Y học và đời sống

Không dùng trà thủy sâm lúc đói

Thủy sâm là một loại đồ uống được lên men trong dung dịch trà đường bởi một loại nấm (nấm trường sinh) mà người Nhật Bản gọi là Kompucha, người Nga gọi là Kargasok. Thủy sâm có một số tác dụng phòng trị bệnh, nhưng không nên dùng lúc đói hay bệnh đau dạ dày.

Trà thủy sâm nhiều tác dụng

Nếu được làm đúng cách, nước thủy sâm có vị ngọt dịu của đường kính, vị chát đặc trưng của trà đen, vị chua của giấm, vị cay tê của men rượu và khí carbonic.

Theo một số nghiên cứu, loại trà này chứa một lượng cao chất đạm mà cơ thể có thể hấp thụ một cách nhanh chóng. Theo GS.TS.BS Paupell (Nhật Bản) thì thuỷ sâm có thể hỗ trợ điều trị các bệnh như cao huyết áp, chống ung thư và chống lão hóa…

ThS Nguyễn Thị Hằng, Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho hay, nước thủy sâm giúp kích thích nhiều siêu vi khuẩn phân hóa thành các chất dinh dưỡng hữu ích cho con người đào thải những chất độc ra khỏi cơ thể bằng con đường bài tiết.

Qua nghiên cứu các nhà khoa học đã tìm được thành phần hóa học của thủy sâm, chủ yếu có các vitamin nhóm B như B1, B2, B3, B6, B12… có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, chống lão hóa, Xơ vữa động mạch, chống béo phì, tăng cường trí nhớ. Các axit amin có tác dụng chống lão hóa, sản xuất hormon sinh trưởng. Một  số axit folic, axit glucoronic, axit carbonic, axit lactic,… có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, chống loãng xương, giải độc, ngăn ngừa bệnh đường tiêu hóa, ức chế virus.

Nhờ có các thành phần hóa học như vậy mà thủy sâm có thể chữa và ngăn ngừa một số bệnh như cao huyết áp, đau mỏi xương khớp, yếu sinh lý, mất ngủ, các bệnh về tiêu hóa, chống ung thư, chống lão hóa, làm sáng mắt, trị sạm da và tác dụng làm cường tráng cơ thể.

Lương y Nguyễn Hải, Hội Đông y Việt Nam cũng cho biết thêm, thủy sâm tốt nhưng không phải là “thần dược”, không có tác dụng điều trị bệnh hoàn toàn mà chỉ giúp hỗ trợ sức khoẻ cho bệnh nhân. Khi nuôi thủy sâm có quá trình lên men nên khi sử dụng có vị chua nên những người bị bệnh lý về dạ dày nên thận trọng khi sử dụng có thể làm bệnh tăng lên. Không nên dùng nhiều vào buổi sáng đặc biệt khi đói dễ gây viêm loét dạ dày, nên uống sau mỗi bữa ăn, mỗi lần khoảng 100ml, ngày uống 2 lần.

Do tính chất của nuôi thủy sâm là dùng đường nên những người có vấn đề về đường huyết cần lưu ý không tự ý dùng. Vì vậy, khi sử dụng nếu cảm thấy vấn đề khác lạ về sức khoẻ thì dừng ngay và đến bệnh viện kiểm tra.

Ngoài ra, việc nuôi thủy sâm cần phải đúng cách để tránh biến một loại đồ uống có lợi thành “độc dược”. Cách pha nước để nuôi thủy sâm thường là theo tỷ lệ: 100g đường kính trắng và 50g chè đen cho một lít nước. Thời gian nuôi giấm để lấy nước uống thường là 7 ngày. Nước thủy sâm đã rót ra thì chỉ nên uống trong vòng một tuần hoặc hơn một chút chứ không nên để quá lâu, sẽ bị chua.

Sau một thời gian dài, nếu không bóc bớt thủy sâm thì nước uống cũng sẽ bị chua, vì vậy tốt nhất chỉ nên để một hoặc hai lớp váng trong một bình nuôi thủy sâm là đủ. Những đối tượng không nên sử dụng thủy sâm là người có thai, trẻ em dưới 2 tuổi và phụ nữ đang cho con bú.

P.Hằng (ghi)

BẢN DESKTOP