Y học và đời sống

Khúc khắc chữa đau mỏi

Cây khúc khắc mọc hoang ở nhiều vùng rừng núi của nước ta, chúng được trồng ở đồng bằng, trồng bằng hạt vào mùa xuân, nơi có vật đỡ để bò như bờ rào, cây to… Thu hoạch củ để làm thuốc chữa bệnh, tốt nhất vào mùa thu đông.

Cây khúc khắc (kim cang) thân leo, sống lâu năm thân nhẵn bóng, leo bằng tua cuốn, có phân cành, thường vươn dài 4– 5m.

Rễ phát triển thành củ mập, chắc, vỏ ngoài màu sẫm, trong có chất bột đỏ như máu.

Lá mọc so le, phiến lá cứng, gân lá hình cung rõ, mặt trên xanh sẫm mặt dưới trắng nhạt hình trái xoan dâu chót nhọn.

Hoa mọc thành tán ở kẽ lá, cuống hoa dài hơi cuống tán, hoa có màu xanh nhạt.

Quả mọng, hình cầu màu tím than, trong quả có từ 2- 3 hạt, mùa quả vào tháng 10 – 12.

Cây khúc khắc vị ngọt nhạt, tính bình, có tác dụng tốt cho gan, tỳ vị, làm thuốc tiêu độc, đổi máu, chữa đau lưng, trừ phong thấp mạch gân cốt, chữa máu xấu, sưng khớp, lở ngứa, phong hủi, giang mai, các loại di ứng.

  1. Chữa sưng khớp , đau mỏi

Củ khúc khắc 20g, huyền sâm 16g, mạch môn 12g, ngưu tất 14g, cẩu tích 15g, hạt muồng sao 12g, tâm sen 6g, bạch chỉ 12g, hoàng đằng 6g.

Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, mỗi lần 60ml nước thuốc, cần uống liền nhiều ngày.

  1. Chữa đau lưng

Khúc khắc 40g, rễ gấc 20g, cẩu tích 15g.

Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần, mỗi lần 60ml nước thuốc, cần uống liền 20– 25 ngày.

  1. Chữa viêm khớp. đau nhức vai, chân tay

Khúc khắc 40g, cẩu tích 20g, cành dâu 12g, chân chim 8g.

Sắc nước uống ngày 3 lần , mỗi lần 60ml nước thuốc. Uống liền 15 ngày.

  1. Chữa đau lưng mỏi gối

Khúc khắc 40g, huyết đằng 30g, cẩu tích 20g, tỳ giải 15g, rễ gấc 10g, rễ bưởi bung 8g.

Sắc nước uống ngày 3 lần, mỗi lần 60ml nước thuốc. Uống liền 15 ngày.

LY. Hoài Vũ (Hội Đông y Việt Nam)

BẢN DESKTOP