Y học và đời sống

Không tiêm vaccine, người đàn ông tử vong sau gần 1 năm bị mèo cắn

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm, không có thuốc điều trị đặc hiệu và có nguy cơ tử vong rất cao. 100% trường hợp đã bị lên cơn dại sẽ dẫn đến tử vong, không có thuốc nào có thể cứu chữa được.

Mới đây, Trung tâm y tế huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã có báo cáo về một trường hợp tử vong do bệnh dại xảy ra tại địa phương.

Theo đó, nạn nhân là ông D.T.Đ., 50 tuổi, (làm nghề thợ xây, ngụ ấp 5, xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú) Khoảng tháng 11/2023, bệnh nhân bị mèo cắn vào tay phải. Vết thương chảy máu, nạn nhân được sơ cứu và chăm sóc vết thương tại nhà, nhưng sau đó không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Không tiêm vaccine, người đàn ông tử vong sau gần 1 năm bị mèo cắn. Ảnh minh họa

Không tiêm vaccine, người đàn ông tử vong sau gần 1 năm bị mèo cắn. Ảnh minh họa

Do chủ quan nên người nhà ông Đ. cũng không để ý giám sát con mèo nên không biết là con mèo đã bỏ đi hay đã chết.

Sau khi bị mèo cắn, bệnh nhân vẫn đi làm xây dựng theo công trình ở nhiều nơi, thời gian ở lâu nhất tại tỉnh Long An.

Ngày 10/10, bệnh nhân đi làm công trình về cảm thấy tê tay phải nên đi mua thuốc tự điều trị. Ngày 11/10, bệnh nhân cảm thấy tay phải tê nhiều hơn, kèm sốt nhẹ nên được bạn làm chung đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Đến 24h ngày 11/10, bệnh nhân lên cơn co giật, sùi bọt mép, ngứa tay phải, có biểu hiện sợ nước, sợ gió. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM chẩn đoán xác định bệnh nhân bị bệnh dại.

Tối ngày 14/10, tình hình bệnh của bệnh nhân tiến triển nặng hơn và được bệnh viện cho về. Bệnh nhân tử vong tại nhà vào tối cùng ngày.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. 2 trường hợp trước đó bị chó dại cắn nhưng không đi tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại.

Hiện tại, không có thuốc chữa bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người 100% đều dẫn đến tử vong. Hiệu quả nhất là phòng ngừa thông qua tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo hàng năm và tiêm vaccine phòng bệnh dại cho người ngay sau khi bị chó, mèo cắn (hoặc cào có vết thương chảy máu), càng sớm càng tốt.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP