Khoa học & Công nghệ

Không khí còn ô nhiễm đến khi nào?

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Sáng ngày 24/12, trên khắp các nẻo đường ở Hà Nội, không khí mờ mịt với tầm nhìn rất thấp. Theo các ứng dụng cảnh báo ô nhiễm không khí, Hà Nội đang trở lại với mức không khí ô nhiễm nghiêm trọng.

5 giờ 30 sáng ngày 24/12, chỉ số chất lượng không khí (chỉ số AQI) đo được trên ứng dụng Air Visual tại Thủ đô Hà Nội ở mức cao - 189 - tiệm cận mức màu tím - cực ô nhiễm. Bản đồ đo chất lượng không khí tại hầu khắp các điểm đều hiển thị màu đỏ quạch - mức xấu, có hại cho sức khỏe con người. Mức ô nhiễm này duy trì tới hơn 7 giờ 30, khi mặt trời lên cao hơn, vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Một số điểm như tại Đại sứ quán Hoa Kỳ và trạm Tô Ngọc Vân, chất lượng không khí đạt trên 230, tiến vào ngưỡng màu tím - nguy hại cho sức khỏe. Theo cảnh báo của Air Visual, chỉ số này cao nhất trong vòng 1 tuần qua, mức độ màu tím này sẽ  duy trì đến 13h ngày 24/12. Sau đó, từ 16h ngày 24/12 đến 4h sáng ngày 25/12, chất lượng không khí ở mức màu đỏ. Ở mức chỉ số này, Thủ đô Hà Nội lại lọt vào top 10 (đứng ở vị trí thứ 7) thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu, theo khảo sát của Air Visual.

Theo Báo cáo Chất lượng Không khí 2018 của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), một tổ chức phi lợi nhuận của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA),  trong những ngày không khí Hà Nội ô nhiễm nhất, gió luôn thổi tới từ phía đông. Cụ thể, trong năm 2018, trong tất cả 167 lần mà nồng độ bụi PM2.5 (đo được ở ĐSQ Mỹ) tăng đột biến (vượt quá 100 microgram/m3, kéo dài ít nhất 3 giờ), Hà Nội đều có khối khí thổi từ phía đông.  

 Báo cáo năm 2018 của GreenID cho rằng nguồn phát thải ảnh hưởng tới chất lượng không khí của Hà Nội là hai cụm công nghiệp quanh thành phố: Các khu công nghiệp và nhà máy nhiệt điện ở phía đông (Hải Phòng, Quảng Ninh) và các khu công nghiệp nặng, ximăng, hóa chất ở phía nam (Ninh Bình). Nồng độ SO2 và NO2 ở hai cụm này đều cao hơn trong thành phố... Hơn nữa cả nồng độ SO2 và NO2 trong hai cụm này đều tăng đáng kể trong 5 năm trở lại đây. 

Nghiên cứu này phân tích hai kịch bản cho năm 2030. Nếu áp dụng công nghệ kiểm soát khí thải tiên tiến chỉ ở Hà Nội, nồng độ PM2.5 trung bình ở Hà Nội sẽ tăng lên 52 microgram/m3 vào năm 2030. Nhưng nếu dùng công nghệ giảm khí thải tiên tiến cho toàn khu vực Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh trung du, nồng độ PM2.5 sẽ thấp hơn, ở mức 33 microgram/m3 vào năm 2030. Như vậy vẫn chưa đạt chuẩn an toàn trung bình năm của Việt Nam là 25 microgram/m3, hay khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 10 microgram/m3.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP