Dữ liệu y khoa

Khúc khắc tốt cho xương khớp

  • Tác giả : BS. Thu Hà
(khoahocdoisong.vn) - Cây khúc khắc hay còn gọi là thổ phục linh là một dược liệu quan trọng, được sử dụng nhiều trong các bài thuốc y học cổ truyền. Để trị bệnh, người ta thường dùng củ khúc khắc khử phong thấp, lợi gân cốt, chữa tê thấp, đau mỏi, điều trị gút.

Cây khúc khắc là loại cây sống lâu năm, thuộc họ hành tỏi, dài 4- 5m, có nhiều cành nhỏ, không có gai, thường có tua cuốn dài, lá hình xoan thuôn, hoa mọc thành tán, quả mọng hình cầu, bộ phận làm thuốc là rễ củ, thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa hè. Rễ cây hình trụ, hơi bẹt, từ khối chính có các nhánh phụ hoặc các chồi, các mấu có kích thước dài ngắn không đều nhau. Củ khúc khắc màu vàng nâu hoặc màu nâu đất, từ thân củ chính mọc ra các rễ nhỏ, bền và cứng.

Để chữa phong thấp, gân xương đau nhức, tê buốt dùng củ khúc khắc 20g, dây đau xương 20g, thiên niên kiện, đương quy, mỗi vị 8g, bạch chỉ 6g, cốt toái bổ 10g. Sắc uống ngày một thang. 10 ngày là một liệu trình. Đối với người đau nhức xương cốt dùng củ khúc khắc, hy thiên thảo, cỏ nhọ nồi 20g mỗi vị; cây ngưu tất, lá ngải cứu, thương nhĩ tử 12g mỗi vị. Đem các nguyên liệu trên sắc trong ấm thuốc, uống mỗi ngày 1 thang. Cũng có thể kết hợp củ khúc khắc, cỏ trinh nữ, cà gai leo, cây cỏ xước, kê huyết đằng, rễ cỏ tranh 16g mỗi vị. Sắc bài thuốc trên uống mỗi ngày 1 thang.

Theo các nghiên cứu hiện đại, khúc khắc có hàm lượng cao protein, glucid, caroten và đặc biệt là nhóm hợp chất saponin steroid, đây là hơp chất có tác dụng tương tự hormon trong cơ thể, giúp tăng cường sức đề kháng, tăng cường chức năng thận và giải độc lợi tiểu. Dùng nước sắc của cây khúc khắc có tác dụng làm mát gan thận, giải độc cho cơ thể, giúp thúc đẩy quá trình đào thải axit uric qua nước tiểu, qua tuyến mồ hôi. Nhờ vậy khúc khắc giúp giảm cơn đau gút cấp, ngăn chặn các cơn đau tái phát cũng như phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.

BS. Thu Hà (Giáp Nhất, Hà Nội)

BS. Thu Hà

BẢN DESKTOP