Giáo dục

Không phải cứ nói to: "Tôi yêu nước" sẽ là yêu nước

  • Tác giả : PV
(khoahocdoisong.vn) - Yêu nước không phải lúc nào cũng nói thật to là “tôi rất yêu nước” hay phải làm những việc “quốc gia đại sự” mà từ những việc làm nhỏ nhất.

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ GD Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Bộ đã ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” của ngành GD.

Theo đó, mục tiêu của Đề án là tăng cường GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam, nhằm tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống phát triển toàn diện.

Yêu gia đình, có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa; yêu nước, tự hào dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực và bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức và kỹ năng lao động, trở thành những công dân có ích, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Bộ GD&ĐT luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HSSV. 

Bộ cũng yêu cầu, các đơn vị bố trí thời lượng phù hợp cho hoạt động Đoàn, Đội, Hội, hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong Chương trình GD phổ thông mới.

Trao đổi về vấn đề này, em Đinh Thị Ngọc Anh – lớp 11B,Trường PT Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ cho biết, yêu nước không phải lúc nào cũng nói thật to là “tôi rất yêu nước” hay phải làm những việc “quốc gia đại sự”.

“Với em yêu nước chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm công dân của mình từ những việc làm nhỏ nhất. Có ai bảo, vệ sinh vườn trường, chăm sóc hoa cây cảnh để khung cảnh sư phạm luôn xanh mát, tươi đẹp là chưa yêu nước? Có ai bảo chăm học, làm nhiều việc tốt là chưa phải yêu nước?", Ngọc Anh chia sẻ.

Còn tại Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên), thầy Hiệu trưởng Hà Quang Vinh trao đổi: Nhà trường GD tinh thần yêu nước cho HS từ những hành động, cử chỉ nhỏ.

Cụ thể, đối với nghi thức chào cờ, thay vì để bàn tay phải lên trán để chào thì cán bộ, giáo viên và HS có mặt sẽ đặt tay phải của mình lên ngực trái – nơi gần trái tim nhất để cảm nhận sâu sắc tình yêu đất nước, đồng thời hát thật to Quốc ca.

“Chúng tôi muốn nhắn gửi thông điệp rằng, Tổ quốc luôn trong trái tim mình. Vì thế dù đi đâu, làm gì 2 tiếng thiêng liêng Tổ quốc sẽ nhắc nhở mỗi người phải có ý thức, trách nhiệm bảo vệ và xây dựng đất nước” – thầy Vinh chia sẻ.

PV

BẢN DESKTOP