Khoa học & Công nghệ

Không nhất thiết dùng thực phẩm hữu cơ mới tốt

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Có nhiều loại thực phẩm được trồng thông thường, với biện pháp canh tác truyền thống, có sử dụng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật, vẫn đảm bảo chất lượng tốt khi sử dụng.

Có nhiều loại thực phẩm được trồng thông thường, với biện pháp canh tác truyền thống, có sử dụng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật, vẫn đảm bảo chất lượng tốt khi sử dụng.

Chọn loại rau quả ít nhiễm chất độc

Nhiều người luôn lo lắng về hàm lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm nên chọn cách dùng thực phẩm hữu cơ. Nhưng đồ hữu cơ thì có giá cao, nên nhiều người chỉ mua những loại thực phẩm hữu cơ thực sự cần thiết như thịt cá, một số loại rau ăn sống. Còn những loại quả có vỏ dày như bưởi, đu đủ, bơ, xoài, dưa vàng và dưa hấu... là những loại quả ít có khả năng nhiễm thuốc trừ sâu nên có thể không cần phải mua loại hữu cơ .

GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Viện Sinh học Nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp cho rằng, hiện có một xu hướng tiêu dùng hiểu sai lệch về thực phẩm hữu cơ và thực phẩm thông thường. Người ta đề cao thái quá tác dụng của thực phẩm hữu cơ mà không biết rằng loại thực phẩm nào cũng có ưu và nhược điểm.

Đúng là ở một số loại thực phẩm nhất định thì khả năng sử dụng thuốc trừ sâu sẽ thấp hơn nhóm còn lại. Còn thực phẩm hữu cơ là sản phẩm được sản xuất không sử dụng bất cứ loại phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu nào. Giống như ngày xưa khi nông nghiệp chưa phát triển, ông bà ta nuôi trồng hoàn toàn hữu cơ. Sau này, nông nghiệp phát triển được nhờ cuộc cách mạng về phân bón và thuốc trừ sâu. Thực phẩm được sản xuất có sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu là tuyệt đối an toàn nếu được dùng đúng cách.

Chọn đúng rau an toàn

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thạch, thực phẩm nói chung được nuôi trồng theo đúng quy trình, đảm bảo thời gian cách ly là an toàn. Việc nhiều người lo lắng thái quá chuyển hẳn sang sử dụng thực phẩm hữu cơ là không nên. Chọn rau quả an toàn là loại có chứa các chất NO3, kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen, đồng, kẽm... không được vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Có một số loại rau ăn quả như đậu đũa, dưa chuột, cà chua… thường phải thu hoạch nhiều lần. Khi phun thuốc để phòng sâu bệnh cho quả non thì lại gây nhiễm cho quả già bên cạnh đã đến ngày thu hoạch. Do đó, việc tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc hóa học trừ sâu bệnh có vai trò rất quan trọng trong sản xuất rau an toàn.

Nguyên nhân nữa làm rau không an toàn là do người sản xuất dùng phân hữu cơ, nhất là phân bắc chưa hoai mục để bón rau hoặc dùng nước thải để tưới khiến rau rất xanh tốt nhưng bị nhiễm các loại vi sinh vật gây bệnh như: Vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn... và các loại ký sinh trùng như trứng giun, sán… Điều này nguy hiểm trên các loại rau ăn sống (xà lách, rau thơm...).

Ngoài ra, nguyên nhân làm rau không an toàn là do rau được bón quá nhiều đạm hóa học dẫn đến dư lượng Nitrat tích lũy trong rau vượt quá ngưỡng quy định. Khi ăn vào cơ thể, nitrat sẽ chuyển hóa thành nitrit, chất này có thể kết hợp với các chất chứa amin trong cơ thể trở thành chất có thể gây ung thư. Rau không an toàn do trồng gần các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, nguồn nước tưới bị ô nhiễm khiến rau nhiễm một số kim loại nặng như: Thủy ngân, asen. Các chất này gây ra nhiều bệnh mãn tính nguy hiểm.

Để có những sản phẩm rau an toàn, người sản xuất cần phải tránh những yếu tố gây độc hại nói trên. Bằng cách lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn, không nên quá cực đoan chỉ sử dụng một loại rau nhất định.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP