Đời sống

Không nên phân biệt tuổi hưu nam – nữ

Một trong những nội dung rất đáng quan tâm mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đó là đưa ra phương án tăng tuổi nghỉ hưu so với hiện nay.

Dù đưa ra được nhiều lập luận về ích lợi nhưng ý tưởng tăng tuổi hưu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) không dễ nhận được sự đồng thuận, đặc biệt là lực lượng lao động trực tiếp.

Tăng tuổi hưu – chuyện hiển nhiên?

Theo nhận định của Bộ LĐ-TB-XH thì sau 25 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã phát triển mạnh mẽ: GDP bình quân đầu người của Việt Nam thuộc nhóm tăng nhanh nhất thế giới, đạt mức 5,5% trong thập kỷ 1990 và 6,4% trong thập kỷ 2000, và đến năm 2015 nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ ước đạt 6,7%. Tuy nhiên quá trình này cũng mang lại những thách thức mới, cải cách hệ thống lương hưu trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu được cho là cấp thiết trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, sức khỏe của người dân đã được cải thiện rõ rệt, quỹ bảo hiểm có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần.

Quy định về tuổi nghỉ hưu của Việt Nam từ năm 1961 đến nay vẫn không thay đổi, trong khi tuổi thọ của người dân ngày càng tăng, cùng với đó là điều kiện làm việc của người lao động (NLĐ) ngày càng được cải thiện. Trên thực tế rất nhiều người lao động sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc; hoặc tiếp tục ký hợp đồng lao động với chính cơ quan, đơn vị cũ; hoặc làm cho một tổ chức, cá nhân khác. Ngoài ra, theo một nghiên cứu của Viện Y học Lao động Phần Lan (FIOSH) về chỉ số khả năng làm việc (WAI) với điều kiện Việt Nam, cho thấy, việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ là hoàn toàn khả thi. Cụ thể, có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang làm việc. Nếu mỗi năm có khoảng 120.000 lao động nghỉ hưu thì sẽ có khoảng 48.000 người lao động tiếp tục làm việc.

Nam – nữ nên nghỉ hưu bằng tuổi nhau?

Theo Bộ LĐ-TB-XH, trước đây người ta quan niệm phụ nữ cần có sự ưu tiên đặc biệt vì họ phải gánh trách nhiệm đối với gia đình và thể chất của họ yếu hơn so với nam giới. Chính sách nghỉ hưu sớm được cho là sự ưu ái cũng như là sự bù đắp cho những gánh nặng của phụ nữ với vai trò là người lao động, người chăm sóc gia đình và xã hội. Song quy định này không còn phù hợp trong bối cảnh điều kiện kinh tế, xã hội đã có nhiều thay đổi.

Không nên phân biệt tuổi hưu nam - nữ - Ảnh 1.

Người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH tại Bưu điện trung tâm Bình Chánh, TP HCM

Tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn nam giới tới 6 tuổi trong khi phụ nữ lại nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 tuổi. Các quy định về tuổi nghỉ hưu sớm của phụ nữ so với nam giới theo luật hiện hành có thể dẫn đến nhiều hình thức phân biệt đối xử về phát triển nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến và khả năng tích lũy lương hưu sau này. Hơn nữa, 5 năm nghỉ hưu sớm hơn của phụ nữ so với nam giới trong khi tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn nam giới, sẽ tạo thêm gánh nặng cho quỹ lương hưu.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Đào Quang Vinh – Viện Trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, nếu áp dụng phương án mới, chúng ta sẽ mất 10 năm để tuổi nghỉ hưu của nữ ở tuổi 60 và 4 năm để tuổi nghỉ hưu của nam ở tuổi 62. Điều này sẽ có tác dụng làm chậm quá trình thâm hụt quỹ. Đồng thời kết thúc lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giải quyết được một bước vấn đề bình đẳng giới về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, đây được xem là giải pháp điều chỉnh dần dần, nhằm hạn chế các tác động kinh tế, chính trị và xã hội nói chung cũng như giảm các ảnh hưởng đối với nhóm NLĐ sắp nghỉ hưu, những người sẽ chịu tác động ngay khi chính sách có hiệu lực.

Về quy định từ ngày 1-1-2021 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi, ông Đào Quang Vinh cho rằng việc điều chỉnh tuổi, nhiều nước trên thế giới đã làm và nước nào cũng phải làm trong thời gian dài chứ không thể làm nhanh. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng trong thời gian dài để cảm nhận của người tham gia không sốc, không gây biến động lớn.

Ông Đào Quang Vinh cũng đưa ra một quan điểm mới: “Về mục đích của việc tăng tuổi hưu nam và nữ, một mặt để tiệm cận, gần nhau, hướng đến việc nam – nữ có thể nghỉ hưu bằng nhau. Việc này rất đúng vì thế giới cũng làm tương tự thế, không phân biệt đối xử. Nếu ta để tuổi hưu như cũ thì sẽ ảnh hưởng tới cơ hội việc làm, thăng tiến… của phụ nữ và họ bị hạn chế rất nhiều. Thời gian 5 năm là rất dài. Nếu cố gắng tăng lên thì thời gian phải đủ vì khoảng cách 5 năm thu hẹp, nữ phải tăng nhanh hơn nam”. Cũng theo ông Vinh, với việc tăng 6 tháng/năm với nam là hợp lý, nữ nên tăng khoảng 3 tháng/năm. Thời gian kéo dài cũng không đáng lo, 15 hay 20 năm không phải là vấn đề lớn, quan trọng là để không cảm nhận độ sốc.

Ông Vinh cũng ủng hộ việc nam – nữ nghỉ hưu bằng tuổi nhau. Nguyên nhân cốt lõi là tuổi thọ phụ nữ còn cao hơn nam, họ đóng góp để hưởng lương hưu, tuổi lao động của nữ không kém gì nam giới. “Suy nghĩ cho phụ nữ nghỉ sớm và cho là ưu tiên thực ra chỉ nghĩ một chiều, chiều còn lại phụ nữ không có cơ hội làm việc, cống hiến. Trong các quy định về tiêu chuẩn lao động quốc tế về phân biệt đối xử, để khác nhau như thế là vẫn phân biệt đối xử” – ông Vinh chia sẻ.

Hai Phương án về tuổi hưu của Bộ LĐTBXH

Phương án 1: Giữ nguyên cách tính hiện nay.

Phương án 2: Tuổi nghỉ hưu của NLĐ bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Từ 1.1.2021 cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Theo phương án này, sẽ mất 10 năm để tuổi nghỉ hưu của nữ ở tuổi 60 và 4 năm để tuổi nghỉ hưu của nam ở tuổi 62. Điều này sẽ có tác dụng làm chậm quá trình thâm hụt quỹ. Đồng thời kết thúc lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giải quyết được một bước vấn đề bình đẳng giới về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, đây được xem là giải pháp điều chỉnh dần dần, nhằm hạn chế các tác động kinh tế, chính trị và xã hội nói chung cũng như giảm các ảnh hưởng đối với nhóm người lao động sắp nghỉ hưu, những người sẽ chịu tác động ngay khi chính sách có hiệu lực.

LÊ PHƯƠNG – LINH ANH (báo Lao Động)

BẢN DESKTOP