mổ cũ ở tử cung hoặc có bất thường, dị dạng tử cung.

Vỡ tử cung tuy nguy hiểm nhưng khá hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 325 trên 100.000 ca sinh có tiền sử mổ lấy thai; hiếm hơn ở nhóm phụ nữ không có sẹo mổ lấy thai, là khoảng 1/5.700 – 1/20.000 ca.

Một nghiên cứu tại Hà Lan cho kết quả, tỷ lệ mẹ bầu mắc phải là 0,7-5,1/10.000 ca sinh nở. Sau một lần sinh mổ, tỷ lệ này tăng lên 22-74/10.000 ca sinh, bao gồm các ca theo dõi sinh ngả âm đạo khi có sẹo mổ cũ.

Hay một đánh giá khác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ vỡ tử cung trên toàn thế giới trung bình là 5,3/10.000 ca sinh nở. Nếu chỉ xét ở quốc gia đang phát triển và phát triển, tỷ lệ này là khoảng 3/10.000 ca sinh nở, bao gồm có tiền sử mổ lấy thai. Ở những quốc gia kém phát triển, tỷ lệ mắc phải tai biến này cao hơn, có thể do điều kiện mổ lấy thai hạn chế, cuộc sinh bị trì hoãn và kéo dài.

“Hiện nay, với sự phát triển của y khoa hiện đại, về kiến thức, về quản lý thai nghén cùng sự hỗ trợ của hệ thống máy móc tối tân, tiến bộ của lĩnh vực gây mê hồi sức… đã có thể hạn chế được các thủ thuật sinh thô bạo, có chỉ định mổ lấy thai kịp thời. Nhờ đó tỷ lệ được giảm nhiều so với trước đây”, bác sĩ Quý Khoa chia sẻ thêm.

Bác sĩ Quý Khoa khuyên rằng các mẹ bầu có các tiền sử sau đây, nên có trao đổi rõ – thường xuyên với bác sĩ, nên được thăm khám thai kỳ chặt chẽ đề phòng ngừa vỡ tử cung:

- Tiền sử mổ lấy thai trên thân tử cung.

- Có hai lần mổ lấy thai trở lên.

-Tiền sử mổ cắt góc tử cung điều trị mang thai ngoài tử cung.

- Tiền sử mổ bóc nhân xơ tử cung.

- Tiền sử khâu lỗ thủng tử cung.

- Dấu hiệu nhận biết tử cung bị vỡ

Trong vỡ tử cung, mỗi mẹ bầu sẽ gặp phải những triệu chứng khác nhau với mức độ không giống nhau tùy thuộc vào vị trí, thời điểm vỡ cũng như mức độ vết nứt tử cung. Một số dấu hiệu thường gặp giúp mẹ bầu sớm nhận biết tai biến sản khoa nguy hiểm này, gồm:

Dấu hiệu dọa vỡ tử cung: Trước khi vỡ tử cung có một giai đoạn gọi là dọa vỡ tử cung, chỉ xảy ra trên tử cung không có sẹo mổ cũ. Các dấu hiệu nhận biết giai đoạn này gồm:Mẹ bầu nhận thấy đau bụng nhiều, cơn đau kéo dài, với cường độ đau càng lúc càng tăng.Tử cung bị thắt lại tạo thành hình quả bầu nậm. Ấn vào thành đoạn dưới tử cung thấy mỏng và đau, có thể sờ chạm ngôi thai.Cơn co tử cung kéo dài, khoảng cách giữa các cơn co ngắn với cường độ mạnh.Tim thai bất thường, lúc nhanh lúc chậm.

Dấu hiệu vỡ tử cung trong thai kỳ: Đau nhói vùng hạ vị đột ngột, có thể đau tự nhiên hoặc đau sau chấn thương trực tiếp ở vùng bụng, nhất là chỗ sẹo mổ cũ.Choáng nhẹ hoặc nặng tùy mức độ mất máu.Đau nhói chỗ sẹo mổ cũ, ấn vết mổ thấy đau.Giảm hoặc không nhận thấy cơn co tử cung.Sốc, huyết áp thấp, mạch đập nhanh, chậm bất thường hoặc không đo được.Nhịp tim thai nhi chậm hoặc không nghe thấy.Xuất huyết âm đạo ít hoặc nhiều.Nước ối có màu đỏ.

Dấu hiệu tử cung bị vỡ trong chuyển dạ: Mẹ bầu đã có dấu dọa vỡ tử cung, đột ngột đau nhói. Sau đó bớt đau hơn nhưng tổng trạng xấu dần.Da xanh xao, mạch đập nhẹ, tụt huyết áp, chân tay lạnh.Chảy máu màu đỏ tươi ở âm đạo. Nước tiểu có thể có màu đỏ. Có dấu hiệu suy thai, mất cơn co tử cung, thai không máy.

“Vỡ tử cung nếu không được phát hiện sớm và can thiệp xử trí kịp thời sẽ đe dọa tính mạng cả mẹ bầu lẫn thai nhi.” – BS Khoa nhấn mạnh.

Các sản phụ trong quá trình mang thai cần thực hiện theo dõi, quản lý thai nghén chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ. Các trường hợp được chẩn đoán mắc các bệnh lý sản khoa như rau tiền đạo trung tâm – rau cài răng lược, tiền sản giật,... cần thực hiện khám thai tại bệnh viện chuyên khoa với bác sĩ có nhiều kinh nghiệm.

Đồng thời, khi sinh con cũng nên đến bệnh viện có khả năng phẫu thuật chuyên sâu để được chẩn đoán chính xác và có kế hoạch can thiệp phù hợp, tránh các tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.” – các bác sĩ khuyên

Thúy Nga

BẢN DESKTOP