Y học và đời sống

Không ngậm được miệng do loạn năng thái dương hàm

Không há được miệng có thể là do loạn năng khớp thái dương hàm (trật khớp thái dương hàm). Khi bị bệnh có thể thực hiện thủ thuật nắn chỉnh thông thường hoặc tiêm tê khớp và hõm sigma xương hàm dưới để nắn chỉnh, đôi khi cần thì phải gây mê toàn thân.

Hỏi: Tôi bị loạn năng thái dương hàm sau một lần ngáp thì không ngậm miệng lại được và thấy đau. Xin hỏi, tôi bị bệnh gì và cách chữa trị?

Đỗ Hồng Ngân (Hà Nội)

Kỹ thuật nắn trật khớp thái dương hàm.

PGS.TS Phạm Như Hải, nguyên Trưởng khoa Răng Miệng, Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba: Theo mổ tả có thể bạn bị trật khớp thái dương hàm (cản trở há miệng).

Trật khớp thái dương hàm là tình trạng bệnh lý do sự di lệch kéo dài, không hồi phục một hay cả hai bên. Bệnh xuất hiện với tỷ lệ cao ở bệnh nhân loạn năng thái dương hàm. Sau một vài vận động há miệng quá mức (ngáp, khi chữa răng kéo dài, khi đặt nội khí quản…) thì bệnh nhân không thể ngậm miệng lại được và thấy đau khớp, lồi cầu kẹt phía trước chỏm thái dương (lồi cầu thái dương) và không trở lại ổ khớp được, do co thắt cơ và do đĩa khớp chèn phía sau lồi cầu.

Nếu trật khớp đòi hỏi cần phải nắn chỉnh thì được gọi là trật khớp thật sự. Nếu nguyên nhân của trật khớp không được điều trị thì trật khớp dễ tái phát do sự giãn khớp.

Trong trật khớp thật sự thì sờ trước bình tai thấy ổ khớp rỗng. Với thủ thuật nắn chỉnh thông thường (thủ thuật Nelaton) đẩy hàm xuống dưới sau đó ra sau lên trên đưa vào đúng khớp thì bệnh nhân sẽ hết đau ngay lập tức.

Trong trường hợp trật khớp đến muộn thì cần phải tiêm tê khớp và hõm sigma xương hàm dưới để nắn chỉnh, đôi khi cần thì phải gây mê toàn thân. Sau đó phải băng cằm đầu trong một vài ngày để dự phòng tái phát. Đôi khi giai đoạn tiến triển lại được đi tiếp theo bằng một giai đoạn há miệng hạn chế làm cho việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn.

TN (ghi)

BẢN DESKTOP