Y học và đời sống

Không lạm dụng thuốc khi chữa vẩy nến

  • Tác giả : Xuân Hoài
(khoahocdoisong.vn) - Vẩy nến là do rối loạn biệt hóa lành tính của tế bào thượng bì, gặp ở mọi giới, mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất là lứa tuổi lao động, nam mắc nhiều hơn nữ.

Vẩy nến khô và ướt

Ở Việt Nam, ước tính có khoảng 2,5 triệu người đang phải sống với căn bệnh này (chiếm khoảng 3% dân số). Những năm gần đây, số người mắc bệnh vảy nến ngày một gia tăng. Bệnh phát từng đợt, có khi tăng giảm theo mùa. PGS.TS Đặng Văn Em, Trưởng khoa Da liễu, bệnh viện TƯ Quân đội 108 cho biết, bệnh vẩy nến chưa có thuốc điều trị dứt điểm và nguyên nhân gây bệnh cũng không rõ ràng. Bệnh thường không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ của da. Biểu hiện ban đầu là những hồng ban có vẩy, vẩy khô từng mảng màu trắng, dễ tróc, dễ vỡ vụn xuất hiện trên da. Tùy vào tình trạng nặng hay nhẹ mà những hồng ban xuất hiện ít hay nhiều. Những hồng ban này thường xuất hiện khắp cơ thể và nổi bật ở đầu gối, khuỷu tay, chân, lưng và da đầu. Vẩy nến có nhiều dạng, nhưng thường có hai dạng là vẩy khô và ướt. Dù ở dạng nào thì biểu hiện của bệnh khiến người bệnh rất tự ti, tìm mọi cách mau chóng chữa triệt để bệnh, tìm đến mọi cách chữa, tăng liều thuốc để bệnh mau khỏi và rất nhiều tác hại đã xảy ra.

Nhiều thuốc có tác dụng phụ

Theo các chuyên gia, đa số người bệnh mắc vẩy nến sau thời gian điều trị thường tự ý tăng liều làm việc điều trị trở nên khó khăn. Lúc này bệnh không những không khỏi mà còn diễn biến nghiêm trọng do thuốc không còn đáp ứng với việc thuyên giảm bệnh. Việc lạm dụng thuốc đưa người bệnh đối diện với những tác dụng phụ và những biến chứng khó lường mà thuốc gây ra. Đặc biệt trong điều trị bệnh vẩy nến, thuốc được sử dụng có tác dụng phụ cao như methotrexat, cyclosporin A…Thuốc có thể gây tổn thương gan thận, giảm bạch cầu, quái thai, sẩy thai…

Thuốc corticoid bôi ngoài da cho tác dụng tại chỗ, giảm đỏ, giảm bong tróc vảy nhưng khi lạm dụng sẽ gặp phải những tổn thương nặng hơn như nhiễm trùng da, mụn mủ, viêm nang lông, tổn thương da lan rộng, chuyển từ vảy nến thông thường sang thể mủ toàn thân, tăng áp, teo cơ, teo da, mọc lông, rối loạn kinh nguyệt, loãng xương, nhiễm trùng máu. Chính vì những diễn biến khi dùng thuốc corticoid thường khá nguy hiểm nên người bệnh khi dùng thuốc cần được theo dõi nghiêm ngặt, hạn chế rủi ro có thể mắc phải. ở một số người có cơ địa dị ứng, sử dụng thuốc tùy tiện còn có thể gây sốc phản vệ dẫn tới tử vong.

Dinh dưỡng hợp lý hiệu quả hơn thuốc

Khi mắc vẩy nến, điều quan trọng là người bệnh không nên bi quan, cần tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Người bệnh nên có chế độ ăn uống hợp lý, đôi khi tác dụng còn hiệu quả hơn cả sử dụng các loại thuốc điều trị vảy nến. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, omega 3 có tác dụng ức chế các chất gây viêm trong bệnh vẩy nến, vì vậy nếu 1 tuần ăn 3 bữa cá biển, 1-2 bữa ngao sò và duy trì trong thời gian dài sẽ giúp hỗ trợ điều trị bệnh. Các loại rau quả như bơ, cà rốt, xoài có chứa nhiều beta-caroten có khả năng bảo vệ cấu trúc da. Về đông y, người ta có thể dùng vừng đen để hỗ trợ điều trị. Trong vừng đen có chứa nhiều dầu béo có cấu trúc tương tự omega 3, vừa cung cấp vitamin E cần thiết cho lớp sợi liên kết (collagen) dưới da. Vì vậy, các món ăn chế biến từ vừng đen rất tốt cho người mắc bệnh vẩy nến.

Khi điều trị vẩy nến, bác sĩ luôn bổ sung axit folic cho người bệnh. Axit folic có vai trò quan trọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể, vì vậy người mắc vẩy nến, đặc biệt vẩy nến da đầu thường được khuyên dùng thêm bông cải xanh để  bổ sung axit folic thiết yếu cho da đầu.

Ngoài thực phẩm tốt cho bệnh, người bện cần thận trọng khi sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá, các loại nước có gas, đồ hộp, tôm, cua, ghẹ vì dễ gây dị ứng. Cần hạn chế tiếp xúc với hóa chất như xà phòng, dầu gội, sữa tắm...Khi tắm không nên dùng nước quá nóng, không nên chà xát da quá mạnh để tránh làm tổn thương da.

Xuân Hoài

BẢN DESKTOP